Thưa nhà báo Tô Hoàng, cơ duyên nào đã dẫn ông đến với nghề báo?
- Trong những năm đất nước có chiến tranh, khi tham gia chiến đấu tại các chiến trường, tôi tận mắt chứng kiến những hành động dũng cảm, can trường của đồng đội và bà con, cô bác. Như một như một nhu cầu tự nhiên, tôi thấy cần phải viết về những con người sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của đất nước. Và cứ thế dần dà trở thành… nhà báo!
Theo ông, nhà báo mảng văn hóa nghệ thuật thì “sướng” hay “khổ” hơn so với mảng khác? Vì sao?
Theo tôi, đã là người làm báo thì viết về mảng nào cũng có đầy đủ hỉ nộ ái ố, không mảng nào “sướng” hay “khổ” hơn mảng nào. Nếu nói tới nét riêng của người chuyên viết về đề tài văn hóa văn nghệ, theo tôi, chắc hẳn người viết cần để con tim rung lắc hơi khác thường một chút… Vậy thôi!
Nhiều người sẽ nói họ chọn và gắn bó với nghề báo vì đam mê, cá nhân ông thì sao? Ông nghĩ gì về nghề viết lách, vốn được coi là “phu chữ”, vất vả và… khó làm giàu?
- Ai nghĩ được rằng nghề viết là “phu chữ”, tôi tin người đó sẽ viết giỏi, có nhiều bài báo (hay tác phẩm văn chương) đã động được tới tâm can bạn đọc. Tôi vẫn nhớ lần tham dự một trại sáng tác văn học, trong một buổi lên lớp, nhà văn lão thành Nguyễn Tuân đã yêu cầu anh chị em chúng tôi phải phân biệt cho rành rọt: Đọc sách khác đọc chữ và viết văn khác viết chữ như thế nào. Cụ nói: Trẻ con hết lớp mẫu giáo là đã có thể đọc chữ và viết chữ rồi. Còn đọc để hiểu một trang văn, viết ra nổi một dòng văn - đó lại là một chuyện “cá vượt vũ môn”.
Một kỷ niệm mà ông không quên trong nghề báo?
- Kỷ niệm thì nhiều, xin kể một chuyện. Trong mùa khô năm 1972, chúng tôi đi theo một đơn vị bộ binh tham gia đánh lên dãy cứ điểm vỏ cứng của địch trên đỉnh Ngọc Bờ Biêng, tỉnh Kon Tum. Mặt trận thiếu gạo. Lính chỉ được ăn 1 lạng gạo mỗi ngày, còn bao nhiêu độn bằng rau búng bang, rau môn thục. Chứng kiến cảnh ấy, mấy anh em phóng viên chúng tôi tình nguyện ăn rau rừng, nhường suất gạo cho chiến sĩ. Bộ đội hỏi tại sao? Chúng tôi kìm nước mắt, cắn chặt vành môi mà không dám nói ra sự thật. Đánh lên cứ điểm vỏ cứng là lính ta giơ ngực ra hứng đạn. Bởi vậy, mỗi trận đánh thường hy sinh và thương vong từ 50% tới 70% quân số đơn vị trở lên. Chúng tôi không muốn anh em ngã xuống mà trong bụng lõng bõng toàn rau rừng. Biết được việc này, trong buổi tổng kết chiến dịch, đồng chí chủ nhiệm chính trị khen ngợi chúng tôi chỉ bằng một câu ngắn gọn: “Các đồng chí biết san sẻ, đồng cảm với anh em như vậy, nhất định sẽ có những trang viết khiến người đọc xúc động”.
Những tiêu chí như: Sự trẻ trung và độ nhanh của thông tin trên báo chí hiện nay dường như phù hợp hơn với những nhà báo trẻ. Điều đó cũng phần nào thay đổi diện mạo báo chí trong thời đại mới. Ông có điều gì muốn gửi gắm tới các nhà báo trẻ? Cụ thể là những người có mong muốn trở thành một nhà báo có uy tín về mảng văn học nghệ thuật?
- Mỗi thời buổi, mỗi giai đoạn lịch sử hẳn có những yêu cầu riêng, cụ thể cho báo chí nói chung và cho các loại hình báo cũng như phóng viên nói riêng. Đã thuộc về thế hệ “cổ lai hy” rồi, nếu được phép nhắn nhủ hoặc gửi gắm điều gì, tôi chỉ mong ở các đồng nghiệp trẻ 2 điều: Hãy dũng cảm và trung thực nhìn thẳng vào sự thật, viết đúng lương tâm trong sạch, cương trực, khảng khái của mình để góp phần bảo vệ non sông, đất nước; bảo vệ những người đồng bào cùng chung huyết thống của mình - những ai đã hứng chịu quá nhiều cơ cực, điêu đứng vì chiến tranh, vì thiên tai và nhân tai…
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.