Nhà văn Salman Rushdie nguy kịch sau khi bị tấn công túi bụi trên sân khấu ở New York

Lê Phương (Aljazeera) Thứ bảy, ngày 13/08/2022 10:58 AM (GMT+7)
Nhà văn Rushdie bị đâm vào cổ và bụng khi chuẩn bị thuyết trình trong một sự kiện văn học tại Viện Chautauqua ở Chautauqua, New York, Mỹ.
Bình luận 0
Nhà văn Salman Rushdie phải sử dụng máy thở sau cuộc tấn công ở New York - Ảnh 1.

Khoảnh khắc khi Rushdie ngã gục. Ảnh: AP

Hôm 12/8, Salman Rushdie, tác giả người Anh gốc Ấn, đã bị đâm khi chuẩn bị thuyết trình ở bang Tây Nam New York.

Cảnh sát xác nhận Rushdie đã bị đâm "ít nhất một lần vào cổ, và ít nhất một lần vào bụng". Kẻ tấn công lao lên sân khấu và đâm nhà văn 75 tuổi ngay khi ông đang được giới thiệu với khán giả.

Sau khi được đưa đến bệnh viện và trải qua nhiều giờ phẫu thuật, Rushdie phải thở máy và không thể nói.

"Điều này không tốt chút nào", Andrew Wylie, đại diện của ông viết trong một email cho hãng tin Reuters. "Salman có thể sẽ bị mất một bên mắt, các dây thần kinh ở cánh tay của ông đã bị cắt đứt, gan của ông ấy bị đâm và tổn thương".

Cảnh sát xác định nghi phạm là Hadi Matar, 24 tuổi đến từ New Jersey.

Thiếu tá cảnh sát bang New York Eugene Staniszewski nói với các phóng viên vào chiều 12/8 rằng họ vẫn chưa biết động cơ của người thanh niên này. Ngoài ra, họ tin rằng Matar đang hành động một mình.

Stacey Schlosser, người chứng kiến vụ tấn công, nói với hãng tin AP rằng Rushdie đã bị đâm từ sáu đến tám lần trước khi kẻ tấn công bị khống chế.

"Không ai biết phải làm gì. Không ai biết phản ứng như thế nào. Ý tôi là, có rất nhiều người lao lên sân khấu", Schlosser nói.

Bradley Fisher, người có mặt trên khán đài cho biết: "Một người đàn ông nhảy lên sân khấu và bắt đầu đâm liên tục vào ngực và cổ của Rushdie. Mọi người la hét, khóc thét và thở hổn hển".

Những người tham dự cố gắng kéo Matar ra khỏi Rushdie. Một cảnh sát bang New York tại sự kiện đã bắt giữ kẻ tấn công, trong khi một bác sĩ trong đám đông khán giả giúp chăm sóc Rushdie cho đến khi dịch vụ y tế khẩn cấp đến.

Sự nghiệp của Rushdie

Cuốn sách của Rushdie, The Satanic Verses (Những vần thơ của quỷ Sa tăng - tạm dịch), đã bị cấm ở Iran và một số quốc gia khác vì nhiều người Hồi giáo coi nó là báng bổ. Năm 1989, cố lãnh đạo Iran Ayatollah Ruhollah Khomeini đã ban hành một sắc lệnh kêu gọi tử hình Rushdie.

Vào năm 2012, một tổ chức tôn giáo bán chính thức của Iran đã tăng số tiền đề nghị cho vụ giết nhà văn từ 2,8 triệu USD lên 3,3 triệu USD.

Rushdie đã bác bỏ mối đe dọa vào thời điểm đó, nói rằng "không có bằng chứng" về việc mọi người quan tâm đến số tiền này. Sau đó ông xuất bản một cuốn hồi ký mang tên Joseph Anton: A Memoir.

Rushdie trở nên nổi tiếng vào năm 1981 khi cuốn tiểu thuyết thứ hai của ông là Midnight's Children đoạt giải Văn học Booker, nhưng với việc xuất bản The Satanic Verses, tên tuổi của ông mới được biết đến trên toàn thế giới.

Viện Chautauqua, cách Buffalo khoảng 90 km về phía tây nam ở một góc nông thôn của New York, là nơi ông hay tới thuyết trình.

Rushdie đã xuất bản hơn chục cuốn sách và nhiều lần nói chuyện tại Chautauqua. Cuốn tiểu thuyết mới "Victory City" của ông sẽ được xuất bản vào tháng 2/2023.

Tác giả hiện đang sống ở Mỹ và phải sống dưới sự bảo vệ của cảnh sát vì bị đe dọa tính mạng. Nước Anh phong tước hiệp sĩ cho ông vào năm 2007, điều này đã làm dấy lên các cuộc biểu tình phản đối ở một số quốc gia Hồi giáo.

Các nhà văn, nhóm vận động và chính trị gia ở Mỹ cũng như châu Âu đã lên án cuộc tấn công hôm 12/8.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, Rushdie bị đâm "khi đang thực thi quyền mà chúng ta cần phải luôn bảo vệ". Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đăng tải: "Trong 33 năm, Salman Rushdie là hiện thân của tự do và cuộc chiến chống lại chủ nghĩa tối nghĩa. Ông là nạn nhân từ cuộc tấn công hèn nhát của các thế lực thù hận và man rợ. Cuộc chiến của ông ấy cũng chính là cuộc chiến của chúng ta".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem