Tại triển lãm Reinvented Toilet Expo diễn ra tại Bắc Kinh (Trung Quốc) năm 2018, tỷ phú Bill Gates đã gây bất ngờ khi cầm theo một lọ đựng chất thải lên thuyết trình.
Hóa ra, đây là cách đặc biệt mà ông giới thiệu về nhà vệ sinh kiểu mới, được đầu tư nghiên cứu với chi phí hơn 200 triệu USD (4.592 tỷ đồng) trong nhiều năm qua.
Theo Bill Gates, tình trạng vệ sinh kém chính là nguyên nhân cướp đi sinh mạng của 500.000 người mỗi năm.
Từ thực trạng trên, tỷ phú người Mỹ thúc đẩy phát triển nhà vệ sinh công nghệ mới với khả năng loại bỏ vi khuẩn có hại.
Bằng nguồn tiền từ quỹ “Bill và Melinda Gates” do vợ chồng tỷ phú sáng lập, các công ty nghiên cứu đã có hơn 20 mẫu thiết kế nhà vệ sinh công nghệ.
Trong đó, sản phẩm Nano Membrane Toilet thu hút được sự chú ý lớn khi có thể hoạt động mà không cần nước, xử lý phân ở các ngăn khác nhau và làm sạch chất thải.
Một số mẫu nhà vệ sinh thông minh khác được trang bị các tấm pin mặt trời để cung cấp năng lượng, hoặc tạo ra năng lượng từ chính phân người.
Những sản phẩm này sẽ có giá thành không rẻ, khoảng 500 USD (11,5 triệu đồng) mỗi chiếc, nhưng chi phí cho 10 người sử dụng mỗi ngày chỉ tốn 0,05 USD (khoảng 1.150 đồng).
Sáng chế này không chỉ nhận được sự tán dương và ủng hộ nhiệt tình từ tỷ phú Bill Gates mà còn thu về rất nhiều giải thưởng về thiết kế, công nghệ.
Cơ chế hoạt động của bồn cầu như sau: Sau khi người sử dụng dùng xong, một bộ phận “cảm ứng mùi” sẽ tự động xoay phần gáo đỡ để chuyển toàn bộ “sản phẩm đầu ra” về một khoang chứa.
Sau đó, chất thải được lọc qua một màng nano đặc biệt, giúp tách và làm bốc hơi các phân tử nước khỏi chất thải, đồng thời ngăn ngừa vi khuẩn gây bệnh khỏi nước.
Nước bốc hơi được chuyển tiếp qua một máng, với sự giúp đỡ của khí, nó sẽ được đẩy qua một ống ngưng tụ và sau đó biến thành nước không chứa vi khuẩn ở dạng lỏng.
Nguồn nước này đủ sạch để dùng cho việc lau rửa trong nhà và tưới tiêu trang trại.
Chất thải rắn còn lại sẽ rơi xuống đáy của một thùng chứa, tại đó một vít Archimedes sẽ giúp đưa chất thải rắn tới khoang chứa thứ 2 phía sau. Chất thải rắn sẽ được đốt thành dạng tro để biến thành năng lượng.
Mặc dù thiết kế cho khâu tái chế chất thải rắn vẫn chưa hoàn thiện nhưng trong tương lai gần, các nhà nghiên cứu kỳ vọng năng lượng tro sẽ sản sinh ra điện năng, đủ để sạc các thiết bị di động hoặc các thiết bị điện tử loại nhỏ.
Trước mắt, sản phẩm này sẽ được ứng dụng thử tại Ghana, một quốc gia nghèo của Châu Phi. Nếu kế hoạch tiến triển tốt, dự án sẽ được triển khai trên toàn cầu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.