Nhạc sĩ Tô Thanh Sơn vừa gửi đơn đến Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam và các cơ quan báo chí để lên tiếng về việc trên các trang nghe nhạc trực tuyến, các trung tâm sản xuất băng đĩa nhạc, biên tập các chương trình ca nhạc… ghi, giới thiệu “nhầm” tên người khác là tác giả hoặc không ghi tên tác giả các bài hát của ông. Đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên nhạc sĩ Tô Thanh Sơn bức xúc khi bị vi phạm quyền tác giả nghiêm trọng như vậy.
Ca khúc bị người khác đứng tên
Theo nhạc sĩ Tô Thanh Sơn, các ca khúc như Chút kỷ niệm buồn, Thầm lặng, Vùi chôn kỷ niệm, Một lần gặp em, Ba năm yêu em âm thầm… được ông sáng tác cách đây hơn 30 năm nhưng vì quê ở xa (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) nên không có phương tiện, điều kiện để phổ biến, đành “nằm buồn trong ngăn tủ”.
Ca sĩ Phi Nhung - một trong những ca sĩ trình bày nhiều ca khúc của Tô Thanh Sơn
Mãi cho đến cách đây vài ba năm, các ca khúc này mới được Cục Bản quyền tác giả cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, có điều kiện quảng bá rộng rãi. “Nhưng hỡi ôi, nhiều nơi sản xuất băng đĩa nhạc, biên tập các chương trình ca nhạc, các trang nhạc trực tuyến lại ghi tên người sáng tác là N/A hay tên người khác, kể cả ca sĩ hải ngoại cũng đứng tên sáng tác chứ không phải của Tô Thanh Sơn” - ông bức xúc.
Thật vậy, nếu tra Google tên các bài hát kể trên sẽ thấy chỉ một vài trang có ghi tên tác giả là Tô Thanh Sơn, số còn lại (chủ yếu là trang nghe nhạc trực tuyến và một số trang nhạc chờ, nhạc chuông khác) đều ghi tên người khác. Ví dụ các ca khúc Chút kỷ niệm buồn, Thầm lặng, Vùi chôn kỷ niệm, Một lần gặp lại em… đều ghi sáng tác: N/A; ca khúc Ba năm yêu em âm thầm lại ghi sáng tác: Nguyễn Hưng; còn ca khúc Thầm lặng lại ghi sáng tác: Mạnh Quỳnh. “Tôi không biết vì lý do gì mà ca khúc của mình lại bị người khác đứng tên như thế? N/A là ai?
Sao lại ngang nhiên đứng tên ca khúc không phải do mình sáng tác? Đây chỉ mới là vài ca khúc do tôi và bạn bè phát hiện, không biết còn bao nhiêu ca khúc khác của tôi và các nhạc sĩ khác gặp phải tình trạng này?” - ông lắc đầu. Không những thế, một số bài hát này cũng bị ghi sai tên. Ví dụ: Một lần gặp em ghi thành Một lần gặp lại em, Ba năm yêu em âm thầm ghi thành Ba năm ta yêu em âm thầm...
Nhạc sĩ Tô Thanh Sơn cũng cho biết thêm: “Không chỉ trên các trang nghe nhạc trực tuyến mà các đĩa ca nhạc của nhiều ca sĩ cũng gắn tên người khác sáng tác vào các ca khúc của tôi ngay trên bìa đĩa và lúc chạy chữ trên màn hình. Trong nhiều chương trình ca nhạc, các MC liên tục giới thiệu sai tên người sáng tác hoặc chẳng thèm nói đến tác giả ca khúc là ai”. Thực tế này khiến ông nhiều năm qua trăn trở và quyết định lên tiếng, nhờ báo chí và các cơ quan chức năng can thiệp, xử lý, trả lại quyền tác giả cho người làm ra tác phẩm, cũng là để cảnh báo, ngăn chặn các trường hợp tương tự khác.
Theo giải thích của đại diện Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam Chi nhánh phía Nam, N/A được ghi dưới các ca khúc của nhạc sĩ Tô Thanh Sơn hay các ca khúc khác không phải là tên của một người cụ thể mà là viết tắt của từ “Not available” (nghĩa là không biết ai). Hiện nay, nhiều trang nghe nhạc trực tuyến không rõ tên tác giả ca khúc nên thường ghi N/A rất phổ biến. Vị đại diện này cho biết sẽ kiểm tra và gửi đơn đến các trang nghe nhạc trực tuyến ghi sai hoặc thiếu tên tác giả các ca khúc của nhạc sĩ Tô Thanh Sơn, yêu cầu bổ sung đúng tên tác giả kịp thời.
Thiếu tôn trọng tác giả
Thực ra, thực trạng này vốn không phải nóng bỏng nhưng lại tồn tại nhức nhối nhiều năm mà mỗi khi nhắc đến, hầu hết các nhạc sĩ đều lên tiếng bức xúc. Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện bày tỏ: “Các trang nhạc trực tuyến là “ổ” ghi sai tên hoặc không ghi tên tác giả. Đầy rẫy ca khúc bị gắn tên bậy bạ, vô tội vạ, vấn đề là tác giả ca khúc có phát hiện và lên tiếng hay không”. Nhạc sĩ Tô Thanh Sơn ngán ngẩm: “Ca khúc là đứa con tinh thần của người nhạc sĩ dày công sáng tác mà bị người khác đứng tên làm sao không buồn, không bức xúc. Chưa nói đến chuyện tiền tác quyền, danh dự của người nhạc sĩ bị xâm phạm. Đó là sự thiếu tôn trọng người sáng tác”.
Đại diện Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam Chi nhánh phía Nam cho biết khi ký kết cho phép cập nhật các bài hát trên các trang ca nhạc trực tuyến, trung tâm sẽ gửi đầy đủ thông tin chính xác về tên ca khúc và tác giả cho các đơn vị này. Tuy nhiên, hiện nay, các trang ca nhạc trực tuyến mở cửa, cho phép tất cả mọi người cập nhật ca khúc lên một cách thường xuyên, trong khi người cập nhật đa phần không biết tên tác giả, ghi sai hoặc bỏ trống. Người biên tập “gác cổng” lại thiếu kiến thức hoặc cẩu thả, lười biếng không rà soát, kiểm tra lại. “Trung tâm chỉ giải quyết khi nào tác giả phát hiện sai sót và có yêu cầu chỉnh sửa bổ sung chứ không thể thường xuyên ngồi dò sai sót để điều chỉnh. Hơn nữa, hiện nay có quá nhiều trang web ca nhạc lậu, không chính thống xuất hiện” - đại diện Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam Chi nhánh phía Nam nói thêm.
Thực tế đáng buồn
Hiện nay, rất nhiều nhạc sĩ và các nhà thơ có tác phẩm được phổ nhạc dường như bị bỏ quên trong phần giới thiệu tại các chương trình ca nhạc. Đa số chỉ giới thiệu tên ca khúc và ca sĩ thể hiện. Nhiều ca sĩ hái ra tiền nhờ ca khúc nhưng tên tác giả tạo ra ca khúc chỉ được nhắc qua loa, chiếu lệ. Đó là sự vô tình dẫn đến vô tâm của những người tổ chức chương trình, các ca sĩ. Cũng từ đó tạo thói quen cho khán giả, người nghe chỉ biết thưởng thức ca khúc mà quên đi người đã tạo ra nó.
“Khi nhắc đến thành công của một ca khúc, người nghe nhạc phần lớn thường chỉ nhớ đến ca sĩ thể hiện mà ít người biết đến nhạc sĩ là ai. Đó là một thực tế đáng buồn, người nhạc sĩ mới là người đáng được trân trọng nhất” - ca sĩ Ánh Tuyết chia sẻ.
Thực tế đáng buồn này cũng có sự góp phần của giới truyền thông. Hiện nay, trong các bài viết, phóng viên có thói quen chỉ ghi tên ca khúc và ca sĩ thể hiện, không ghi tên nhạc sĩ.
(Theo Hạ Nguyên/ Người Lao Động)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.