Nhạc sĩ An Thuyên: Tết Âm lịch là một phần máu thịt của người Việt, sao bỏ được

Đông Vũ Thứ sáu, ngày 20/02/2015 10:00 AM (GMT+7)
"Tết Âm lịch là Tết cổ truyền, là văn hoá dân tộc. Nó là một phần máu thịt của người Việt Nam, sao có thể bỏ được", nhạc sĩ An Thuyên nhấn mạnh.
Bình luận 0

img
Nhạc sĩ, thiếu tướng An Thuyên được nhắc tới như "cây đa, cây đề" của làng nhạc Việt Nam.

Ngoài việc nổi tiếng với nhiều tác phẩm có sức lan tỏa rộng và lâu bền, người thầy của nhiều thế hệ ca sĩ Việt Nam - nhạc sĩ An Thuyên còn là một nhà quản lý giỏi. Tuy đã về hưu nhưng ông chưa ngơi nghỉ mà vẫn miệt mài giành thời gian đem trí tuệ, sức lực của mình cống hiến cho nước nhà. Nhân dịp tết Ất Mùi, PV Dân Việt đã có dịp gặp gỡ, trò chuyện với nhạc sĩ xung quanh những công việc trong năm 2014 của nhạc sĩ cũng như quan điểm của ông về việc có nên ăn Tết theo dương lịch.

Năm 2014 được coi là một năm có nhiều sự thay đổi với bản thân nhạc sĩ, ông có thể chia sẻ về những thành công gặt hái được trong năm vừa qua?

- Năm cũ 2014 có lẽ là một năm khá thành công đối với bản thân tôi.

Năm vừa qua, tôi làm Tổng đạo diễn và chỉ đạo nghệ thuật cho 6 sự kiện lớn,
đây là những chương trình chính trị, kinh phí ít mà nghệ thuật cao, cần tìm tòi nhiều cái mới mà vẫn phải thể hiện được vẻ nổi trội về truyền thống vẻ vang của Đoàn thanh niên và Quân đội.

Năm qua tôi cũng vinh dự được nhận hai giải thưởng Cống hiến. Giải thưởng cống hiến cho tuổi trẻ Thủ đô (11.2014), do Thành Đoàn Hà Nội trao. Bài hát Việt tổng kết 10 năm, trao giải thưởng Cống hiến cho tôi (12.2014) - đây là giải thưởng duy nhất.

Cả hai giải thưởng này đều được tội vinh vì cống hiến cho lớp trẻ. Tôi tự hào về điều đó. Tôi yêu lớp trẻ, sẵn sàng cống hiến và luôn học tập được ở lớp trẻ, để mình luôn được trẻ hơn, để luôn lao động sáng tạo.

Nhưng chắc nhạc sĩ cũng có điều gì đó trăn trở?

- Gian khổ lắm, già rồi mà cứ phải dấn thân! Nhân đây tôi kể lại buổi nói chuyện với một học trò cũ.

Năm ngoái, tôi về một địa phương làm chương trình, tôi mời một học trò cùng tham gia. Công việc hòm hòm, 2 thầy trò ngồi ăn cơm bụi, học trò nói: "Thầy ơi cho em nói với thầy một câu", tôi bảo: "em cứ nói", "em xin lỗi thầy, người ta làm giả ăn thật, còn thầy thì cứ làm thật ăn giả, thầy khổ mà bọn em theo thầy cũng khổ..."

"Làm thật ăn giả"! Vâng, tôi vẫn đi và hy vọng vẫn có nhiều người đã và đang đi cùng chí hướng với tôi. Tôi tôn thờ chữ " TÂM", mùa xuân nào tới tôi cũng cầu mong làm được như thế.

Thôi giữ chức vụ Hiệu trưởng của trường Văn hóa nghệ thuật quân đội, về hưu nhưng hiện nay khối lượng công việc, chức sắc ông đang giữ nhiều gấp 5- 7 lần khi còn công tác. Nhạc sĩ có thể chia sẻ về điều này?

- Đầu năm 2014 tôi bắt đầu một sự nghiệp mới, rất lớn và gian lao.

Đó là việc tôi được bầu làm Chủ tịch đầu tiên của Hiệp hội Phát triển Văn hoá Việt Nam. Hiệp hội là một tổ chức phi chính phủ về văn hoá đầu tiên của Việt Nam, ra đời để cùng các doanh nghiệp và xã hội chăm lo cho nền kinh tế phát triển trên nền tảng văn hoá dân tộc Việt.

img
Nhạc sĩ An Thuyên cho biết ông là người tôn thờ chữ Tâm.

Khối lượng công việc nhiều như thế có ảnh hưởng tới việc sáng tác của ông?

- Tôi tâm niệm dù bận việc gì cũng không bao giờ xa rời sáng tác. Năm nay cũng là một năm tôi viết hàng chục ca khúc. Trong đó phải kể đến ca khúc chính của nhạc kịch "Mảnh trăng cuối rừng" của đạo diễn Bông Mai - con gái tôi, dựa theo truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Minh Châu...

Ngày Tết của gia đình nhạc sĩ diễn ra như thế nào?

- Gia đình tôi, cả nhà trước đây làm trong Quân đội, bây giờ còn lại con trai An Hiếu là Thiếu tá, giảng viên Trường nghệ thuật Quân đội, con gái Bông Mai thì đã ra quân về làm biên tập và đạo diễn ở VTV3. Tôi và bà xã Ngô Huyền Lâm đã về hưu. Tuy nhiên, môi trường nào chúng tôi vẫn hoạt động nghệ thuật.


Với gia đình chúng tôi, tết  cổ truyền thực sự đặc biệt nên mỗi thành viên trong gia đình đều hết sức làm tròn bổn phận mình để đón một mùa xuân mới, có thêm sức khỏe và thành công mới.

Đã thành nếp, cứ vào 27 Tết là gia đình tôi nấu bánh chưng, bánh tét. Vợ tôi mua gạo nếp, đậu ,thịt, ra vườn cắt lá dong, rồi gói bánh. Chiều nhóm lửa,  bắc nồi, các cháu chia nhau thức canh nồi bánh chưng cả đêm. Sáng ra vớt bánh, cháu nào cũng được dành phần 1 chiếc bánh tét nhỏ. Bánh chưng thì chia phần cả ba gia đình để thờ cúng. Bánh tét thì để ăn lai rai cho ra ngoài tháng Giêng.

Tối 30 Tết, các con tôi đón giao thừa tại nhà bố mẹ, bố mừng tuổi các thành viên gia đình. Sáng mùng 1 Tết, chúng tôi đi chúc tết khu phố, rồi đi thăm anh em ruột thịt. Mùng 2 thăm bạn bè anh em. Sau mùng 5 thì đi du xuân xuất hành đầu năm.

Có một điểm đặc biệt là tối ngày mùng 2 Tết bao giờ tôi cũng dành để khai bút đầu xuân.

Gia đình nhạc sĩ bấy lây vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống trong ngày Tết Nguyên Đán hay còn gọi là Tết Âm lịch nhưng từng có những luồng ý kiến cho rằng nên Tết Âm lịch mà tổ chức theo Tết theo Dương lịch. Nhạc sĩ nghĩ sao về ý kiến này?

- Ta ăn Tết Dương lịch là theo thế giới. Ăn  Tết  Âm lịch là theo truyền thống cha ông. Cái tết nào cũng có ý nghĩa tốt đẹp của nó. Năm mới là dịp lớn nhất ta dành những điều tốt đẹp cho nhau, cho cuộc sống, bỏ qua những nỗi buồn, vượt qua những đau thương mất mát, để vươn tới tương lai.

Tết Âm lịch là Tết cổ truyền, là văn hoá dân tộc. Nó là một phần máu thịt của người Việt Nam, sao có thể bỏ được.

Xin cảm ơn nhạc sĩ!
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem