Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Tôi sẽ làm đến chết để bảo vệ bản quyền tác giả

(Dòng đời) Thứ bảy, ngày 16/08/2014 06:21 AM (GMT+7)
Sau sự việc lùm xùm về tác quyền tại đêm nhạc Khánh Ly tại Hà Nội, nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc đang phải đối mặt với hàng loạt điều tiếng.
Bình luận 0

Để rộng đường dư luận, PV Dòng Đời đã có cuộc trò chuyện với ông. 

Nhạc sĩ cảm thấy như thế nào khi có người nói, ông vì tiền mà đến sát giờ diễn vẫn còn đến thúc ép, thậm chí muốn “biểu tình” tại đêm diễn Khánh Ly?

- Tôi không dao động trước tất cả những ý kiến trái chiều dù chỉ một chút trong việc làm vừa rồi của tôi. Tôi làm đúng những gì pháp luật cho phép. Có những người không hiểu hết mọi chuyện, nên cứ nói a dua, sai sự thật. Sự kiện đêm nhạc Khánh Ly, cả Ban giám đốc và nhân viên phải ra tận nơi để nỗ lực ngăn chặn hành vi xâm phạm luật pháp về quyền tác giả. Tôi cho đấy là việc cần thiết, cực chẳng đã vì không ai muốn như vậy. Nhưng điều đó cũng thể hiện trách nhiệm tối đa của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đối với những chủ sở hữu tác phẩm đã ủy thác cho họ.
img Nhạc sĩ Phó Đức Phương. I.T

Có nhiều  người nói với tôi, sao không để đêm nhạc Khánh Ly được diễn ra và bán hết vé rồi sau đó sẽ đến xin phép và trả tiền. Nhưng bạn có biết không, có những ông bầu, sau show diễn là trốn đấy. Lần sau tổ chức lại lấy giấy phép hoạt động khác, mang tên kinh doanh khác. Thế là chúng tôi không thu được,và như vậy các chủ sở hữu cũng chê trách là không hoàn thành nhiệm vụ.

Chúng tôi cũng cực chẳng đã thôi, vì nhà tổ chức đêm nhạc Khánh Ly khi đó đã bỏ lửng, không nghe điện thoại, không trả lời khi chúng tôi điện thoại cho họ. Nên tôi mới quyết định đến đêm nhạc, thậm chí lường trước cả chuyện có thể mình sẽ phải lên sân khấu để đau lòng mà nói với khán giả đây là trường hợp phạm pháp, vi phạm pháp luật khi chưa xin phép các tác giả.

Vậy khi phải đi đến quyết định cuối cùng, như nhạc sĩ chia sẻ, thậm chí phải xông lên sân khấu như hôm 2.8 để xin lỗi khán giả và nói rõ mọi chuyện thì ông có đắn đo, cân nhắc nhiều cho việc đó?

- Có chứ, tôi đã suy nghĩ và đắn đo rất lâu, bởi đây là vấn đề khá nhạy cảm. Nhưng tôi nghĩ, việc mình làm là đúng đắn, cần thiết và có hiệu quả nào đó trong nhận thức của những người làm nghệ thuật, và của cả cộng đồng thì tôi phải làm chứ.

Nhưng điều khiến tôi buồn, trăn trở, khi nhà tổ chức chương trình đưa ra lý lẽ họ đã được cấp phép biểu diễn rồi, thì họ cứ diễn thôi. Trên thế giới, điều quan trọng là các tác giả có cho phép thì người ta mới có quyền được sử dụng. Vì tác phẩm là tài sản của tác giả, luật pháp đã quy định như thế cơ mà? Đằng này lại cứ viện dẫn là đã được Nhà nước cho phép rồi.

Có nguồn tin cho rằng, gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không muốn nhà tổ chức gửi tiền qua VCPMC, mà gửi trực tiếp cho gia đình. Xin ông cho biết điều này có xác thực không?

- À, tôi cũng đã được nghe thông tin đó, tôi trực tiếp điện thoại cho ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, và được trả lời gia đình không hề có ý đó. Đây hoàn toàn là thông tin bịa đặt, gia đình vẫn ủy thác để VCPMC thu tiền bản quyền tác giả. Trong bài viết mới nhất của Trịnh Vĩnh Trinh về vụ việc này, chị ấy nói tất cả tin tưởng ở VCPMC đấy.

Rõ ràng việc cấp phép cho các đêm nhạc dù không biết đã thực hiện nghĩa vụ tác quyền hay chưa là một kẽ hở của pháp luật, theo ông phải làm thế nào để chấn chỉnh điều này?

- Theo tôi để xóa bỏ kẽ hở đó, cơ quan quản lý nhà nước chỉ cấp giấy phép cho các tổ chức và cá nhân khi đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ luật pháp về bản quyền tác giả. Giống như việc xin cấp phép xây dựng nhà ở. Điều đầu tiên khi anh xin là phải trình được giấy sở hữu sử dụng đất, anh mới tiếp tục xin cấp phép xây dựng nhà ở. Trong trường hợp này cũng vậy, anh xin phép biểu diễn, anh phải trình được giấy quyền sử dụng tác phẩm.
img Đêm nhạc Khánh Ly tổ chức hồi đầu tháng 8 tại Hà Nội. T.H

Nhắc đến những vụ việc lùm xùm trước đây cũng đã từng dính đến bản quyền, như đêm nhạc Chế Linh, Ru tình, có nhiều ý kiến nói biểu giá thu tiền bản quyền tác giả cao, khiến những nhà tổ chức cũng bị thiệt thòi. Ông nghĩ sao về điều này?

 - Nghị định của Nhà nước đã quy định rõ, các chương trình ca nhạc phải trích 15 – 25% doanh thu của tổng đêm diễn trả bản quyền tác giả bao gồm cả nhạc sĩ, nghệ sĩ dàn dựng múa, phối khí, âm thanh, ánh sáng, sân khấu…
Và VCPMC ngay từ đầu, rất thiện chí và chia sẻ với các nhà tổ chức khi nhận được sự đồng ý của các nhạc sĩ là trích 5% của bản quyền ca khúc trong tổng doanh thu 65% ngoài Bắc và 75% trong Nam.

Với chương trình đêm nhạc Khánh Ly, nhà tổ chức có chia sẻ họ không bán được hết vé, khi đi kiểm tra, chúng tôi thấy điều họ nói là có cơ sở nên chỉ thu 40% số ghế bán được. Có người lại cho việc đó là tùy tiện, là mặc cả như ở chợ. Chúng tôi làm việc có phải chỉ để hài lòng một chiều đâu, còn sự kiểm soát của các tác giả nữa chứ.

Nhiều người lại cứ la oai oái rằng sao một bài hát VCPMC thu những mấy triệu, tôi thấy buồn cười lắm. Kinh doanh cơ mà. Nếu bạn không có cái vé 3- 4 triệu/vé thì bạn có vào được cửa không? Sao không ai nói là vé đắt? Kinh doanh thì phải tính phần trăm doanh thu chứ? Chúng tôi thu, còn thuế cũng thu qua chúng tôi nữa. Tôi nói ví dụ trong chương trình Kpop các ca sĩ Hàn Quốc sang biểu diễn ở sân Mỹ Đình, chúng tôi đã thu về 500.000.000 đồng bản quyền tác giả trong 20 ca khúc. Họ không nộp thì bên Hàn Quốc cũng không cho mở màn đấy.

Cũng có ý kiến nói VCPMC chưa thật sự minh bạch, công khai thông báo số tiền thu được trong đêm diễn cho các nhạc sĩ?

- Mỗi quý chúng tôi gửi một tập dày danh sách để các nhạc sĩ biết được thu tiền bài hát này ở đâu, chương trình nào, kể cả số tiền từ 500 đồng con con từ tiền hát karaoke, nhạc chuông, nhạc chờ đến tiền triệu của đêm nhạc. Nhiều nhạc sĩ khi chúng tôi gửi đến đã tin tưởng và cũng không đủ kiên nhẫn để xem hết bản danh sách đã ký luôn. Tôi vẫn biết có một số nghệ sĩ nổi tiếng, nhạc sĩ nổi tiếng mà tôi không tiện nói tên, vẫn không mấy bằng lòng, vẫn đa nghi về cách thu tiền của VCPMC. Họ đã không hiểu và đưa ra những lập luận tùy tiện theo cảm tính cá nhân họ. Họ nói mãi rồi. Nhưng bảo họ kết thúc hợp đồng đi thì họ lại không. Buồn cười lắm.

Cũng là một nhạc sĩ, lại nhiệt tình và tâm huyết với vấn đề bản quyền tác giả, có lúc nào ông thấy quá mệt mỏi, căng thẳng?

- Tôi nghĩ, tính cách tôi cũng là căn mệnh. Với tôi, khi làm bất cứ việc gì tôi cũng làm cho đến chết, làm tận tâm, trách nhiệm đến tận cùng. Có lần rất nhiều nhà báo đã hỏi tôi, tại sao nhạc sĩ đang ở thời điểm đỉnh cao của sáng tác, nhạc sĩ lại chuyển hướng đi làm công việc bản quyền tác giả đầy khó khăn?

Khi tôi còn làm ở cương vị sáng tác, tôi cũng khổ tâm lắm, tôi luôn luôn tìm tòi, đào sâu, trăn trở, ngụp lặn, tự đặt cho mình những yêu cầu hết sức khắc nghiệt cho đứa con tinh thần của mình. Và khi ở công việc bản quyền tác giả cũng vậy.

Bật mí với bạn, tôi chính là người được Bộ VHTTDL đào tạo về bản quyền tác giả vào năm 1998-1999 đấy nhé.

Ông có thể chia sẻ, duyên nào đưa ông đến với công việc này?

- Cách đây 12 năm, việc bản quyền tác giả trong âm nhạc Việt Nam là một vùng trắng, vùng tối đen chưa ai có ý niệm gì về bản quyền. Đúng lúc đó, tôi đang làm cán bộ tại Cục Nghệ thuật biểu diễn và được Cục cử đi họp tại các cuộc hội thảo văn hóa quốc tế về quyền tác giả âm nhạc. Sau khi được tiếp xúc, được biết thế giới họ đã làm chặt chẽ, khoa học ra sao về bản quyền tác giả, trong tôi như bừng tỉnh ý nghĩ cần phải có bản quyền tác giả ở Việt Nam.

Tôi đã đi xin chữ ký của hàng trăm nhạc sĩ để gửi lên Chính phủ, Quốc hội. Nhiều bạn bè, đồng nghiệp bảo tôi là ngu dại, họ còn gọi vui là ông Phương Đông ki sốt đánh nhau với cối xay gió. Họ cho rằng không thể làm gì về bản quyền tác giả trong bối cảnh âm nhạc Việt Nam lúc bấy giờ. Một bối cảnh rối ren và hỗn loạn với 4 vấn đề lớn: Trình độ luật pháp không chặt chẽ; Thứ hai là quản lý nhà nước còn chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm và do đó không có hiệu quả; Thứ ba, tình trạng xâm hại bản quyền quá dày đặc; Và thứ tư lực lượng của các cơ quan bảo vệ tác quyền quá mỏng không thể kiểm tra và sát sao tất cả.

Nhưng có khi nào nhạc sĩ cảm thấy băn khoăn, tiếc nuối về thời kỳ đỉnh cao trong sáng tác của mình?

- Tôi không tiếc nuối, vì tôi tự nguyện. Trong suốt 12 năm tôi ở cương vị này, phải nói là 12 năm chiến đấu đòi bản quyền tác giả, tôi gặp rất nhiều cá nhân, tổ chức, trong nghề chỉ trích, và khen chê.

Thậm chí có nhiều người ghét tôi, bêu xấu tôi, nhưng tôi không phải trẻ con để bị lệ thuộc vào việc khen chê. Tôi chỉ cần thấy đúng là tôi làm, có như vậy tôi mới tồn tại được, đúng với ý nghĩa của người dấn thân, đầy ý thức và tự giác.


Xin cảm ơn nhạc sĩ!

Thanh Hà (thực hiện)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem