Nhạc sĩ Thao Giang: Sẽ có một thế hệ trẻ theo đuổi cổ nhạc

Chủ nhật, ngày 10/07/2011 11:16 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chuyên ngành đàn và hát dân ca VN sắp được giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Huế với sự phối hợp cùng Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc VN.
Bình luận 0

NTNN đã trao đổi với Phó giám đốc Trung tâm - nhạc sĩ Thao Giang.

Thưa nhạc sĩ, vậy là sao bao năm "lao tâm khổ tứ", giờ "Gánh xẩm Thao Giang" đã chuẩn bị đưa ngành học đàn hát dân ca VN vào đại học chính quy?

- Còn nhớ những ngày đầu một số chuyên gia và nghệ sĩ từng bước tìm tòi, điền dã, học hỏi nghệ nhân, sưu tầm các bài bản và tư liệu hát xẩm ở khắp các địa phương. Tiếp đến là các môn cổ nhạc khác. Rồi chuyển địa điểm hết chỗ này đến chỗ khác cho đến khi ổn định ở đình Hào Nam.

Rồi luyện tập và từng bước cho đến khi trình diễn đều đặn ở chợ Đồng Xuân hàng tuần và mở được nhiều lớp xẩm miễn phí cho các bạn trẻ. Sau thời gian dài vận động, trao đổi, ngành học này đã được cấp mã ngành và tháng 9 tới sẽ khai giảng khóa đầu tại học viện với thời gian 4 năm.

img
Biểu diễn hát văn tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội).

Nhưng bao nhiêu năm qua chúng ta vẫn có đào tạo về ca hát và diễn tấu nhạc cụ truyền thống đấy chứ?

- Đây là điểm mấu chốt trong tư duy và phương pháp đào tạo. Nhiều năm qua với sự áp dụng mô hình học từ nước ngoài, chúng ta truyền dạy cổ nhạc dân tộc bằng hệ thống thang âm phương Tây: Đồ, rê, mi, pha…

Trong khi âm luật, đặc trưng của âm nhạc truyền thống do các cụ nhà mình tạo nên, lưu truyền, diễn xướng qua bao thế kỷ lại khác. Chính bởi điều này mà hiện nay chúng ta có nguy cơ rời xa gốc rễ và sinh viên ra trường lại trở thành người ngoại quốc trước di sản của cha ông. Chương trình đào tạo của chúng tôi sẽ quay trở lại với ngũ cung của âm nhạc cổ truyền Việt Nam.

Có chút băn khoăn khi các môn cổ nhạc với xuất xứ hoặc độ phổ biến chủ yếu ở miền Bắc, nay được đưa vào giảng dạy tại cơ sở đào tạo ở miền Trung?

Ngành đàn - hát dân ca VN tại Học viện Âm nhạc Huế sẽ gồm các phân ngành: Đàn - hát văn, đàn - hát quan họ, đàn - hát xẩm - trống quân và đàn - hát ca trù. Dự kiến GS Trần Văn Khê, GS Ngô Đức Thịnh, GS Nguyễn Thuyết Phong, GS Phạm Minh Khang, NSND Xuân Hoạch, NSND Thanh Hoài, NSƯT Văn Ty... tham gia giảng dạy.

- Ở Học viện Âm nhạc quốc gia, tôi đã lên tiếng từ lâu lắm nhưng thực ra không phải lúc nào cũng suôn sẻ. May mà qua nhiều năm, thuyết phục được Học viện Âm nhạc Huế với mong muốn nơi đây trở thành trung tâm đào tạo âm nhạc dân tộc.

Tôi hy vọng sau một năm học, những kết quả sẽ phải nỗ lực thực hiện, sẽ là cơ sở để tiếp tục thuyết phục việc tuyển sinh và đào tạo ngành học này ở cái nôi miền Bắc.

Một thực tế cần suy nghĩ nữa là hiện theo nghề âm nhạc truyền thống sẽ khó kiếm sống, khó "địch lại" được trào lưu nhạc mới đầy sôi động và được ưa chuộng hiện nay!

- Tôi lại có cái nhìn khả quan, trong xu hướng quay về cội nguồn, trong tương lai người ta cần cái thật, cần tiếp xúc, thưởng thức, tìm hiểu cổ nhạc đúng với bản chất, đặc trưng của nó. Các địa phương cũng sẽ ý thức hơn và tự hào hơn về di sản cổ nhạc của mình và sẽ tìm cách giữ gìn, lưu truyền, giới thiệu.

Tôi tin tưởng vào đời sống sau này của các em sẽ theo đuổi cổ nhạc. Và âm nhạc dân gian khởi sinh từ nền văn minh lúa nước của chúng ta sẽ còn đi theo chúng ta mãi mãi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem