Nhạc sĩ Tô Thanh Sơn: Có lúc không một đồng trong túi ăn cơm

Thứ bảy, ngày 23/05/2015 09:42 AM (GMT+7)
Nhạc sĩ Tô Thanh Sơn nói cuộc đời ông vui ít, buồn nhiều, lắm nỗi gập ghềnh đã tạo cho trái tim ông nỗi sầu thăm thẳm, cứ đặt bút viết là lại ra những giai điệu buồn man mác
Bình luận 0

Hẳn nhiều người đã từng nghe và thuộc nằm lòng những câu hát: “Chiều nao anh với em, nép bên thềm mưa hai đứa xem. Dù đôi ta mới quen, chút kỷ niệm nhưng anh khó quên” của ca khúc “Chút kỷ niệm buồn” nhưng mấy ai nghĩ đến cha đẻ của bài hát đó là ai, có số phận ra sao. Không nhà cửa, không gia đình, không bạc tiền, thậm chí không giấy tờ tùy thân…, ở tuổi 66, nhạc sĩ Tô Thanh Sơn - tác giả của tình khúc nổi tiếng “Chút kỷ niệm buồn” - đang sống cô đơn, ẩn dật trong phủ thờ dòng họ ở thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.

Tác giả của những bản boléro buồn

Nhạc của Tô Thanh Sơn là những bản boléro buồn với giai điệu dễ lưu giữ trong tâm tư người nghe. Đa phần được viết từ tâm sự, tình cảm thật của người nhạc sĩ đa cảm này. Không ít mối tình đơn phương, dang dở đi qua đời ông đã tạo cho ông cảm hứng sáng tác một loạt ca khúc: “Thẹn thùng”, “Thầm lặng”, “Ba năm yêu em âm thầm”… Với Tô Thanh Sơn, mỗi ca khúc là một quá trình sáng tạo với niềm hứng khởi không mệt mỏi. Ông thường “tức cảnh sinh… nhạc” cũng là vì vậy. Ông bảo: “Ngoài những ca khúc viết ra đã trút cạn nỗi lòng, tôi còn quan sát thực tế,

img

Nhạc sĩ Tô Thanh Sơn Ảnh: Hoàng Nam

“Năm 1996, trong lúc trú mưa trên đường Nguyễn Tri Phương, tôi vô tình gặp 2 cô cậu sinh viên đứng trú mưa bên cạnh. Cô gái ướt và lạnh, đứng run rẩy nép mình vào chàng trai. Về nhà, tôi cầm bút viết: “Chiều nao anh với em, nép bên thềm mưa hai đứa xem…” - ông nhớ lại.

Ngoài “Chút kỷ niệm buồn”, ông còn nhiều ca khúc viết về mưa như “Giọt mưa đêm”, “Chờ em trong mưa”, “Nhớ người trong mưa”, “Một mình trong trời mưa”… Ông lý giải: “Lúc mới sáng tác, tôi nghe đứa em đọc 2 câu thơ: “Trời mưa gió, con đường trơn đó bây giờ em đâu. Trời mưa gió, con đường trơn đó bao giờ em qua”, thấy ý thơ hay nên tôi phổ thành bài “Chờ em trong mưa”. Từ đó không hiểu sao tôi thích mưa và hình ảnh cơn mưa buồn luôn trở thành nguồn cảm hứng trong những sáng tác của tôi”.

Hỏi Tô Thanh Sơn tại sao ông lại viết những ca khúc boléro buồn như vậy, ông bảo: “Nhạc từ đời mà ra, đời buồn nên nhạc không vui. Cuộc đời tôi vui ít, buồn nhiều, lắm nỗi gian nan gập ghềnh đã tạo cho trái tim tôi nỗi sầu thăm thẳm, cứ đặt bút viết là lại ra những giai điệu buồn man mác”.

Đường đời lắm gian nan

Dù chật vật với cuộc mưu sinh cơ cực nhưng thời trẻ Tô Thanh Sơn luôn hết lòng lo lắng cho gia đình, người thân. Vậy mà tình cảm anh em bất hòa, hạnh phúc vợ chồng tan vỡ khiến ông chọn cách trở về quê như muốn trốn chạy. Trong tình cảnh không gia đình, không tiền bạc, không nhà cửa… ông phải nương nhờ phủ thờ dòng họ ở thị xã Hồng Ngự. Đã vậy, ông còn bị trộm “viếng thăm”, mất hết giấy tờ tùy thân. “Mọi đau buồn bây giờ chỉ còn là kỷ niệm. Tôi muốn sống những ngày tuổi già một cách bình yên, lặng lẽ” - ông bộc bạch.

Gần 3 năm nay, ông sống cuộc đời ẩn dật, giản dị và đạm bạc với đồng lương ít ỏi từ công việc tại Hội Văn học nghệ thuật thị xã Hồng Ngự và thi thoảng là tiền tác quyền. Cả cuộc đời sáng tác, ông không mua nổi cây đàn. Khi bạn bè tới chơi, yêu cầu ông đàn hát, ông phải chạy qua hàng xóm mượn. Mới đây, có người ở TP HCM mua tặng ông cây đàn, ông quý đến nỗi không dám mang ra xài vì sợ cũ. “Cuộc đời tôi gắn liền với chữ nghèo, có lúc không có một đồng trong túi để ăn cơm nhưng rồi cũng qua hết. Mấy năm nay tôi sống tằn tiện, tiết kiệm từng đồng phòng ốm đau bệnh tật. Nhiều lúc muốn bước chân ra khỏi thị xã nhỏ bé này cũng không có điều kiện và tiền bạc để đi” - ông giãi bày.

Tô Thanh Sơn là một nhạc sĩ mê nghề, có nhiều tài, không chỉ đàn hát tân nhạc mà cổ nhạc ông cũng rành rọt. Song trong đời, ông chịu nhiều thiệt thòi, bất công. Ông ít khi than thở hay tủi thân về cuộc sống nghèo khó bởi “không sợ nghèo khó, chỉ sợ không công bằng”. Đó là vì những ca khúc của Tô Thanh Sơn bị để “nhầm” tên của người khác làm tác giả các bài hát của ông.

“Tôi không cần tiền bạc nhưng cần tên tuổi. Người nhạc sĩ chỉ được nhắc tên cũng đã là một niềm hạnh phúc. Tôi còn nhiều ca khúc chưa có điều kiện phổ biến. Vậy nên điều tôi luôn trăn trở, canh cánh bên lòng là ngoài việc trả lại đúng tên tác giả thì làm sao công chúng biết đến các sáng tác này nhiều hơn” - ông chia sẻ.

Long đong, lận đận

Nhạc sĩ Tô Thanh Sơn sinh năm 1949 tại quận Hồng Ngự, tỉnh Kiến Phong (nay là Đồng Tháp). Từ nhỏ ông đã mê và có khiếu đàn, hát; luôn làm trưởng đội văn nghệ của trường khi còn đi học. Năm 14 tuổi, ông bộc lộ năng khiếu sáng tác nhạc, mơ ước có một cây đàn nhưng vì nghèo không có tiền, đành lén cha mẹ sang nhà bạn để chơi ké. “Thấy cây đàn của bạn mà thèm thuồng, cứ ước được rinh về nhà. Vài năm sau, bạn thương tôi nghèo khó nên tặng cho cây đàn guitar” - ông kể.

Ông còn nhớ như in đó là cây đàn guitar đã cũ, thùng bể và dây đàn cũng đứt vài sợi. Nhưng có hề gì, ông cẩn thận tìm dây nối lại, tìm mua sách về nhà ngày đêm mày mò tập đàn và sáng tác. Đến năm 20 tuổi ông đã có ca khúc đầu tay mang tên “Thẹn thùng”.

Năm 29 tuổi, ông rời Đồng Tháp lên Sài Gòn sinh sống bằng nghề làm MC cho các tụ điểm ca nhạc, làm trưởng các ban nhạc tại cụm nhà hàng khách sạn Đệ Nhất, quận Tân Bình. Thời bấy giờ, ông vẫn sáng tác thường xuyên và sở hữu trong tay khoảng 30 ca khúc.

“Hồi đó tôi tự viết rồi tự hát một mình vì cuộc sống khó khăn, làm không đủ ăn nên đâu có tiền nhờ ca sĩ hát, phổ biến rộng rãi” - ông buồn rầu. Gần 30 năm, ông vẫn mang nặng nỗi buồn của người nhạc sĩ nghèo, viết ca khúc không ai hay.

Tưởng chừng đã hết hy vọng thì vào năm 1999, một người bạn nghe được ca khúc “Chút kỷ niệm buồn”, thấy hay nên mang đi giới thiệu giúp, không ngờ được yêu thích trong lẫn ngoài nước. Từ đó, các sáng tác khác như “Thầm lặng”, “Ba năm anh yêu em âm thầm”, “Giọt mưa đêm”, “Vùi chôn kỷ niệm”, “Một lần gặp em”... cũng được công chúng biết đến rộng rãi.

(Theo Minh Nga/ Người lao động)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem