Thời điểm Bamboo Airways của ông Trịnh Văn Quyết có thể chính thức cất cánh tới nay vẫn chưa được công bố
Bamboo Airways - hãng hàng không của Tập đoàn FLC do ông Trịnh Văn Quyết giữ vị trí Chủ tịch HĐQT, đã hoàn toàn vượt qua các công tác kiểm chứng quan trọng gồm 5 giai đoạn trong quá trình phê chuẩn giấy chứng nhận Nhà khai thác tàu bay (Aircraft Operator Certificate – AOC), đây là chứng chỉ nhà khai thác máy bay được nhà chức trách hàng không phê chuẩn nhà khai thác đó được quyền khai thác máy bay với mục đích thương mại hoặc chỉ khai thác trong phạm vi chứng chỉ cho phép.
Việc được cấp chứng chỉ AOC đồng nghĩa với việc Bamboo Airways đã đáp ứng đủ tiêu chuẩn khai thác từ phía nhà chức trách hàng không, khẳng định năng lực thực tế trong việc đảm bảo an toàn khai thác và dịch vụ.
Song song với việc chuẩn bị kĩ lưỡng về tiêu chuẩn khai thác, Bamboo Airways đã hoàn thiện và kiện toàn cơ bản về đội ngũ nhân lực, kỹ thuật, điều kiện vật chất... Đồng thời, hãng đã khẳng định năng lực thông qua nhiều hoạt động kiểm chứng trong việc tự điều hành các hoạt động khai thác bay, bảo dưỡng, kỹ thuật và vận chuyển thương mại.
Ông Đặng Tất Thắng, Tổng giám đốc Bamboo Airways cho biết: “Chứng nhận AOC là thành quả của 4 năm nỗ lực của tất cả cán bộ công nhân viên Bamboo Airways. Đây là chứng chỉ của niềm tin, ý chí và tinh thần đồng thuận của tất cả các bên. Tôi tin tưởng chứng nhận AOC lần này là bước khởi đầu quan trọng để Bamboo Airways được phục vụ hành khách và cống hiến hết mình cho ngành hàng không Việt Nam”.
Đại diện Cục Hàng không tặng hoa cho Tổ bay của Bamboo Airways ngày bay thử
Theo kế hoạch, Bamboo Airways dự kiến sẽ khai thác 37 đường bay kết nối tất cả thành phố lớn và điểm đến du lịch nổi tiếng tại Việt Nam và quốc tế trong năm 2019. Các tuyến bay nội địa đầu tiên dự kiến sẽ là các tuyến Hà Nội - Quy Nhơn, Hà Nội - Đồng Hới, TP.HCM - Quy Nhơn, Hà Nội - TP.HCM, TP.HCM - Vân Đồn… với mục tiêu giảm áp lực cho cơ sở hạ tầng hàng không tại các thành phố lớn, đồng thời tăng cường liên kết vùng, nâng tầm du lịch Việt Nam trên bản đồ quốc tế.
Để phục vụ cho kế hoạch này, từ tháng 3 đến tháng 6.2018, hãng đã ký hai thỏa thuận mua 44 máy bay A321 NEO và 787-9 Dreamliner trị giá 8,8 tỉ USD của hai đối tác quốc tế lớn là Airbus và Boeing. Trong thời gian chờ bàn giao máy bay mới, Bamboo Airways đã và đang tiến hành thuê mới 20 máy bay dự kiến về trong quý I.2019 và bổ sung thêm tàu bay thân rộng để phục vụ các kế hoạch vận hành đã được đặt ra. Việc sử dụng tàu bay chất lượng cao sẽ là một yếu tố then chốt giúp Bamboo Airways hạn chế tối đa các lý do kỹ thuật làm ảnh hưởng đến lịch trình các chuyến bay. |
Bamboo Airways sẽ khởi bay với tần suất 60 chuyến bay nội địa/ngày. Cũng dự kiến trong năm 2019, những chuyến bay trên không phận quốc tế của Bamboo Airways tới các quốc gia thuộc khu vực Châu Á, bắt đầu là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. Sau đó, tới lượt các nước châu Âu cũng sẽ được Bamboo Airways triển khai bằng các tàu bay thân rộng. Hãng đã chốt kế hoạch bay quốc tế với các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước trong khu vực châu Á, châu Âu để chuẩn bị cho các đường bay dài từ năm 2019.
Về thời điểm Bamboo Airways có thể chính thức cất cánh, một thông tin từ phía Tập đoàn FLC cho biết, sau khi có thông tin bán vé và lịch trình bay, đồng thời hệ thống bán, phân phối vé của hãng chính thức vận hành, sẽ có thông tin chính thức về chuyến bay thương mại đầu tiên của Bamboo Airways.
Trước đó, Bamboo Airways từng lên kế hoạch cất cánh vào ngày 10.10.2018. Tuy nhiên, tới ngày 12.11, hãng mới được cấp Giấy phép Kinh doanh Vận chuyển hàng không. Sau đó, Bamboo Airways dự định bay chuyến đầu tiên vào ngày 29.12 rồi điều chỉnh xuống ngày 27.12.
Song do một số nguyên nhân, trong đó có việc chưa được cấp AOC, hãng hàng không của Tập đoàn FLC không thể cất cánh vào cuối năm 2018 như dự kiến. Bamboo Airways tiếp tục phải lùi kế hoạch cất cánh sang ngày trung tuần tháng 1.2019.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.