Nhân chuyện 9 lần vỡ ống nước Sông Đà: Sai thì sửa, chửa thì đẻ

Thứ ba, ngày 12/08/2014 06:25 AM (GMT+7)
Có một câu thành ngữ mới xuất hiện trong kho tàng tiếng Việt: “Sai thì sửa, chửa thì đẻ” – ý nói thái độ đón nhận nhẹ nhàng trước những sai lầm. Nhưng thú vị nhất là trên đời lại có những sai lầm mà không thể sửa trên cái nền cũ được, chỉ có... đẻ ra thêm.
Bình luận 0

Ai đi qua Bờ Hồ Hoàn Kiếm mà không thấy cái tượng đài “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh” được đặt hiên ngang ở góc đường Đinh Tiên Hoàng. Nó nằm ở một vị trí đắc địa và gần như đã trở thành biểu tượng của thủ đô – bao nhiêu khách du lịch, bao nhiêu đôi tình nhân chụp “ảnh cưới Bờ Hồ” đã chụp cùng cái tượng đài ấy. Nhưng không hiểu có bao nhiêu người nhìn cái tượng đài và biết rằng nó là… cái tượng đài sai.

Cái tượng đài sai. Bởi vì Bác Hồ chưa bao giờ nói câu “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Trong bức điện gửi cho Trung đoàn thủ đô năm 1947, khi cuộc kháng chiến chống Pháp mới nổ ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.

Cái tượng đài sai. Bởi vì theo lập luận của các chiến sỹ Trung đoàn thủ đô năm xưa, Bác không thể sử dụng chữ “cho” được, vì “cho” là một sự ban phát từ trên xuống, không phù hợp với tư thế của người chiến sỹ đang đấu tranh bảo vệ tổ quốc. Chữ của Chủ tịch, chính xác đến từng sắc thái, là “để Tổ quốc quyết sinh”.

Cái tượng đài sai. Và để sửa sai cho cái tượng đài, thì người ta… xây lên một cái tượng đài mới vào năm 2004. Một cái tượng đài mới cách tượng đài cũ chưa đầy 2 cây số, ở vườn hoa Hàng Đậu, với bố cục na ná, nếu không muốn nói là giống hệt, cũng người chiến sĩ ôm bom ba càng, cũng cô gái mặc áo dài cầm kiếm. Và cái tượng đài “đúng” này, trị giá 35 tỷ đồng.

Sai thì sửa, chửa thì đẻ - dân gian bây giờ có câu nói như thế. Nhưng ở ta, chửa cũng đẻ mà sai cũng... đẻ. Như cái tượng đài sai thì đẻ ra cái tượng đài mới giá 35 tỷ đồng.

img

 Đường ống nước sạch sông Đà của tổng công ty Vinaconex vỡ lần thứ 9. XLuc

Tất nhiên là năm 2004 ấy không ai bị khởi tố vì vi phạm quy định xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, vì có thể là 35 tỷ đồng cũng không nghiêm trọng, mới đây ông Cục trưởng Cục đường sắt (đã bị đình chỉ chức vụ) còn bảo là dự án đường sắt bị đội giá 300 triệu USD chỉ là “điều chỉnh một tý” thì hơn 1 triệu USD đâu có là vấn đề. Có thể là người ta mặc nhiên coi cái tượng đài cũ cũng là một cái tượng đài, thôi thì cái câu “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh” dẫu có là người đời sau sáng tác ra thì đọc lên đại đa số dân chúng cũng hiểu, cũng nhớ mang máng nó gắn với tinh thần của cuộc Toàn quốc kháng chiến. Thôi cũng được.

2. Đúng 10 năm sau, người Hà Nội lại phải nói về câu chuyện “sai thì đẻ”. Đường ống nước sông Đà đã vỡ 9 lần, chắc chắn không thể nào “sửa” được nữa rồi. Phải xây đường ống mới thôi. Trị giá hàng trăm tỷ đồng. Cũng là “điều chỉnh một tý”.

Trong xây dựng cơ bản, cái sai gần như không thể nào sửa được. Bê tông không phải là đất nặn. Nếu năm xưa, với cái tượng đài, người ta có thể đề xuất là đục bỏ hàng chữ phía trước đi sửa lại (thật ra làm như thế cũng rất chối vì nó đã là một phần hình ảnh của thủ đô), thì với cầu, đường, nhà, đường ống ngầm, đặc biệt là ở quy mô lớn, bất khả “khắc phục” nếu đã sai. Nếu một cái cầu sập xuống, chắc không ai mộng tưởng đến mức nâng hai nửa của nó lên rồi dán lại bằng keo 502. Tất nhiên là người ta sẽ phải xây cái cầu mới.

Việc khởi tố vụ án hình sự vụ đường ống nước sông Đà không phải là sửa. Các cá nhân bị xử lý (nếu có) sẽ không bao giờ khắc phục được hậu quả. Tất nhiên là họ sẽ không bồi thường được cho nhà nước cả nghìn tỷ, và giả dụ cứ cho rằng họ bồi thường được một nghìn tỷ đi – chẳng ai biết “họ” có bao nhiêu tiền - thì số tiền ấy nếu không phải đem ra làm đường ống mới cũng sẽ được vợ con họ đầu tư vào đâu đó khác, tạo ra giá trị cho xã hội. Nói chung, kiểu gì xã hội cũng đã thiệt.

Việc khởi tố vụ án hình sự chỉ có tác dụng răn đe. Nhưng răn đe đến đâu thì khó mà đo lường được. Số các vụ “cố ý làm trái quy định của Nhà nước” và “vi phạm quản lý xây dựng” có xu hướng gia tăng chứ không giảm.

Cái chúng ta cần nghĩ bây giờ không phải là ai sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp cho cái đường ống nước, mà tại sao lại có cái cơ chế “sai thì đẻ” rất đỗi hồn nhiên này.

3. Chắc nhiều người còn nhớ cái cầu chữ V ở Chư Pah, Gia Lai hồi năm 2012. Cái cầu sập xuống, thành hình chữ V. Và ông phó chủ tịch huyện khăng khăng cãi: “Cầu tạo hình chữ V chứ không sập”.

Ông này quả thật rất đáng chê cười. Nhưng ngay cả trong trường hợp xử lý vị phó chủ tịch huyện này đi, thì có phải xây cầu mới không? Có tiêu đến tiền tỷ của dân hay không?

Những gương mặt của ông Phó Chủ tịch huyện “cầu tạo hình chữ V”, của ông Cục trưởng “300 triệu đô là một tý”, của Dương Chí Dũng hay của nhiều người khác nữa làm người ta phân tâm khỏi bản chất thực sự của vấn đề. Khi những người ấy xuất hiện, họ gây ra sự ức chế và người ta có thể tin rằng họ chính là nguyên nhân.

Nhưng hãy nói về chuyện đẻ: Nếu một cô gái ngủ với hết tên Sở Khanh này tới tên sở khanh khác, rồi mỗi cuộc tình lại tin tưởng đến mức chờ đúng 9 tháng để tạo ra “hậu quả”, tay sở khanh quất ngựa truy phong mới chịu nhận ra sai lầm của mình – thì lỗi là ở xã hội có quá nhiều tay Sở Khanh hay lỗi là tại cô gái?

Cơ cấu lựa chọn, cơ cấu giám sát, kiểm tra của chính chúng ta, những sai lầm trong hệ thống của chính chúng ta đã tạo ra những cú áp phe đầy đau đớn trị giá hàng chục hàng trăm tỷ đồng như thế chứ không phải là ở những nhân vật bị khiển trách, bị khởi tố kia. Vinaconex thực chất cũng đã được “tự biên tự diễn” trong toàn bộ vụ việc đường ống nước sông Đà. Không có bên thứ ba giám sát. Và cũng còn may là nó vỡ 9 lần trong một quãng thời gian liên tục chứ vỡ thưa hơn thì có khi dân còn chẳng có đường ống nước mới.

Cơ chế giám sát đôi lúc đơn giản chỉ là việc dân được biết. Nếu tượng đài “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh” được trưng bản vẽ ra trước khi xây thì có khi đã có chiến sĩ của Trung đoàn thủ đô lên tiếng. Rất nhiều thứ cần được trưng bản vẽ ra trước khi xây – cho dù là chỉ dành cho những nhà chuyên môn – nhưng không bao giờ có.

Cơ chế giám sát là khi chúng ta có thể kiểm soát được một mối quan hệ chứ không phải đến lúc đứa bé cất tiếng khóc oe oe rồi mới biết cha nó là một thằng Sở Khanh. Thứ ấy gần như không tồn tại trong xã hội chúng ta. Có thể lỗi là ở những nhà chức trách, không đề cao sự minh bạch trong các dự án. Có thể lỗi là ở dân. Chắc cũng không mấy người trong số các độc giả đang cầm tờ báo trên tay này đây biết rằng chúng ta có một cơ cấu góp ý cho dự thảo luật ở trên website của các bộ ngành, mà có biết chắc cũng chẳng bao giờ có nhu cầu góp ý.

Đó là chuyện của cả một hệ thống nên có thể chắc chắn vụ đường ống nước sông Đà không phải lần cuối cùng chúng ta phải tiêu tiền tấn để sửa sai.

Nói chung là những mối quan hệ trong xã hội ta cứ hồn nhiên như vậy thôi. Sai thì đẻ chứ còn biết làm thế nào.

Đức Hoàng (Dòng Đời)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem