Ngày thứ Sáu vừa qua (23/8), Trung Quốc quyết định áp thuế bổ sung với khoảng 75 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, nhằm đáp trả tuyên bố tăng thuế đối với hàng Trung Quốc mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra đầu tháng 8/2019.
Ngay sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố tăng thuế với hơn 500 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, đưa xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới lên nấc thang mới.
Theo đó, trong phiên giao dịch sáng ngày 26/8, tại thị trường châu Á, đồng CNY được giao dịch ở mức 7,14 nhân dân tệ đổi 1 USD, trượt giá khoảng 3,6% tính từ đầu tháng 8 tới nay. Như thường thấy trong các dữ kiện quá khứ, đồng CNY giảm giá mạnh đều có thể tác động lớn tới thị trường toàn cầu, nền kinh tế của Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Đồng Nhân dân Tệ giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 11 năm qua
Trao đổi với PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), Phó Giáo sư nhận định, trong khoảng thời gian trước mắt (vài tháng tới), đồng CNY sẽ còn xu hướng tiếp tục giảm. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc sẽ can thiệp để mức giảm không quá sâu, giữ đồng CNY ở mức giá trị ổn định, không gây ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư.
Theo Phó Giáo sư, đồng CNY giảm chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến đồng Việt Nam (VNĐ) nhưng không lớn. Bởi một là do hiện nay Việt Nam đã điều hành theo tỷ giá trung tâm thay đổi hàng ngày theo rổ 8 đồng tiền. Đã có sự điều chỉnh theo thị trường hàng ngày nên sẽ không có “sốc” tỷ giá. Thứ 2, tỷ trọng CNY trong rổ tiền tệ không lớn vì nó tỷ lệ với các đồng tiền giao thương chủ chôt của thương mại quốc tế của Việt Nam. Thứ 3, đồng VNĐ thời gian qua đã mạnh lên, lạm phát thấp, mất giá ít. Thứ 4, chính sách điều hành tiền tệ của Việt Nam đã tích cực, chủ động và có tính độc lập tương đối. Thứ 5, Việt Nam đang trong diện theo dõi thao túng tiền tệ của Bộ Tài chính Mỹ nên cũng rất cẩn trọng với hoạt động điều chỉnh tỷ giá. Vì vậy, Phó Giáo sư nhận định sẽ có sự thay đổi dần dần, hàng ngày, ít một phù hợp với biến động thị trường, không có phá giá tiền tệ.
Đối với nền kinh tế Việt Nam, khi đồng CNY giảm giá mạnh, hàng hóa Trung Quốc trở nên rẻ hơn, cạnh tranh hơn ngay chính trên thị trường Việt Nam và trên các thị trường xuất khẩu khác mà hàng Việt Nam cũng hướng đến. Bên cạnh đó, các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam sang Trung Quốc càng thêm khó khăn.
Đặc biệt, từ xưa đến nay, Việt Nam luôn có tỷ lệ nhập siêu rất lớn và cũng là lớn nhất trong tất cả các thị trường từ Trung Quốc. Đồng CNY giảm giá mạnh sẽ càng khoét sâu cân đối này. Thống kê từ Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm 2019 Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc lên tới 42,5 tỷ USD, tăng tới 18,4% so với cùng kỳ 2018; trong khi xuất khẩu sang thị trường này chỉ 19,8 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ 2018; và nhập siêu 7 tháng lên tới 22,7 tỷ USD.
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định đồng CNY sẽ tiếp tục giảm giá trong thời gian tới
Theo PGS. Đinh Trọng Thịnh, sắp tới hàng hóa tiêu dùng của Trung Quốc có thể sẽ mở rộng hơn nữa, giá hạ hơn so với trước đây tại thị trường Việt Nam. Bởi, một là do đồng CNY xuống giá mạnh, hai là hàng hóa của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ và một số quốc gia khác gặp nhiều khó khăn. Thế nên, họ sẽ tìm đường sang các quốc gia xung quanh đặc biệt là Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay các đơn vị quản lý thị trường, quản lý biên mậu kinh doanh của ta đang còn rất nhiều vấn đề thì việc hàng hóa giá rẻ, hàng giả, hàng nhái, hàng đội lốt thương hiệu… từ Trung Quốc có nguy cơ tràn vào Việt Nam sẽ gây ảnh hưởng lớn đến khả năng cạnh tranh, khả năng sản xuất kinh doanh của nhiều mặt hàng, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam.
“Chính vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước, quản lý thị trường, hải quan, biên giới… cần tăng cường các biện pháp để quản lý, chống sự xâm nhập của hàng giả, hàng nhái, hàng giả xuất sứ đến từ Trung Quốc, giúp doanh nghiệp Việt Nam giảm sức ép. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần cẩn trọng, thường xuyên theo dõi các diễn biến trên thị trường để có những biện pháp chống lại hàng giả, hàng nhái từ Trung Quốc hợp lý”, PGS. Đinh Trọng Thịnh nhận định.
Mặt khác, theo Phó Giáo sư, thời gian gần đây, một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đang tăng lên nhanh chóng. Đây là điều đáng mừng mà cũng đáng lo. Vì xuất khẩu nhiều mà vẫn giữ nguyên nhập khẩu sẽ làm thặng dư cán cân thương mại thay đổi rất lớn. Chính vì vậy, chúng ta cần phải tăng lượng hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ để tránh làm thay đổi thặng dư thương mại.
“Cùng với việc tăng hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ, các linh phụ kiện và nguyên vật liệu đi kèm các mặt hàng xuất khẩu này ta nhập khẩu từ Trung Quốc về cũng đang tăng lên một cách đáng kể. Từ đó, đặt ra một bài toán mới, liệu các linh phụ kiên, nguyên vật liệu nhập từ Trung quốc về Việt Nam có đủ điều kiện xuất khẩu đi các nước hay không? Chính vì vậy, ta cũng cần phải xem xét để quản lý cho phù hợp, đảm bảo tính công khai, minh bạch và chất lượng hàng hóa của chúng ta khi xuất khẩu”, PGS. Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận.
Trung Quốc đã hạ giá đồng nhân dân tệ của mình suy yếu tới mức thấp nhất trong 11 năm qua.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.