Nhân danh công quyền "nắn đường" vào nhà riêng

Nguyễn Tiến Tường Thứ sáu, ngày 02/12/2016 06:47 AM (GMT+7)
Sự phát triển của xã hội là một tiến trình, trong đó lợi ích tự nhiên của tất cả các chủ thể phải được hài hòa dựa trên nguyên tắc công bình. Bất cứ cá nhân nào nhân danh công quyền để bẻ cong nó đều là để thỏa mãn dã tâm của mình
Bình luận 0

Lợi dụng quyền hạn của mình trên cương vị Chủ tịch xã, ông Nguyễn Văn Minh - 52 tuổi ở Tân Thành, huyện K’Rông Nô, Đăk Nông đã “nắn đường” dẫn thẳng về nhà riêng.

Bỏ qua sự bình xét về mức án (5 năm tù) của dư luận đối với ông Minh. Những bức xúc là dễ hiểu vì với sứ mệnh lãnh đạo, ông đã phản bội niềm tin của dân vì cán bộ phải là đầy tớ, nô bộc của dân.

Ông Minh, khi nhà nước hỗ trợ xây đường nông thôn, đã đề xuất xây con đường thẳng đến nhà mình nhưng không được người dân đồng ý. Tuy nhiên, ông vẫn chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ khống, giả mạo chữ ký điều chỉnh thiết kế. Sau đó, đích thân ông cho thi công đoạn đường dài gần 300 m từ tuyến đường chính dẫn vào nhà riêng. 

img

Nhánh đường bên trái do ông Minh nắn chạy thẳng về nhà mình.

“Quá trình” nắn đường cho thấy sự tham lam của ông Minh đã đạt đến dã tâm. Bước đầu là tham nhũng chính sách. Khi bị lộ, ông bất chấp các thủ đoạn để vụ lợi cho mình. Thực tế đó chứng minh ràng, đối với những “vị quan” thiếu liêm chính và dư thừa dã tâm, chức vị và cả guồng máy hành chính có thể bị biến dạng thành công cụ mưu lợi riêng bất cứ lúc nào. Không có gì khơi gợi lòng tham bằng “một miếng giữa đàng”. Nhất là khi có công cụ để đạt được điều đó.

Từng có vụ bẻ cong đường né nhà chủ tịch tỉnh Vĩnh Long Phạm Văn Đấu. Con đường Bạch Đàn quy hoạch từ năm 1996. Ông Đấu làm chủ tịch năm 2002. Đường đang thi công 9m bỗng dưng bị “bóp” lại 8m vì nhà của chủ tịch Đấu lấn 1m vỉa hè. Đặc biệt hơn, con đường quy hoạch thẳng bỗng cong hình chữ S. Lãnh đạo sở GTVT Vĩnh Long khi ấy không ngần ngại nói nắn đường vì “ngán” nhà chủ tịch Đấu!

Đáng nói là phần đường bị nắn, ăn vào phần đất của bà Lê Thị Kim Khoa. Đây chính là lý do xảy ra xung đột. Bà Khoa ôm đơn đi hàng loạt cấp tố cáo ông Đấu, khi đó đã là cựu chủ tịch. Sự việc thu hút dư luận không chỉ trong tỉnh. Có lúc, người dân tỉnh này ôm hàng đống báo photo chuyền tay nhau. Không ai có thể chấp nhận một “đường cong mềm mại” như vậy. Vì rõ ràng, vị thế của chủ tịch Đấu đã được sử dụng như một thứ quyền miễn trừ để không bị mất nhà. Thậm chí vẫn chễm chệ trên mặt tiền.

Có người được thì người kia phải mất. Đó là đường đi của lợi ích. Bà Khoa từ chỗ được thành mất vì lợi ích đã được tước đoạt một cách mờ ám và thô bạo. Đó là lý do một thường dân như bà được dư luận ủng hộ.

Trong một quy hoạch cộng đồng, lợi ích của cộng đồng là yếu tốt đặt lên hàng đầu. Không chỉ là vài mét mặt tiền thương mại. Đó là sự an toàn lưu thông, là mỹ quan đô thị. Lợi ích lâu dài thuộc về cả cộng đồng chứ không riêng gì một cá nhân nào, dù là thường dân hay lãnh đạọ. Nhìn xa hơn, đó cũng chính là giá trị cốt lõi của tất cả các chính sách. Khi có sự thiên lệch về đối tượng thụ hưởng, sự thiếu đồng thuận là đương nhiên.

Nhìn xa hơn nữa, không có một xã hội nào có thể chấp nhận được những “đường cong mềm mại”. Sự phát triển của xã hội là một tiến trình, trong đó lợi ích tự nhiên của tất cả các chủ thể phải được hài hòa dựa trên nguyên tắc công bình. Bất cứ cá nhân nào nhân danh công quyền để bẻ cong nó, để thỏa mãn dã tâm của mình, sẽ phải trả giá.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem