Nhận diện 7 điểm yếu cố hữu của ngành chăn nuôi Việt

Thứ hai, ngày 10/08/2015 18:10 PM (GMT+7)
Quy mô manh mún, nhỏ lẻ; giá thành sản xuất cao; chưa kiểm soát tốt dịch bệnh; chất lượng con giống đưa tới người chăn nuôi chưa đảm bảo; công nghệ chế biến, giết mổ chủ yếu là thủ công; môi trường chăn nuôi đối diện với ô nhiễm, dịch bệnh; công tác chuẩn bị thị trường yếu kém.
Bình luận 0

Đó là 7 điểm yếu cố hữu của ngành chăn nuôi Việt Nam mà GS.TS Vũ Chí Cương – Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) đã chỉ ra khi đề cập đến cơ hội và thách thức của ngành chăn nuôi Việt Nam trước thềm hội nhập TPP (Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương).  

img

Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ là đối tượng chịu tác động đầu tiên khi Việt Nam gia nhập TPP.

Đi sâu vào các điểm yếu vừa nêu, GS.TS Vũ Chí Cương phân tích:

Thứ nhất, về quy mô manh mún, nhỏ lẻ: Tổng giá trị sản xuất của toàn ngành chăn nuôi nước ta hiện đạt khoảng 140.000-150.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, chăn nuôi cả nước chủ yếu vẫn là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chỉ có khoảng 23.000 trang trại (cơ sở chăn nuôi đạt doanh thu từ 500 triệu đồng/năm trở lên), ít hơn nhiều so với các quốc gia khác. Vì quy mô nhỏ lẻ nên sức cạnh tranh yếu. Lấy ví dụ về thịt bò, thịt bò nội không thể cạnh tranh với thịt bò nhập khẩu (dù thịt bò ngoại đã chịu thuế nhập khẩu). Chăn nuôi bò thịt trong nước là chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, mỗi hộ nuôi một vài con, trong khi ở các quốc gia như Mỹ, Úc, bò được chăn nuôi trên những đồng cỏ rộng lớn. Năm 2013, Việt Nam đã phải nhập khoảng 60.000 con bò từ Úc, trung bình nhập 5.000 con/tháng, hiện số lượng này đang tăng. Giá thịt bò nhập khẩu rất cạnh tranh, khoảng 2,2-2,4 USD/kg (tương đương 46-50 nghìn đồng/kg) thịt hơi. Trong khi đó, giá thịt bò hơi tại Việt Nam lên tới 65-80 nghìn đồng/kg.

Điểm yếu thứ hai là giá thành sản xuất cao. Trước hết là đầu vào thức ăn phụ thuộc quá lớn vào nhập khẩu, dẫn tới chi phí sản xuất cao. Đối với chăn nuôi, giá thức ăn đã chiếm tới 65-70% chi phí. So với các nước trong khu vực, giá thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam luôn cao hơn khoảng 10%. Nguyên liệu thức ăn phụ thuộc từ nhập khẩu khiến giá thức ăn chăn nuôi Việt Nam luôn cao hơn các nước trong khu vực 10-15%. Vì thế giá thành các sản phẩm gia súc, gia cầm tăng cao.

img
GS-TS Vũ Chí Cương – Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ NNPTNT)
  
Thứ ba, mặc dù vài năm gần đây, đa số các bệnh gia súc, gia cầm đã được kiểm soát, nhưng một số loại dịch bệnh như lở mồm long móng, cúm gia cầm vẫn hoành hành, gây nhiều thiệt hại cho người chăn nuôi. Không kiểm soát tốt dịch bệnh là nguyên nhân làm người tiêu dùng quay lưng lại với sản phẩm chăn nuôi. Mỗi khi có dịch bệnh ở lợn thì có 40,55% số người tiêu dùng tạm ngừng mua thịt lợn; 31,45% chuyển thịt lợn sang mua các loại thịt khác, 11% chuyển sang chọn mua thịt đông lạnh sạch ở trong các siêu thị. Mỗi khi có dịch cúm gà, thì 75% số người tiêu dùng ngừng mua thịt gà; 21,3% sẽ mua ít hơn trước; 24,6% chuyển sang thịt lợn, bò.

Thứ tư, chất lượng con giống đưa tới người chăn nuôi chưa đảm bảo, trong khi lợn giống tại các nước sinh sản đạt 25-26 con/lứa thì Việt Nam vẫn ở mức 17-20 con. Trong số 20 quốc gia có số lượng lợn lớn nhất, Việt Nam đang đứng hàng thứ 3 với khoảng 4,5 triệu con (sau Trung Quốc: 50 triệu con và Hoa Kỳ: 5,8 triệu con). Tuy nhiên, do chăn nuôi manh mún, năng suất thấp, chất lượng giống kém nên sản lượng thịt xuất chuồng (kg/nái/năm) của Việt Nam xếp ở thứ 20 với năng suất thấp.

Thứ năm, công nghệ chế biến, giết mổ chủ yếu là thủ công, thiếu điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cũng góp phần làm giảm giá trị gia tăng của sản phẩm chăn nuôi. Hiện nay, giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp còn khá ít, chỉ chiếm khoảng 20% trên tổng lượng thịt sản xuất.

Thứ sáu, về môi trường chăn nuôi, mật độ chăn nuôi lợn ở Việt Nam lớn hơn hẳn các quốc gia khác, vì vậy ngành chăn nuôi sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý ô nhiễm và dịch bệnh.

Thứ bảy, công tác chuẩn bị thị trường yếu kém. Chăn nuôi vừa manh mún về quy mô, lại tổ chức sản xuất chăn nuôi kiểu cũ, thiếu tính liên kết giữa khâu sản xuất và thị trường tiêu thụ nên hiệu quả kinh tế không cao, thiếu sự phối hợp giữa người sản xuất và thị trường để tạo ra một chuỗi liên kết ổn định. Do chưa quan tâm đến thị trường nên sản xuất theo phong trào, mạnh ai người nấy làm và chỉ bán hàng hóa mình có chứ chưa bán hàng hóa thị trường cần, chưa quan tâm đến các thói quen tiêu dùng và thị hiếu ẩm thực của thị trường.

Với tất cả các đặc điểm nêu trên, khi gia nhập TPP, khả năng cạnh tranh của các hàng hóa chăn nuôi là thấp nếu không muốn nói là quá thấp. Và vì lý do này, rất nhiều người lo ngại ngành chăn nuôi Việt Nam bị “nhấn chìm” do TPP.

Đình Thắng (ghi) (Trang Trại Việt)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem