Chẳng cần phải “vác máy ảnh sang Mỹ điều tra” cũng có thể thấy rằng giá thịt gà, thịt lợn trong nước đang đắt gấp 2-3 lần giá ở các nước. Giá thành 1kg sữa tươi ở Việt Nam là 65 cent (14.000 đồng), trong khi đó tại New Zealand chỉ bằng non nửa, khoảng 6.500 đồng.
Thịt lợn hơi 45.000-55.000 đồng/kg, đặt gấp 3 lần giá lợn hơi tại Chicago- Mỹ…
Hình ảnh thịt gà bày bán trong một siêu thị tại Mỹ được gửi về cho thấy, đùi gà có giá đến 8,59 – 8,65USD/kg, tương đương 160.000 – 170.000 đồng/kg.
Và không thể không nhắc tới chiếc “đùi gà Mỹ”- ngay trước thềm TPP, đang “làm loạn” thị trường với giá nhập khẩu “còn thấp hơn 1kg cám chăn nuôi”. Mở ngoăc nói thêm- muốn con gà tăng 1kg cả lông, theo tính toán phải tốn 1,6kg cám.
TPP. Và AEC (Cộng đồng Kinh tế ASEAN), hiểu một cách đơn giản, là việc chúng ta phải dỡ bỏ toàn bộ các “barie bảo hộ” khi thuế quan tức khắc trở về 0. Hay đơn giản hơn, người tiêu dùng có quyền lựa chọn giữa 1kg sữa ngoại nhập giá 6.500 đồng và 1kg sữa nội đắt hơn gấp đôi.
Nếu nói ngành chăn nuôi sẽ là vật hy sinh, có lẽ, không phải đợi đến lúc đó, 10 triệu nông dân sống nhờ chăn nuôi sẽ là những con tốt bị thí trên bàn cờ.
Điểm yếu của chăn nuôi không phải đợi đến lúc “nước sau lưng” như hôm nay mới được chỉ ra.
Nói vĩ mô thì là ngành lớn thứ 2 trong nông nghiệp nhưng lại thiếu hoàn toàn khả năng cạnh tranh nhất, thiếu bền vững nhất, manh mún nhất, dễ vỡ nhất. Và, cần phải công bằng- bị bóc lột nhiều nhất.
Chẳng có gì oan uổng ở hai chữ bóc lột. Chính ông Tống Xuân Chinh- Cục Phó Cục Chăn nuôi cũng nhìn thấy rằng các khâu trung gian đang làm tăng rất lớn giá thành sản xuất. Chẳng hạn làm tăng 6-7% giá giống; 9-10% về giá thức ăn chăn nuôi. Đến khâu giết mổ, giá tăng tiếp 8-10%. Chưa hết, bởi còn phải kể đến hàng chục các loại phí thú y có tên và các loại không tên khác.
Cạnh tranh bằng gì? Hay nói đúng hơn là tồn tại bằng gì trên chính ao nhà là một câu hỏi cực khó với người nông dân- trước những “câu trả lời chính sách” đã phát nhàm: “Chủ động nguồn thức ăn” - trong khi vẫn hàng tỷ USD nhập ngô; “nâng cao sức cạnh tranh”- vẫn chỉ thấy là bằng… miệng; Và… “tái cơ cấu”.
Rất khôi hài, trả lời về những biện pháp để nông dân tránh “sốc đùi gà” khi TPP đã quá kề cận, một quan chức của Bộ NNPTNT hồn nhiên nhắc tới một vũ khí “Hàng rào kỹ thuật tự nhiên” là thói quen ăn thịt tươi sống và những con “lợn cắp nách”.
Phải viện dẫn đến cả cái mồm nhân dân, phải dựa vào cả những con lợn “một năm lên 3 lạng”, phải chăng cũng là một cái khổ cho nông dân?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.