Nhân giống thành công gà bản quý hiếm, anh nông dân Quảng Ninh là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022
Nhân giống thành công loài gà quý, anh nông dân Quảng Ninh được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022
Bùi My
Thứ ba, ngày 13/09/2022 05:51 AM (GMT+7)
Anh Nguyễn Văn Tuyền (SN 1988, thôn Tân Hòa, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh) là người có công phục tráng giống gà bản Đầm Hà. Nhờ gìn giữ, bảo tồn giống gà bản địa và góp phần phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, anh Tuyền được vinh danh là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022.
Anh Nguyễn Văn Tuyền được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 phục tráng, nhân giống thành công giống gà bản Đầm Hà.
Khu vực miền Đông tỉnh Quảng Ninh có 3 loại gà nổi tiếng, gà râu Cái Chiên, gà Tiên Yên và gà bản Đầm Hà. Trong đó, giống gà bản Đầm Hà nổi tiếng với đặc trưng bộ lông đốm hoa sặc sỡ, da vàng, chân vàng, chất lượng thịt thơm ngon. Gà mái vừa có râu, vừa có mũ, trong khi nhiều giống gà nổi tiếng khác chỉ có râu.
Những năm trước đây, rất khó tìm mua gà bản Đầm Hà, bởi bà con chỉ chăn nuôi manh mún. Tuy nhiên hiện nay, giống gà bản Đầm Hà đã được phục tráng thành công nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, và phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung.
Người đi đầu trong việc sản xuất giống gà bản Đầm Hà, đó là anh Nguyễn Văn Tuyền, Giám đốc HTX Tuyền Hiền (thôn Tân Hòa, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh).
Gian nan phục tráng giống gà bản Đầm Hà
Vừa đi giao 2.000 con gà giống ở bên xã Đông Ngũ (huyện Tiên Yên) về, anh Nguyễn Văn Tuyền vội xin lỗi vì để tôi phải chờ đợi. Ngồi vào bàn, nhấp chén trà, anh Tuyền bắt đầu kể về hành trình khởi nghiệp gian nan của mình.
Anh Tuyền cho biết, anh vốn học Cao đẳng ngành đóng tàu ở Hải Phòng. Khi ra trường, đi làm, anh lại cảm thấy công việc không phù hợp nên nghỉ việc và đi làm thuê.
"Lúc đó, tôi cũng trải qua nhiều công việc khác nhau, đi làm nhôm kính, đi lái đò... Vợ tôi cũng làm kế toán cho một doanh nghiệp. Nhưng thu nhập của hai vợ chồng vẫn không ổn định. Sau khi có con, thu nhập của hai vợ chồng càng không đủ để trang trải cho cuộc sống," anh Tuyền kể.
Khi đó, anh luôn trăn trở, làm sao để phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương mình? Làm thế nào để tận dụng, phát huy những lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế?
Năm 2014, anh bắt đầu chăn nuôi lứa gà thương phẩm đầu tiên với số lượng 1.000 con. Sau khi xuất bán, trừ các loại chi phí, anh nhận thấy nuôi gà đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, mang lại thu nhập ổn định.
Cũng trong quá trình chăn nuôi, anh nhận thấy giống gà bản địa có chất lượng thịt thơm ngon không kém các giống gà khác và muốn phát huy thế mạnh của địa phương mình. Bởi vậy, anh quyết tâm chuyển sang sản xuất, cung ứng giống và chăn nuôi gà thương phẩm.
Đến năm 2015-2016, anh Tuyền bắt đầu xây dựng chuồng trại, trang thiết bị máy móc, "tầm sư học đạo" về công nghệ thụ tinh nhân tạo để sản xuất con giống.
"Khi bắt đầu khởi nghiệp vào giai đoạn năm 2015, đó là cả một quá trình gian nan, vất vả," anh Tuyền tâm sự.
Để có thể tìm những con gà bản Đầm Hà bố mẹ đạt chuẩn, vợ chồng anh phải lặn lội lên tận các xã vùng cao của huyện Đầm Hà, thậm chí vào tận các bản của bà con đồng bào dân tộc thiểu số để thu gom.
Bên cạnh đó, vợ chồng anh còn gặp khó khăn về nguồn vốn. Khi đó, hai vợ chồng vay được từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Hội Phụ nữ được 162 triệu đồng và vay thêm bạn bè được tổng cộng 200 triệu đồng. Với số tiền đó, vợ chồng anh xây dựng được một chuồng trại nhỏ.
"Khi bắt đầu đầu tư cơ sở hạ tầng để nuôi gà, sản xuất con giống, tôi không nhận được sự đồng thuận từ gia đình và người thân. Bởi khi đó tôi còn trẻ, kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi gà không có, nguồn vốn hoàn toàn là đi vay. Gia đình tôi thuần nông, nên thời điểm đó nói đến 200-300 triệu đồng rất là rất lớn. Họ đều rất lo lắng cho tôi.
Thời điểm đó, chỉ có vợ luôn đồng hành cùng tôi. Có những lúc hai vợ chồng đi bắt gà, đi tiêm phòng cho gà từ 8 giờ tối đến tận 1 giờ sáng. Lúc đó tất nhiên chưa có ô tô như bây giờ, trời mưa rét như vậy, nhưng hai vợ chồng cứ vừa chạy xe máy, vừa kéo theo xe bò. Về đến nơi, hai vợ chồng phải chui vào nhà úm gà để sưởi ấm," anh Tuyền thổ lộ.
Sau khi được chuyển giao và làm chủ công nghệ thụ tinh nhân tạo trong sản xuất con giống, việc cung cấp gà giống ra thị trường ổn định, tháng 5/2016, anh vận động thêm một số hộ dân cùng thành lập HTX Tuyền Hiền chuyên sản xuất gà giống và nuôi gà bản Đầm Hà thương phẩm.
Để bà con cùng làm giàu nhờ gà bản Đầm Hà
Trong những năm qua, gia đình anh Tuyền đã đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng 2 chuồng gà sinh sản hệ thống làm lạnh, 4 máy ấp, 2 nhà úm gà giống, 2 nhà gà hậu bị 300m2, 1 nhà bảo quản và ấp trứng, 2 chuồng nuôi gà thương phẩm 500m2...
Đến hiện tại, tổng số tiền đầu tư trang thiết bị máy móc, cơ sở hạ tầng của gia đình anh lên đến khoảng 10 tỷ đồng.
Hằng năm, HTX Tuyền Hiền cung cấp khoảng 200.000 con gà giống ra thị trường, xuất bán khoảng 150-200 tấn gà thương phẩm, lợi nhuận thu nhập bình quân hằng năm đạt khoảng 1,5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, HTX còn hỗ trợ bà con về thức ăn, bao tiêu đầu ra sản phẩm, trực tiếp hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ dân nuôi gà bản Đầm Hà.
Tháng 6/2019, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm gà bản Đầm Hà. Từ sự thành công của anh Tuyền, nhiều hộ dân trong và ngoài xã Quảng Tân cũng đã đầu tư chăn nuôi gà bản Đầm Hà theo hướng áp dụng khoa học kỹ thuật để vươn lên làm giàu bền vững.
Anh Tuyền vui vẻ cho biết: "Từ khi tôi thành công nhân giống và nuôi gà bản Đầm hà, người nhà và họ hàng của tôi cũng bắt đầu vào chuỗi liên kết chăn nuôi gà. Hiện mô hình đã nhân rộng lên không chỉ ở Đầm Hà, mà còn mở rộng sang Tiên Yên, liên kết với cả Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ, Hải Hà… Khi tham gia vào chuỗi liên kết, bà con đều thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung."
Hiện gà bản Đầm Hà là sản phẩm OCOP 3 sao, và được UBND tỉnh Quảng Ninh tôn vinh là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh năm 2021.
"Trước đây, hai vợ chồng tôi đi xe máy từ Đầm Hà vào Hạ Long, đến tận từng nhà hàng để chào hàng, nhưng không mấy nơi đáp lại. Còn đến bây giờ, gà bản Đầm Hà được tiêu thụ ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, thậm chí không đủ sản phẩm để cung cấp. Bây giờ khi vào thôn Tân Hòa, người ta gọi là làng gà rồi đấy," anh Tuyền vui vẻ khoe.
Nói về dự định trong tương lai, anh Tuyền chia sẻ, hiện nay gia đình anh đang tận dụng phân hữu cơ trong chăn nuôi gà để trồng thử nghiệm hoa hồng. Sắp tới, anh dự định mở rộng diện tích trồng hoa hồng, xây nhà xưởng chiết xuất tinh dầu.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đầm Hà La Trường Thọ nhận xét, anh Nguyễn Văn Tuyền – Giám đốc HTX Tuyền Hiền là tấm gương thanh niên vượt khó làm giàu điển hình của địa phương.
Anh Tuyền đã góp phần gìn giữ, bảo tồn giống gà bản địa, phát huy tiềm năng, thế mạnh vốn có của địa phương, đưa sản phẩm gà bản Đầm Hà ra thị trường rộng lớn không những trong tỉnh mà còn mở rộng ở các tỉnh bạn.
HTX Tuyền Hiền thực sự là cánh tay nối dài đồng hành cùng người nông dân trong sản xuất. Nhờ chăn nuôi gà bản Đầm Hà, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Đầm Hà nói chung, xã Quảng Tân nói riêng không chỉ thoát nghèo, mà còn ngày càng trở lên giàu có.
Nhờ có những thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua, anh Nguyễn Văn Tuyền đã nhận nhiều giấy khen, Bằng khen từ các cấp chính quyền, các đoàn thể từ tỉnh đến trung ương.
Nổi bật nhất, năm 2017, anh Nguyễn Văn Tuyền nhận giải thưởng Lương Định Của từ Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Anh Tuyền được nhận Bằng khen "Đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020" của Ban chấp hành Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh.
Anh Tuyền còn nhận được Bằng khen "Đã có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong phong trào thi đua Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh" của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2020.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.