Nhân ngày Gia đình Việt Nam: Chuyện tình hơn 60 năm đầy rung động của GS "tim" Đặng Hanh Đệ

Gia Khiêm Thứ tư, ngày 28/06/2023 06:11 AM (GMT+7)
Kết hôn tròn 60 năm, chuyện tình của GS Đặng Hanh Đệ - "bàn tay vàng" trong phẫu thuật tim mạch của Việt Nam và vợ, bác sĩ Lê Lan Phương vẫn còn yêu thương, tha thiết như những ngày đầu.
Bình luận 0

Chuyện tình hơn 60 năm vẫn như thở ban đầu

Năm nay là thời điểm đánh dấu chuyện tình yêu đẹp của GS, bác sĩ Đặng Hanh Đệ và bác sĩ Lê Lan Phương tròn 60 năm ngày cưới.

Căn hộ ở khu đô thị ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội rộng rãi, thoáng đãng được ông bà sắp xếp vô cùng ngăn nắp. Con cháu đều đi làm ăn xa, định cư ở nước ngoài nên cả ngày chỉ có vợ chồng ông Đệ quanh quẩn, bầu bạn với nhau. 

Ấy vậy nhưng không khí trong nhà chưa bao giờ hết rộn ràng. Thi thoảng, hàng xóm rồi các thế hệ học trò của ông bà cũng ghé đến chơi, chào hỏi. 

Chuyện tình hơn 60 năm của "bàn tay vàng" ngành mổ tim Việt Nam - Ảnh 1.

Ông bà thường cùng nhau ngắm những bức ảnh để thắp sáng những kỷ niệm xưa. Ảnh: Phương Lê

Điều đặc biệt, bao năm qua, dù đã cưới 60 năm và sắp bước sang tuổi 90, ông Đệ và vợ hằng ngày vẫn xưng hô "anh – em" như thuở mới yêu khiến ai nấy đều ngưỡng mộ. Ông luôn dành cho vợ sự ân cần nhẹ nhàng còn với bà Lan Phương thì chu toàn, chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho chồng.

Trong câu chuyện với PV Dân Việt, GS Đệ cười kể, chuyện tình của mình bắt đầu từ năm 1961, khi đó bà Lan Phương đang là sinh viên năm 3, Trường ĐH Y Hà Nội và đến thực tập tại Bệnh viện Việt Đức, nơi ông đang công tác. Khi đó, bác sĩ Đệ được phân công hướng dẫn nhóm sinh viên thực tập, trong đó có người vợ hiện tại của ông.

Chuyện tình hơn 60 năm của "bàn tay vàng" ngành mổ tim Việt Nam - Ảnh 2.

GS Đặng Hanh Đệ kể lại chuyện tình của mình. Ảnh: Viết Niệm

Nhớ lại đôi mắt ông rạng ngời. Ấn tượng đầu tiên của ông với vợ không phải gương mặt xinh xắn hay nụ cười tỏa nắng, mà là cánh tay trắng nõn, thon thả luôn nhanh thoăn thoắt nhưng cũng vô cùng khéo léo. 

Cho đến bây giờ, GS Đệ và vợ vẫn không quên được lần đầu tiên cả hai hẹn hò, đó là ngày 16/9/1961. Những kỷ niệm ngọt ngào của tình yêu ban đầu được hai người gói ghém cẩn thận bằng các bức ảnh hay câu chuyện trong ký ức một thuở, vẫn ngượng ngùng khi nhắc lại.

"Đó là ngày lần đầu tiên chúng tôi đi chơi với nhau, mỗi người đi một chiếc xe đạp. Tôi thuận tay trái, vợ tôi thuận tay phải vì thế khi xuống xe đi bộ thì bất ngờ 2 người đều ở giữa, còn xe ở hai bên. Lúc đó tôi nghĩ thầm thời cơ đã đến, mình phải hành động thôi. 

Thế là tôi nắm cánh tay vợ, vợ tôi khi ấy sững lại, có vẻ hơi ngượng ngùng. Còn tôi là bác sĩ tim mạch mà lúc đó cũng đứng tim chẳng nói được lời nào", GS Đệ hồi ức lại. 

Chuyện tình hơn 60 năm của "bàn tay vàng" ngành mổ tim Việt Nam - Ảnh 3.

Cả hai vợ chồng ông có những ký ức đáng nhớ về nhau. Ảnh: NVCC

Còn với bà Lan Phương, ngày hẹn hò đầu tiên cảm xúc cũng bối rối khi có người khác giới nắm vào tay mình. "Mà kể cũng lạ, người ta yêu nhau, tỏ tình thì sẽ nắm bàn tay, vuốt tóc, còn anh ấy lại nắm vào cánh tay, làm tôi khó xử", bà Lan Phương kể. 

Suốt 2 năm từ 1961 đến 1963, mỗi tuần 2 lần, bạn trai Hanh Đệ lại đạp xe đến nhà bà để hẹn hò. Mùa đông đúng 19h có mặt, còn mùa hè chuẩn 19h30 và chỉ được ngồi chơi đến 21h là về, không sai lệch. 

Bà Phương say sưa kể về những kỷ niệm hẹn hò hơn 60 năm trước, khi cả hai đi chèo thuyền ở hồ Tây, cùng đọc tặng cho nhau những bài thơ, đạp xe khắp Hà Nội, có khi xe hỏng, dắt xe suốt phố dài mà vẫn tràn đầy năng lượng. 

"Sau thời gian bận rộn với bệnh nhân ở bệnh viện để đến được đúng giờ, anh ấy được bố mẹ bên nhà cho ăn cơm trước, tối còn được bố mắc màn sẵn, về chỉ việc lên giường ngủ. Sau này khi lấy nhau rồi, bố mẹ kể chuyện tôi mới biết và cảm động vô cùng", bà Lan Phương nhớ lại. 

Sau hai năm hẹn hò, đám cưới của hai người được tổ chức vào tháng 8/1963 trong niềm hân hoan, chung vui của gia đình, bạn bè. Đám cưới ngày ấy không có chụp ảnh, cũng chẳng cỗ bàn linh đình, chỉ nước chè, kẹo bánh và đưa đón dâu bằng xe đạp. 

Cách đây vài năm, biết được câu chuyện tình của vợ chồng ông Đệ, một chương trình truyền hình đã bất ngờ tổ chức lại đám cưới. Khi đó bà Lan Phương mới được cầm hoa, mặc váy cưới và chụp ảnh. 

"Đó là tấm ảnh cưới đúng nghĩa của chúng tôi sau gần 60 năm và cũng là khoảnh khắc tuyệt vời và vô cùng xúc động. Bức ảnh đó giờ tôi treo trang trọng trong phòng khách", GS Đệ chia sẻ.

3 năm cách xa, 300 bức thư tình 

Trong khoảng thời gian năm 1967-1970, ông Đệ đi sâu vào nghiên cứu chuyên ngành tim mạch tại Tiệp Khắc. Khoảng cách địa lý xa xôi cách trở phần vì thương vợ vừa lo công việc vừa chăm sóc con nhỏ, ông đã gửi gắm tình yêu cho vợ con qua những bức thư xuyên biên giới.

Chuyện tình hơn 60 năm của "bàn tay vàng" ngành mổ tim Việt Nam - Ảnh 4.

Cách đây vài năm, biết được câu chuyện tình của vợ chồng ông Đệ, một chương trình truyền hình đã bất ngờ tổ chức lại đám cưới cho hai vợ chồng. Ảnh: NVCC

"Trong 3 năm đó, hai vợ chồng chúng tôi đã gửi cho nhau hàng trăm lá thư qua lại giữa Tiệp Khắc và Việt Nam. Cứ một tuần chúng tôi gửi 2 lá thư. Các lá thư được đánh số thứ tự lần lượt từ 1 đến 50, hết số 50 thì quay lại từ đầu. 

Từ lúc đi đến khi về tổng cộng có 6 lần quay vòng số thứ tự như vậy. Tiếc là trong lần chuyển nhà cách đây vài năm những lá thư đều bị thất lạc hết", bà Lan Phương buồn bã kể. 

Sau khi về nước, vợ chồng giáo sư Đệ mới sinh thêm con thứ 2 (năm 1972). Những tưởng khi được gần nhau cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn, nhưng không dưới một lần, gia đình nhỏ này đã phải sống trong sợ hãi, có lúc tưởng chừng như đã chia lìa - khi trải qua những lần bị đánh bom ác liệt trong trận chiến 12 ngày đêm ở Hà Nội (năm 1972) hay trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979.

Chuyện tình hơn 60 năm của "bàn tay vàng" ngành mổ tim Việt Nam - Ảnh 5.

Vợ chồng ông Đệ chụp lại khoảnh khắc bên bà Vi Thị Nguyệt Hồ, vợ Giáo sư, Viện sĩ Tôn Thất Tùng hồi năm 2022. Ảnh: NVCC

"Đệ đây! Anh là chồng em đây!"

Đó là cuộc điện thoại "từ cõi chết trở về" từ chiến tranh biên giới 1979 của chồng mà bà Phương vẫn còn nhớ rành mạch. Lúc đó, bà đã tưởng chồng đã hy sinh trên đường chi viện cho chiến trường thì bỗng nhiên chồng gọi điện về. 

"Trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, chồng tôi lên Cao Bằng để cứu chữa các chiến sĩ bị thương trong cuộc chiến tranh biên giới. Xe vừa đi được một ngày, tại Hà Nội đã loan tin đồn: "Bác sĩ Đệ mất rồi, xe bị đánh rơi xuống vực". 

Nghe tin đó tôi như suy sụp hoàn toàn, ôm lấy con khóc trong tuyệt vọng, đau đớn. Thậm chí, có thời điểm các đồng đội anh ấy còn lập đàn với lời thề: "Phải trả thù cho bác sĩ Đệ và các đồng đội". Lúc đó, tôi đau đớn khôn nguôi nhưng vẫn chờ đợi phép màu xảy ra", bà Lan Phương nhớ lại. 

Đến khi biết chính xác có xe chở đoàn y tế bị nạn, bà Lan Phương nghĩ tin đồn có lẽ là đúng và nghĩ mình đã mất chồng thật sự. 

Rồi một hôm bỗng có điện gọi về, bà Lan Phương cầm máy, đầu dây bên kia cất lời: "Đệ đây!". Nghe xong bà chưa kịp định hình hỏi lại: "Đệ nào?", bên kia tiếp lời: "Đệ đây! Anh đây, chồng em đây!".

Nghe máy xong bà như vỡ oà cảm xúc, không nói nên lời. Bà không tin vào mắt và tai của mình cứ thế bật khóc không ngừng.

Chuyện tình hơn 60 năm của "bàn tay vàng" ngành mổ tim Việt Nam - Ảnh 6.

Hai vợ chồng ghi lại những khoảnh khắc bên nhau. Ảnh: NVCC

"Lúc đó biết chồng mình còn sống là hạnh phúc, nhưng tôi chẳng thể vui vì nhiều đồng đội đã ngã xuống. Vì chiếc xe y tế gặp nạn kia là xe chở đoàn bác sĩ từ Lạng Sơn sang chi viện cho chiến trường", bà Lan Phương xúc động kể lại.

Khi có nhau thì hãy tranh thủ yêu thương nhau

Chiến tranh qua đi, hai vợ chồng giáo sư Đệ dần ổn định cuộc sống rồi tiếp tục công tác trong ngành y tế và đều trở thành những chuyên gia đầu ngành. Khi đến tuổi nghỉ hưu, cả hai không công tác tiếp hay làm thêm bất kể ngày nào, họ về sống vui, sống khỏe, tận hưởng những giây phút bên nhau ở tuổi xế chiều. 

Chuyện tình hơn 60 năm của "bàn tay vàng" ngành mổ tim Việt Nam - Ảnh 7.

Bao năm qua bà Lan Phương đều tự tay vào bếp nấu ăn. Ảnh: Phương Lê

Ông Đệ cười kể, suốt 60 năm qua, cho đến tận bây giờ, ông vẫn giữ thói quen ôm cánh tay vợ vào lòng mỗi khi đi ngủ. Với mọi người khi ở tuổi này thường xưng hô là "ông – bà" còn với vợ chồng ông vẫn hai từ "anh – em" đầy tình cảm dành cho nhau. Đặc biệt là ăn uống đều do vợ nấu.

"Tôi dễ nuôi lắm, vợ chuẩn bị gì ăn nấy, không bao giờ đòi hỏi hay phàn nàn. Thi thoảng có hôm vợ hỏi: Anh thích ăn gì để em nấu? Tôi chỉ cười, nói: 'Em ăn gì thì cho anh ăn nấy'. Tôi nói không phải nịnh nhưng vợ tôi nấu ăn ngon và khẩu vị hai vợ chồng rất giống nhau", giáo sư Đệ tâm sự.

GS Đệ cũng nói tiếp: "Có 3 vấn đề như ăn uống vợ tôi rất chú ý, ngày lo 3 bữa đâu ra đó, hai vợ chồng ăn với nhau chất lượng đầy đủ. Thứ 2 đó là việc tập thể dục, sáng vợ chồng tôi dậy tập nửa tiếng. Thứ 3 là đời sống tinh thần rất vui. 

Tôi cho rằng đời sống tinh thần là điều tiên quyết giúp mình vui vẻ hơn, không suy nghĩ muộn phiền gì nữa. Vậy nên, dù còn trẻ hay già, khi còn có nhau thì hãy tranh thủ để dành cho nhau sự yêu thương", giáo sư Đặng Hanh Đệ chia sẻ thêm. 

GS Đặng Hanh Đệ (sinh năm 1936) - người được mệnh danh "bàn tay vàng" trong phẫu thuật tim mạch Việt Nam. Ông cũng là một trong những học trò xuất sắc kế tục sự nghiệp mổ tim của GS Tôn Thất Tùng.

Suốt 47 năm trong nghề, ông đã cứu chữa hàng nghìn trái tim lỗi nhịp, cứu người bệnh giữ ranh giới sống - chết.

GS Đặng Hanh Đệ đã được trao tặng: Nhà giáo Nhân dân (năm 2000), Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ (năm 2011) và nhiều danh hiệu cao quý khác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem