Thầy giáo Nguyễn Văn Dục – Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Ngán Chiên (huyện Xín Mần, Hà Giang) nói về công tác quản lý giáo dục của mình bằng 2 cụm từ: Kỹ năng và nghệ thuật. Thầy Dục cười xòa giải thích: “Giáo viên vùng cao chỉ “dạy” thôi chưa đủ, còn phải “dỗ” nữa. Điều tuyệt đối không được làm là mắng mỏ học trò, các em chỉ cần phật ý là bỏ học ngay”.
Giáo viên dạy học tại Trường PT Dân tộc bán trú THCS Sàng Ma Sáo (Bát Xát, Lào Cai). Ảnh: Đ.D
Thầy Dục kể, mới đây thầy đã phải chở vợ mình là cô giáo Đỗ Thị Thảo vượt cả chục cây số tới bản Hô Sán trong xã để vận động em Giàng Thị Xoa đến trường. Đây là lần thứ 3 vợ chồng thầy xuống nhà Xoa. Em Xoa học lớp 4 do cô Thảo chủ nhiệm. Hôm ấy Xoa lên lớp mà không có sách giáo khoa hay vở để chép bài, cô Thảo hỏi lý do, Xoa không nói câu nào mà lẳng lặng xuống nhà ở bán trú gói ghém quần áo rồi bỏ về nhà. Về đến nhà, bố mẹ Xoa tưởng con bị thầy cô mắng nên bực mình không cho tới trường nữa.
Mấy ngày liền không thấy Xoa đi học, cô Thảo cùng chồng phải xuống tận nhà để vận động. Lần đầu tới, vợ chồng cô bị mắng té tát không cho giải thích gì. Phải đến lần thứ 3, khi có đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy xã Ngán Chiên đi cùng, bố mẹ Xoa mới đồng ý cho con trở lại trường, với điều kiện: Trường phải mua cho em một cái cặp, bộ sách giáo khoa và vở viết (???).
Muốn học sinh của mình không bị dở dang việc học, cô Thảo đồng ý. Tuy nhiên, sau đó thầy Dục chột dạ: “Đồng bào hay có tính so bì, nếu họ biết em Xoa được mua cặp, sách, vở mới mà đòi hỏi công bằng thì thầy cô giáo chẳng còn lương mà sống”.
Cũng theo thầy Dục, nếu không thực sự mong muốn các em đến trường, trao cho các em kiến thức để thay đổi diện mạo quê hương sau này, thì những giáo viên vùng cao khó mà “luyện” được tính nhẫn nhịn, kiên trì để dạy dỗ các em.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.