Sau 60 năm chờ đợi, tuyển bóng đá nam U22 Việt Nam đã giành huy chương vàng. Với chiến tích lịch sử này, thầy trò HLV Park Hang-seo sẽ nhận được một "cơn mưa" tiền thưởng từ những doanh nghiệp, tập đoàn và các mạnh thường quân. Ước tính, đến thời điểm hiện tại số tiền đã lên tới trên 10 tỷ đồng.
Thầy trò HLV Park Hang-seo giành chiến thắng thuyết phục trong trận chung kết trước đội tuyển U22 Indonesia với tỷ số 3-0
Vừa kết thúc trận đấu, Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam - ông Nguyễn Ngọc Thiện đã quyết định thưởng 1 tỷ đồng cho U22 Việt Nam vì đã có thành tích thi đấu xuất sắc giành huy chương vàng môn bóng đá nam tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 30.
Theo ông Trần Quốc Tuấn - Phó chủ tịch thường trực VFF, đơn vị này quyết định thưởng nóng cho đội tuyển U22 Việt nam 2 tỷ đồng sau khi giành Huy chương Vàng. Trước đó, với thành tích lọt vào trận chung kết, đội tuyển U22 cũng đã được VFF thưởng 1 tỷ đồng.
Tiếp đó, là hàng loạt các ngân hàng, tập đoàn và các doanh nghiệp cũng dành cho đội tuyển bóng đá nam số tiền thưởng lớn sau khi vô địch SEA Games 30 năm nay.
Ngoài ra, nhiều đơn vị đã tài trợ cho các tuyển thủ và ban huấn luyện 2 đội tuyển bóng đá nam và nữ bằng các kỳ nghỉ dưỡng tại các resort 5 sao; tặng 1 năm bay miễn phí; có đơn vị tặng thầy trò HLV Park Hang-seo và Mai Đức Chung 1 chuyến du lịch dài 10 ngày tại Cộng hoà Nam Phi…
Dự kiến, số tiền thưởng dành cho U22 Việt Nam sẽ còn tăng mạnh khi các cầu thủ đáp chuyến bay về nước.
Ước tính, đến thời điểm hiện tại số tiền đã lên tới trên 10 tỷ đồng
Trao đổi với phóng viên về việc đóng thuế từ số tiền thưởng này, Luật sư Hà Huy Phong cho biết vấn đề thuế thu nhập cá nhân đối với các cầu thủ không phải bây giờ mới đặt ra mà đã nóng lên từ khá lâu nay. Cho dù pháp luật khá rõ ràng, nhưng dư luận vẫn có nhiều cách hiểu khác nhau, xuất phát từ cái tên mà báo chí và dư luận gọi là phần thưởng, và nếu là phần thưởng thì thuế thu nhập cá nhân sẽ có cách tính riêng.
Tuy nhiên, bản chất của số tiền này lại là quà tặng mà tổ chức, cá nhân tặng cho cầu thủ. Theo Luật thuế thu nhập cá nhân hiện hành, thu nhập từ quà tặng (trừ một số trường hợp như quà tặng là bất động sản giữa vợ, chồng, cha, mẹ, con …) nếu lớn hơn 10 triệu đồng thì thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân và được tính theo hình thức biểu thuế toàn phần, với mức thuế suất là 10%. Theo quy định tại Điều 10 Luật thuế TNCN, thu nhập chịu thuế từ quà tặng là phần giá trị tài sản quà tặng vượt trên 10 triệu đồng mà đối tượng nộp thuế nhận được theo từng lần phát sinh.
“Nghĩa vụ tính thuế sẽ được xác định cho từng cá nhân và trên con số cụ thể mà mỗi người được hưởng. Mặc dù các tổ chức, cá nhân tuyên bố tặng thưởng cầu thủ số tiền lớn, nhưng cần phải chờ khoản tiền đó về và được phân bổ cho mỗi cẩu thủ, tiền vào tài khoản mới đủ cơ sở để xác định tiền thuế thu nhập cá nhân và số tiền thuế mà mỗi cầu thủ phải đóng” – Luật sư Phong nói thêm.
Tương tự, PGS TS Đinh Trọng Thịnh cho hay, việc tính thuế đối với tiền tài trợ trong quy định chúng ta đã có. Trong đó, thu nhập của các cầu thủ từ tiền thưởng nóng của các đơn vị tài trợ thông thường sẽ được tính thuế thu nhập cao.
Tuy nhiên, số tiền thưởng phụ thuộc vào công lao đóng góp của từng cầu thủ song mỗi người tham gia trận đấu cũng đều có công và xứng đáng được thưởng.
Theo ông Thịnh, thông thường có hai loại thuế, loại thứ nhất người nộp thuế được giảm trừ một phần nào đó; loại thứ hai thì sẽ tính hết theo loại thuế thu nhập cao.
Vấn đề quan trọng nhất đó là sự thành công của mỗi trận đấu không phải của một vài cá nhân mà đến từ công lao đóng góp của cả đội, kể cả người không trực tiếp ra sân.
“Do đó tiền thưởng sẽ được chia làm hai loại, thứ nhất đó là cầu thủ trực tiếp thi đấu đạt thành tích xuất sắc; loại thứ hai là chia đều cho cả đội. Khi tính thuế thu nhập sẽ dựa trên số tiền được chia của mỗi cá nhân” – ông Thịnh nói thêm.
Vị tỷ phú này vừa ra quyết định tặng phần quà giá trị cho toàn bộ tuyển thủ đội tuyển bóng đá nam, bóng đá nữ...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.