Nhân vật nào "giúp" Tư Mã Ý "hớt tay trên" cơ nghiệp nhà Tào Ngụy?

Trần Quỳnh Thứ sáu, ngày 07/08/2020 16:31 PM (GMT+7)
Chính sự đầu hàng của hậu duệ hoàng tộc họ Tào này đã khiến cho Tư Mã Ý và gia tộc của mình có cơ hội phất lên nhanh chóng chỉ sau một cuộc chính biến, thậm chí sau này còn nuốt trọn cơ nghiệp của ...
Bình luận 0

Nhắc tới thời kỳ Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa, nhiều người sẽ không khỏi cảm thấy tiếc nuối khi nhớ về đế nghiệp một thuở của gia tộc họ Tào.

Bởi năm xưa, Tào Tháo cả đời nam chinh bắc chiến, hao tổn không ít tâm sức mới tạo dựng được cơ nghiệp, cuối cùng thành quả lại bị Tư Mã Ý và gia tộc của mình hớt tay trên.

Bàn về việc Tư Mã Ý chiếm quyền Tào Ngụy, chuyên trang phân tích lịch sử Qulishi cho rằng hầu hết trọng trách có thể quy về một nhân vật thuộc gia tộc họ Tào.

Nếu vào thời điểm Tư Mã Ý phát động chính biến, nhân vật này không vội vã đầu hàng, cơ nghiệp của Tào gia cũng sẽ không dễ dàng bị kẻ ngoại tộc từng bước nuốt gọn tới vậy.

Và người phải chịu trách nhiệm cho việc này chính là Tào Sảng – Đại tướng quân nắm giữ quyền điều hành binh mã của Tào Ngụy một thời.

Chủ động đầu hàng kẻ địch, hậu duệ hoàng thất vô tình dâng giang sơn cho ngoại tộc

Nếu người này không đầu hàng, Tư Mã Ý cả đời cũng khó "hớt tay trên" cơ nghiệp Tào Ngụy - Ảnh 1.

Hình tượng nhân vật Tào Sảng trong một bộ phim truyền hình. (Ảnh: Nguồn Internet).

Tào Sảng (? – 249), tự Chiêu Bá, là nhà quân sự và chính trị quan trọng của triều đình Tào Ngụy vào thời Tam Quốc.

Ông được biết tới là quyền thần nổi bật từng công khai chống lại Tư Mã Ý dưới thời Ngụy đế Tào Phương, đồng thời cũng là nhân vật tạo ra một chuỗi các căng thẳng trong nội bộ chính quyền Tào Ngụy thời bấy giờ.

Năm xưa sau khi phò tá Tân đế lên ngôi, Tào Sảng và Tư Mã Ý ban đầu còn cùng nhau chia sẻ quyền lực. Tuy nhiên quyền thần họ Tào này sau đó đã sử dụng không ít những thủ đoạn chính trị để gạt bỏ người cộng sự này ra khỏi chính trường.

Kết quả là tới năm 247, Tư Mã Ý vì chán nản với cảnh hữu danh vô thực nên đã xin cáo ốm về quê và âm thầm chuẩn bị kế hoạch phục thù của mình.

Sử cũ ghi lại, ngày 6/1/249, Hoàng đế Tào Phương dưới sự tháp tùng của Đại tướng quân Tào Sảng và một vài thân tín đã rời đô thành Lạc Dương tới lăng Cao Bình để tảo mộ.

Thế nhưng nhóm người này vừa rời khỏi Lạc Dương, Tư Mã Ý đã phát động chính biến. Đó chính là chính biến lăng Cao Bình nổi tiếng trong lịch sử.

Nếu người này không đầu hàng, Tư Mã Ý cả đời cũng khó "hớt tay trên" cơ nghiệp Tào Ngụy - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Ngày hôm đó, khi Tào Phương và Tào Sảng vừa rời khỏi kinh đô, Tư Mã Ý đã triệu tập 3000 tử sĩ, lấy danh nghĩa của Thái hậu, đóng kín các cổng thành, sau đó nhanh chóng chiếm dụng kho vũ khí và tiếp quản quyền điều động binh lính vốn thuộc về Tào Sảng.

Với một loạt các hành động nhanh gọn kể trên, Tư Mã Ý đã nhanh chóng nắm trong tay toàn bộ kinh thành Lạc Dương, sau đó liền chủ động dâng tấu vạch tội Tào Sảng cho Hoàng đế.

Nhận được hung tin này, Tào Sảng không khỏi giật mình hoảng hốt. Thế nhưng thực tế ông vốn xuất thân từ Hoàng tộc họ Tào, thân lại giữ chức Đại tướng quân, nắm quyền điều động binh mã, bên cạnh còn có không ít thân tín, vì vậy vẫn có đủ vốn liếng để lật ngược tình thế trong cuộc chính biến năm ấy.

Chỉ tiếc rằng Tào Sảng đã hành động quá mức cảm tính, không hiểu rõ được sự tàn khốc của chính trị, do đó liền quyết định buông vũ khí đầu hàng.

Dĩ nhiên, hành động này của ông nhằm mục đích để cho chính biến lăng Cao Bình có thể giải quyết trong hòa bình và không có đổ máu.

Thế nhưng Tư Mã Ý ngoài miệng khẳng định sẽ giải quyết trong sự hòa hảo, nhưng trên thực tế sau khi khống chế đại cục liền nhanh chóng xử tử Tào Sảng và phe cánh, thậm chí còn tru di tam tộc những người này.

Trong số những người bị thanh trừng năm ấy, thực tế có không ít tông thất Tào Ngụy. Trải qua một trận tắm máu thảm khốc đó, gia tộc họ Tào dường như đã chẳng còn gì để chống đỡ, ngay tới chút vốn liếng để xoay chuyển tình thế cũng đã mất.

Cũng kể từ đây, Tư Mã Ý trở thành quyền thần chấp chưởng triều chính của Tào Ngụy, cũng đặt cơ sở để gia tộc Tư Mã soán ngôi họ Tào và thống nhất Tam Quốc sau này.

Nguyên nhân khiến Tư Mã Ý trở mình thành công chỉ sau một cuộc chính biến

Nếu người này không đầu hàng, Tư Mã Ý cả đời cũng khó "hớt tay trên" cơ nghiệp Tào Ngụy - Ảnh 3.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Nhìn lại diễn biến của cuộc chính biến lăng Cao Bình năm xưa, có không ít người đặt ra câu hỏi: Vì sao ở vào thời điểm Tư Mã Ý dấy binh, những thuộc hạ cũ của Tào Tháo không ủng hộ Tào Sảng chống lại?

Thời điểm sự biến này xảy ra là 29 năm sau khi Tào Tháo qua đời, những lão thần tuy không còn lại nhiều nhưng cũng không phải là ít. Tiêu biểu có thể kể tới một vài nhân vật như Vương Quán, Tưởng Tế, Vương Lăng, Quách Hoài…

Theo quan điểm của Qulishi, nhóm người này sở dĩ không ủng hộ Tào Sảng mà án binh bất động hoặc ngả về phía Tư Mã Ý chủ yếu xuất phát từ 2 chữ: Lợi ích. Hơn nữa, thứ "lợi ích" này còn bao gồm hai hàm nghĩa sâu xa dưới đây.

Thứ nhất, kể từ khi Tào Sảng nắm quyền, những thuộc hạ cũ của Tào Tháo không còn được trọng dụng.

Trước khi chính biến xảy ra, các thuộc hạ cũ từ thời Tào Tháo căn bản không mấy được coi trọng, toàn bộ đều bị Tào Sảng gạt sang một bên. Cho nên nhóm các lão thần này về cơ bản đều có địch ý đối với một nhân vật hoàng tộc cậy quyền như Tào Sảng.

Vì vậy khi Tư Mã Ý phát động chính biến, họ hoặc là án binh bất động, hoặc là quay sang ủng hộ nhân vật này chứ không đứng về phe Tào Sảng.

Thực tế cũng đã cho thấy, vào thời điểm chính biến nổ ra, những quyền hành như quyền điều động đại bản doanh, quyền điều hành cấm quân đều do các thuộc hạ cũ của Tào Tháo cướp được.

Thậm chí, Thái úy Tưởng Tế khi ấy còn trở thành thuyết khách cho Tư Mã Ý, viết thư gửi Tào Sảng để khuyên ông buông vũ khí đầu hàng với cam đoan sẽ được tha mà không giết. Kết quả là Tào Sảng bị lá thư này lừa tới mức thê thảm.

Nếu người này không đầu hàng, Tư Mã Ý cả đời cũng khó "hớt tay trên" cơ nghiệp Tào Ngụy - Ảnh 4.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Thứ hai, yếu tố liên quan tới lợi ích của các sĩ tộc.

Vào thời kỳ Tào Tháo chấp chính, vị quân chủ này đa số đều dành cơ hội cất nhắc cho những danh sĩ xuất thân nghèo khó. Điều này hiển nhiên khiến cho giới sĩ tộc thời bấy giờ nhận tổn hại về mặt lợi ích.

Cũng bắt đầu từ đây, tầng lớp sĩ tộc trong chốn quan trường của Tào Ngụy không có được nhiều tài nguyên, phương diện kinh tế cũng chịu tổn hại không nhỏ.

Trong khi đó, Tư Mã Ý xuất thân danh môn lại là một trong những đại biểu nổi bật của tầng lớp sĩ tộc thời bấy giờ. Vì vậy, lần chính biến này còn có thể xem là một đòn phản công đến từ tầng lớp sĩ tộc.

Hơn nữa, đa số các bộ hạ cũ của Tào Tháo còn sót lại trước kia đều từng là sĩ tộc hoặc nằm trong giới sĩ tộc đương thời. Vì đảm bảo cho lợi ích của bản thân và gia tộc, việc họ không chống lại hay lựa chọn ủng hộ Tư Mã Ý cũng là điều dễ hiểu.

Trên thực tế, kể từ sau khi Tư Mã Ý nắm quyền cho tới thời nhà Tây Tấn, tầng lớp sĩ tộc đã được hưởng một cuộc sống hết sức xa hoa với không ít đặc quyền đặc lợi.

Thực lực của các gia tộc lớn thời đó ngay càng trở nên lớn mạnh, thậm chí có thời điểm còn nắm trong tay quyền phế lập Hoàng đế.

Những lý do trên đây cũng giải thích vì sao ở vào thời điểm Tư Mã Ý phát động chính biến, Tào Sảng không nhận được sự ủng hộ từ những thuộc hạ kỳ cựu trong triều đình.

Việc ông bị quay lưng và nhanh chóng đầu hàng một cách mù quáng đã tạo ra cơ hội ngàn năm có một giúp Tư Mã Ý trở mình, đồng thời cũng khiến cho gia tộc Tư Mã có cơ hội "hớt tay trên" giang sơn của Tào Ngụy và trở thành những kẻ chiến thắng cuối cùng trong Tam Quốc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem