Bắt đầu đi làm năm 17 tuổi bằng việc dịch các tài liệu, viết tốc ký cho hãng xuất nhập cảng của Pháp, năm 18 tuổi ông Điều đã có thể “tậu được ô tô” bằng tiền lương. Nhưng ông không coi đó là mục đích của mình. Ông quan niệm, “tiền ở trong đầu chứ không phải ở trong túi” và nó “không phải là thứ để đánh giá con người”.
Hàng nghìn trang sách hai cuốn hồi ký của cựu Tổng bí thư Liên Xô Gorbachov và cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger được ông dịch ra tiếng Việt. Hàng trăm bài thơ ông làm và sưu tầm được ông dịch sang tiếng Anh. Và ở tuổi 90, ông vẫn miệt mài bên trang viết.
Ông Nguyễn Trọng Điều.
Trong phim tài liệu ngắn, ông hiện lên với vẻ hài hước, hóm hỉnh cùng một diện mạo khá “lập dị”, ông nói quỹ thời gian ngày càng ít, dành để “xuống ruộng cày” – chỉ việc dịch sách và dạy Anh văn. Ông có thể nói rõ thêm lý do ông dịch cuốn hồi ký White House Years của Henry Kissinger mà trong bộ phim đã đề cập?
Năm 1975, vì có vốn tiếng Anh và tiếng Pháp, cộng với năng lực làm việc văn phòng từ trước đó, tôi vào làm ở Cao uỷ Liên hiệp quốc về người tị nạn để đoàn kết những gia đình người Việt bị chia ly. Vì bản tính ham thích những vấn đề lịch sử có liên quan, năm 1982 nhân viên Cao uỷ Liên hiệp quốc đã tặng tôi cuốn sách. Ban đầu, tôi đọc lướt để nắm nội dung, đến năm 1991 khi tôi về nghỉ hưu có nhiều thời gian hơn mới đọc lại, và sau này bắt đầu dịch từng trang trong tổng số gần nghìn rưỡi trang sách.
Cuốn hồi ký kể lại tương đối chi tiết đường lối đối ngoại của Hoa Kỳ thời gian ông Kissinger đương nhiệm (đóng vai trò nổi bật trong việc hoạch định và thi hành chính sách ngoại giao với cương vị trợ lý an ninh quốc gia cho Tổng thống Nixon, và sau đó là chức vụ ngoại trưởng của hai đời tổng thống Nixon và Ford).
Tức là cuốn hồi ký cũng đề cập đến cuộc chiến tranh ở Việt Nam những năm 1960, 1970 của thế kỷ trước?
Một số vấn đề về cuộc chiến ở Việt Nam giai đoạn 1968 – 1973 được đưa ra, theo chính Kissinger đã đề cập trong lời mở đầu: “Nó đúng là chuyện kể lịch sử được nhìn nhận qua nhãn quan của bản thân tôi – một bức tranh phác hoạ những gì mà tôi nhìn thấy, những gì mà tôi đã nghĩ ra và những gì mà tôi đã thực hiện – và tất nhiên cũng không thể tránh được việc tôi phải chọn lựa sàng lọc cũng như gói ghém chặt chẽ những sự kiện đã diễn biến xảy ra, khó mà bảo đảm hoàn toàn được tính khách quan cho đầy đủ”.
Tuy nhiên, theo Kissinger, “Nó vẫn được nêu lên ở đây với một cách trung thực tới mức tối đa, với ý định mục đích để dung hoà, chứ không phải để ghi điểm chiến thắng tranh cãi trở lại về những gì đã qua”.
Ông có cho rằng “với cương vị một dân tộc”, bất kỳ một công dân Mỹ nào cũng đặt lợi ích dân tộc mình lên trên hết, nhất là một người đóng vai trò quan trọng trong đường lối đối ngoại như Henry Kissinger, hồi ký của ông ta cũng không ngoại lệ?
Chúng ta không thể thay đổi được quá khứ, nhưng có thể thay đổi tương lai. Muốn vậy chúng ta phải hiểu quá khứ, rút kinh nghiệm từ quá khứ để ứng xử tốt hơn cho tương lai. Hồi ký của Henry Kissinger không phải là căn cứ duy nhất, nhưng có tính chất một tài liệu tham khảo như một dữ kiện lịch sử. Ta phải đặt vấn đề trong tính triết học, phải có hiểu biết toàn diện để phân tích mọi khía cạnh của nó.
Như vậy có thể coi việc hướng đến tương lai là một động lực để ông dịch cuốn sách, khi ở vào độ tuổi không còn trẻ?
Dịch sách là việc mất thì giờ nhưng là công việc tôi yêu thích. Tôi không kiếm tiền bằng việc này và cũng không để bán cho ai. Tiếng Anh mà ông Henry Kissinger viết trong cuốn hồi ký là tiếng Anh dùng trong ngoại giao, rất “kinh khủng”, có những chữ tôi phải hút một bao thuốc lá mới dịch ra nội dung của nó. Mỗi ngôn ngữ có một độc đáo riêng mà lúc chuyển sang ngôn ngữ khác cần giải thích để người sử dụng ngôn ngữ được chuyển sang hiểu được.
Với tuổi của tôi, cơ thể không cho phép làm việc nhiều, mà tôi còn kiên nhẫn làm được, những người ít tuổi không kiên nhẫn được thì thua hai lần.
Nhưng ông có cho rằng, học và biết cách học, với những người trẻ là hai chuyện khác nhau?
Khổng Tử đã nói: Học mà không suy nghĩ thì vô ích. Suy nghĩ mà không học thì phí hoài. Việc học trước tiên là để giải đáp những câu hỏi cho chính bản thân mình. Do vậy người học phải cố gắng chứ không ỷ lại vào người khác, vì mình có cố gắng thì người khác mới giúp đỡ.
Cái gọi là sự ham đọc của một người muốn tiến bộ trên con đường học thuật là cả một sự cần thiết, vì ham mê, vô tư và chính vì kiến thức hiểu biết của người đó. Nhưng không thể ngày một ngày hai mà ta trở thành lực sĩ được, phải có thời gian và phải kiên nhẫn, phải rèn luyện, khổ luyện không ngừng. Vì trong quá trình học cũng có lúc thuân tiện, có lúc thăng trầm.
Bằng kinh nghiệm sống thực tế qua thời gian, mỗi lần đọc Truyện Kiều tôi lại có một cảm xúc khác nhau trùng với kinh nghiệm sống của chính cụ Nguyễn Du. Cụ Nguyễn Du đã nói một câu, “Bên tình bên hiếu, bên nào nặng hơn?”. Trong cuộc đời, người ta không thể có vẹn toàn hai thứ đối ngược nhau cùng một lúc, có cái nọ thì thôi cái kia. Chọn một thứ phải hy sinh nhiều hơn, còn chọn một thứ mà không phải hy sinh gì cả thì không phải là chọn. Và cơm không được trộn với đất, những cái có ích không được trộn với những cáivô ích để thành ra một cái vô ích.
Thiên đường ở trần gian là đọc sách tốt và lương tâm trong sạch. Bây giờ thảnh thơi, tôi ngồi nghĩ về nhiệm vụ sắp làm, để truyền lại cho thế hệ sau.
Cảm ơn ông!
“Những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó nơi góc phố Hà Nội hãy mượn gió mà bay lên cho đất Kinh kỳ chói sáng ánh vàng!”, Một người Hà Nội – Nguyễn Khải. [Câu kết tác giả Nguyễn Hiền Anh sử dụng trong bộ phim] |
Hải An (thực hiện) (Thế giới tiếp thị)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.