Sau 4 năm là nhân viên của Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội, chị Nguyễn Thị Hường (SN 1991, y sĩ) vẫn nhớ như in chuyến xe cấp cứu tại một nhà nghỉ ở phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội.
Chị Hường cho biết, khi gọi tổng đài yêu cầu điều xe cấp cứu, người gọi điện thông báo bệnh nhân đang trong tình trạng nguy hiểm, sùi bọt mép, chân tay co giật… Vì thế hai nhân viên y tế cùng xe cấp cứu phải lập tức di chuyển, len lỏi vào dòng người đông nghịt để kịp đón người bệnh.
“Lần theo địa chỉ người gọi điện cung cấp, các nhân viên y tế nhận ra đó là một nhà nghỉ. Lễ tân nhà nghỉ đồng thời là người gọi cấp cứu ra đón xe. Vừa đón chị ta vừa hớt hải kể về vị khách đang co giật và sùi bọt mép trong phòng. Sau đó, chị lễ tân dẫn chúng tôi lên tầng 3, nơi bệnh nhân đang thuê phòng”, chị Hường nhớ lại.
Qua điện thoại, người gọi điện thông báo, bệnh nhân đang trong tình trạng nguy hiểm.
“Vào phòng, tôi hoảng hồn khi thấy trong phòng có 5 người. Ngoài nam thanh niên cơ thể tím tái nằm trên giường còn có 2 cô gái và 2 chàng trai. Tất cả đều ở trần. Trên sàn nhà, quần áo, váy, giầy... vứt vung vãi. Nhóm thanh niên trong phòng đang tập trung vào cậu thanh niên và sốt sắng muốn chúng tôi sơ cứu, đưa cậu đi bệnh viện”, chị Hường nói tiếp.
Tuy vậy khi nhân viên y tế định đưa thanh niên này lên xe cấp cứu thì cậu lại cố bám vào thành giường, gương mặt sợ sệt và luôn miệng van xin nhân viên y tế đừng đưa cậu đi.
“Cậu ấy nói mình không sao, chỉ là vui chơi quá đà nên kiệt sức, nghỉ ngơi một lát sẽ hồi phục. Tuy nhiên nhóm bạn của cậu thì không đồng ý, lên tiếng giục giã chúng tôi đưa cậu ấy vào viện. Bản thân chúng tôi cũng thấy cơ thể cậu mỗi lúc một tím tái nên ra sức thuyết phục”, chị Hường nhớ lại.
Phải 20 phút sau, có lẽ vì quá mệt chàng thanh niên mới đồng ý để nhân viên y tế đưa ra xe nhưng gương mặt cậu vẫn lộ rõ sự lo lắng.
“Khi đi, cậu ấy còn mặc cả với bạn bè với ánh mắt đầy sợ hãi là không được báo cho gia đình vì cậu đã nói với bố mẹ, hôm nay phải đi học thêm …”, chị Hường lắc đầu chia sẻ.
Nhân viên cấp cứu 115 phải có mặt kịp thời để cấp cứu người bệnh. Ảnh minh họa.
Lần khác, một người đàn ông trong nhà nghỉ cũng khiến chị Hường phải rùng mình. Nữ nhân viên này kể: “Chủ nhà nghỉ gọi điện lên tổng đài thông báo khách hàng của họ đang ngất xỉu không rõ lý do. Họ yêu cầu xe cấp cứu và nhân viên y tế tới trợ giúp. Căn nhà nằm cuối con ngõ hẹp nên chủ nhà phải ra tận đầu đường đón xe”.
Trên đường vào nhà, vị chủ nhà nghỉ nói, khách hàng của họ là đàn ông, đến thuê nhà nghỉ và ở nhà nghỉ này đã 2 tháng. Tuy nhiên vị khách rất ít khi ra ngoài. 5 ngày gần đây, anh ta đặc biệt không bước ra khỏi cửa khiến chủ nhà thấy lo lắng.
Sáng hôm đó, chủ nhà kiếm cớ gõ cửa phòng vị khách đặc biệt này nhưng gõ mãi vị khách vẫn không lên tiếng. Chủ nhà tự đẩy cửa vào thì phát hiện người đàn ông nọ đang nằm thoi thóp trên giường.
“Tôi nghe lời kể của chị chủ nhà, trong lòng đặt ra rất nhiều giả thiết về hoàn cảnh và bệnh tình của vị khách nọ. Tuy nhiên lúc đứng trước cửa phòng thì tôi thật sự sốc. Một mùi hôi hám xộc thẳng vào mũi. Trong phòng, một người đàn ông gầy guộc, cơ thể chằng chịt những hình xăm đang nằm trên giường.
Đáng nói hơn, cả căn phòng nơi anh ta ở không khác gì một bãi rác. Quần áo, giầy dép cùng với thức ăn thừa và việc anh ta phóng uế khắp phòng khiến chúng tôi hoảng thực sự”, chị Hường nói.
Theo chị Hường, sau khi khám sơ bộ, chị phát hiện bệnh nhân bị trụy mạch, tụt huyết áp. Tuy nhiên gốc rễ bệnh thì phải chờ kết quả của bệnh viện vì thế chị cùng ekip đã đưa người đàn ông này lập tức vào viện.
“Khi đến bệnh viện, chủ nhà nghỉ phải đi theo vì vị khách này nói anh ta không hề có người thân thích. Thế nhưng chủ nhà nghỉ cũng chỉ giúp anh làm thủ tục nhập viện và ở cạnh anh ta một thời gian ngắn. Sau đó, ông ta phải thuyết phục mãi, người khách này mới chịu đưa số điện thoại để bệnh viện liên hệ với người thân của anh ta", chị Hường Kể.
Nữ y sĩ sinh năm 1991 chia sẻ thêm, nhiệm vụ của ekip cấp cứu 115 thường là cấp cứu ban đầu, sau đó vận chuyển và bàn giao cho bệnh viện.
Tuy nhiên, gặp trường hợp cấp cứu ở nơi công cộng, không có người nhà đi cùng. Các nhân viên cấp cứu 115 thường phải cắt cử nhau ở lại trông nom người bệnh đến khi liên hệ được người thân đến, nhân viên cấp cứu mới yên tâm ra về.
Minh Anh - Nhật Linh (Vietnamnet)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.