Nhập nhằng chất lượng tôm giống

Thứ hai, ngày 07/04/2014 11:49 AM (GMT+7)
Mượn thương hiệu các “đại gia”, nhiều doanh nghiệp và cá nhân đem tôm giống kém chất lượng bán cho người nuôi dẫn tới tình trạng tôm chết hoặc chậm lớn.
Bình luận 0
Thiệt hại nhất là người nuôi tôm

Bắt đầu vào chính vụ nuôi tôm nhưng anh Hoàng Tuấn Ngọc ở Vĩnh Hải (Ninh Thuận) vẫn đang băn khoăn năm nay sẽ mua tôm giống ở đâu. “Gia đình tôi mới thả được 3 vụ, thì vụ đầu có 3/7 ao tôm bị chết, vụ thứ 2 có 4/7 ao tôm không chết nhưng rất chậm lớn. Thực tế, tôm chết ngay từ đầu thì còn đỡ thiệt hại hơn kiểu càng nuôi càng không thấy lớn, làm tốn công chăm sóc, tốn tiền cám còn thiệt hại nặng hơn.

Cũng chọn một thương hiệu tôm giống nổi tiếng, nhưng về thả đợt thì tốt, đợt thì kém, ao được ao mất mặc dù nuôi cùng một quy trình kỹ thuật như nhau. Khi tìm hiểu kỹ mới tá hỏa thương hiệu tôm giống nổi tiếng cũng dùng bao bì của mình để đóng tôm kém chất lượng trà trộn để bán. Chỉ khổ cho người dân", anh Ngọc nói.

Người nuôi tôm nhỏ lẻ, ít thông tin dễ mua phải tôm giống kém chất lượng (ảnh chụp tại GiaoThuỷ,     Nam Định).
Người nuôi tôm nhỏ lẻ, ít thông tin dễ mua phải tôm giống kém chất lượng (ảnh chụp tại GiaoThuỷ, Nam Định).

Nhớ lại một vụ “ăn cắp” thương hiệu trắng trợn trong năm 2013, ông Trần Công Bình - Giám đốc Công ty TNHH Tôm giống Châu Phi (Ninh Thuận) cho biết, mặc dù công ty chưa từng triển khai bán tôm cho bất cứ người dân nào ở địa bàn tỉnh Kiên Giang nhưng lại nhận được phản ánh là tôm giống Châu Phi được bán với số lượng lớn tại địa bàn này.

“Chúng tôi đã cho người xuống kiểm tra thì đúng là có thương hiệu tôm giống Châu Phi được quảng bá, tiếp thị và bán hàng rầm rộ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Rất may sau đó vụ này đã được xử lý kịp thời”- ông Bình nói.

Theo ông Bình, tình trạng “ăn cắp” thương hiệu kiểu này, về phía công ty tuy có bị ảnh hưởng một phần tới uy tín nhưng thiệt hại là không lớn bởi mỗi năm năng lực của công ty chỉ sản xuất được khoảng 500 triệu con tôm giống. Tuy nhiên, người thiệt hại lớn nhất vẫn là người nuôi tôm vì tưởng mua được tôm giống tốt nhưng lại là tôm kém chất lượng.

Ông Tu Thanh Hường - hội viên Hội Nuôi tôm G9 ở Ninh Thuận (được biết đến là hội có sản lượng tôm chiếm hơn 50% của tỉnh này) cho biết: “Những người nuôi tôm lâu năm như chúng tôi thường được các doanh nghiệp tôm giống có thương hiệu như CP, Việt Úc, Nam Miền Trung, Thông Thuận... chăm sóc rất chu đáo, luôn đặt chất lượng lên hàng đầu để cạnh tranh lành mạnh.

Tuy nhiên, cũng có một số công ty cho đẻ tôm giống lứa 1, 2, 3, 4 là chất lượng rất tốt, nhưng từ lứa thứ 5, 6 thì chất lượng kém và bán lại cho các công ty nhỏ hơn để các công ty nhỏ bán cho những người dân mới nuôi hoặc nuôi nhỏ lẻ”.

Cũng theo ông Hường, có thời điểm một con pot (tôm giống- PV) ông phải mua với giá 80 - 90 đồng/con, nhưng vẫn có người mua được với giá chỉ từ 5-7 đồng/con. Nhiều người ít thông tin, ham rẻ thường mua phải tôm giống kém chất lượng, khi thả nuôi có thể chết hoặc rất chậm lớn, gây thiệt hại nặng cho cả vụ nuôi.

Khó xử lý triệt để

Ông Trần Hậu Điền - Giám đốc Công ty TNHH Hậu Điền - đơn vị mỗi năm cung ứng cho thị trường khoảng gần 600 triệu con tôm giống, cho rằng, về lâu dài, các doanh nghiệp phải tự bảo vệ thương hiệu của mình, đầu tư hệ thống từ sản xuất tới đóng gói và hỗ trợ giao hàng tới tận nơi cho người nuôi tôm. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần đưa ra tiêu chuẩn cơ sở sản xuất, đủ điều kiện mới được sản xuất tôm giống để quản lý tốt hơn chất lượng và giám sát chặt chẽ các cơ sở xuất bán phải đóng gói bằng bao bì thương hiệu của chính mình.

Ông Trần Hậu Điền - Giám đốc Công Ty TNHH Hậu Điền cho rằng, về lâu dài, các doanh nghiệp phải tự bảo vệ thương hiệu của mình, đầu tư hệ thống từ sản xuất tới đóng gói và hỗ trợ giao hàng tới tận nơi cho người nuôi tôm.

Ông Nguyễn Văn Thanh - Chi Cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản tỉnh Kiên Giang cho biết, để xử lý tình trạng “ăn cắp” thương hiệu và bán tôm kém chất lượng không hề đơn giản. Vì nhiều cá nhân, doanh nghiệp rất tinh vi, vận chuyển tôm qua các kênh, rạch, không qua kiểm dịch nên cũng rất khó để kiểm soát.

Về vấn đề quản lý tôm giống, ông Dương Tiến Thể - Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thuỷ sản) cho biết, qua quá trình đi kiểm tra thực tế thì đúng là người dân và doanh nghiệp ở Ninh Thuận và một số tỉnh miền Trung, miền Nam có phản ánh hiện tượng các công ty, doanh nghiệp nhỏ dùng thương hiệu của các công ty lớn để bán tôm giống không đảm bảo chất lượng, trong khi các địa phương chưa xử lý quyết liệt tình trạng này.

Ông Thể cho biết: “Tổng cục Thủy sản đã yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra và đưa vào kế hoạch thanh kiểm tra của ngành thuỷ sản trong năm 2014 hiện tượng mượn thương hiệu bán tôm kém chất lượng này. Các địa phương cũng phải thực hiện thanh kiểm tra theo quy định của Thông tư 14, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về chất lượng tôm giống”.
Thanh Xuân (Thanh Xuân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem