Nhật Bản, Hàn Quốc mua hết thứ viên nén làm từ mùn cưa, dăm bào, gỗ vụn của Việt Nam để làm gì?

Khánh Nguyên Thứ năm, ngày 06/10/2022 10:00 AM (GMT+7)
Trong khi xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ có dấu hiệu chững lại trong vài tháng gần đây do tác động của lạm phát toàn cầu thì xuất khẩu viên nén đang có tốc độ tăng trưởng rất khả quan. Đáng chú ý, gần như 100% viên nén của Việt Nam được Nhật Bản, Hàn Quốc mua hết.
Bình luận 0

Nhu cầu viên nén của Nhật Bản, Hàn Quốc rất lớn

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2021 lượng viên nén xuất khẩu từ Việt Nam đạt 3,5 triệu tấn với kim ngạch hơn 413 triệu USD. Năm 2022 lượng và kim ngạch xuất khẩu còn tăng mạnh hơn nữa do nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Trong 6 tháng đầu 2022 lượng xuất khẩu viên nén đạt gần 2,4 triệu tấn với kim ngạch 354 triệu USD.

Hiện, gần như 100% viên nén của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc do nhu cầu sử dụng làm chất đốt tăng cao. Đặc biệt, thị trường Nhật Bản vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng rất cao ở mức trung bình trên 90% ở giai đoạn 2019-2021. Năm 2022, dự kiến Nhật Bản sẽ tiếp tục gia tăng lượng nhập khẩu viên nén từ Việt Nam lên mức xấp xỉ với Hàn Quốc.

Nhật Bản, Hàn Quốc mua hết thứ viên nén làm từ mùn cưa, dăm bào, gỗ vụn của Việt Nam để làm gì?  - Ảnh 1.

Sản phẩm viên nén của SmartWood. Ảnh: SmartWood.

Hỗ trợ “tân binh” ngành chế biến gỗ phát triển  - Ảnh 2.

Chuyên gia của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) dự báo, nếu tốc độ tăng trưởng được duy trì như hiện nay, kim ngạch xuất khẩu trong cả năm 2022 có thể đạt trên dưới 700 triệu USD.

 Trong tương lai, viên nén có tiềm năng sẽ lọt vào nhóm các mặt hàng nông lâm sản xuất khẩu có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Đồng thời, giá xuất khẩu viên nén cũng đã tăng rất mạnh, lên bình quân gần 150 USD/tấn, tương đương tăng hơn 27% so với mức giá bình quân năm 2021. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu viên nén được các doanh nghiệp dự báo tiếp tục duy trì trong năm 2022.

Là lãnh đạo doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu viên nén sang thị trường Hàn Quốc, ông Nguyễn Ba Duy - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Smart Wood Việt Nam (văn phòng tại quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, giá xuất khẩu viên nén tăng từ 1,4 -1,6 lần so với năm ngoái. Doanh nghiệp đang hướng tới xuất khẩu sang Nhật Bản. Dư địa xuất khẩu viên nén sang Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn còn rất lớn để doanh nghiệp Việt mở rộng.

Tạo điều kiện xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất viên nén

Nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào có vai trò quan trọng nhất đối với sự lớn mạnh của ngành sản xuất viên nén. Nguồn nguyên liệu hiện tại của ngành chủ yếu là các phế phụ phẩm từ các cơ sở chế biến gỗ như: cành, ngọn, đầu mẩu gỗ vụn... Với tình hình giá nguyên liệu gỗ rừng trồng đang tăng cao cộng với sự cạnh tranh nguyên liệu với ngành hàng dăm đang khiến ngành hàng này có sự cạnh tranh khốc liệt.

Theo ông Tô Xuân Phúc - chuyên gia Tổ chức Forest Trend, nhiều doanh nghiệp viên nén, đặc biệt là các doanh nghiệp có các hợp đồng xuất khẩu đã ký kết từ trước và không có khả năng thay đổi giá xuất khẩu, không cạnh tranh được với các doanh nghiệp dăm về nguyên liệu. Điều này dẫn tới một số doanh nghiệp viên nén phải hạn chế sản xuất.

Nhật Bản, Hàn Quốc mua hết thứ viên nén làm từ mùn cưa, dăm bào, gỗ vụn của Việt Nam để làm gì?  - Ảnh 3.

Dây chuyền sản xuất viên nén của Công ty CP Năng lượng sinh học Phú Tài (thành phố Quy Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Ông Tô Xuân Phúc cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu viên nén, cũng như các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ, dăm, ván ép… có sử dụng gỗ rừng trồng cần quan tâm tới việc tạo ra các vùng nguyên liệu của mình nhằm ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào. Việc tạo vùng nguyên liệu có thể thông qua hình thức các doanh nghiệp liên kết với các hộ dân, là những người có tiếp cận với nguồn quỹ đất trồng rừng.

Bên cạnh đó, xu hướng tiêu thụ viên nén tại các thị trường lớn trên thế giới cho thấy trong tương lai các thị trường này sẽ đòi hỏi nguồn viên nén sử dụng gỗ nguyên liệu đầu vào có chứng chỉ bền vững. Do đó, việc tạo vùng nguyên liệu là rất cần thiết.

Ngoài ra, giá viên nén đang ở mức khá tốt, nên đã có hiện tượng nhiều doanh nghiệp đổ xô đầu tư sản xuất. Theo ông Nguyễn Bá Duy, đây chính là nguy cơ, rủi ro cho sự phát triển bền vững của ngành hàng.

Không chỉ nguyên liệu, một điều khiến các doanh nghiệp rất quan ngại là Chính phủ đang cân nhắc khả năng áp thuế xuất khẩu đối với mặt hàng viên nén (hiện là 0%). Lý do mà cơ quan tư vấn thuế đưa ra đề xuất áp thuế vì cho rằng viên nén không qua chế biến sâu nên cạnh tranh với sự phát triển trồng rừng gỗ lớn.

Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, nếu áp dụng thuế xuất khẩu viên nén tại thời điểm hiện tại không những có thể gây lãng phí đối với nguồn nguyên liệu này mà còn trực tiếp tác động tiêu cực tới các bên tham gia chuỗi sản xuất lâm sản. Đồng thời, giảm sức cạnh tranh sản phẩm viên nén Việt Nam trên thị trường xuất khẩu. Do đó, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiến nghị Chính phủ không nên áp thuế xuất khẩu viên nén. 

Giữa tháng 8/2022, Tổng cục Lâm nghiệp dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ NNPTNT về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản, đồng thời xin ý kiến rộng rãi của các bộ, ban, ngành, hiệp hội liên quan, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo cơ chế thông thoáng cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem