Nhật Bản-Trung Quốc- Hàn Quốc bộ ba tái tụ

Lư Phổ Ân Thứ hai, ngày 07/05/2018 09:03 AM (GMT+7)
Sau hơn 2 năm ngưng trệ, cơ chế cấp cao tay ba giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc lại được tiếp tục và cuộc cấp cao lần thứ 7 theo cơ chế này năm nay được tiến hành ở Nhật Bản vào ngày 9.5 tới.
Bình luận 0

img

Việc khôi phục lại khuôn khổ đối thoại cấp cao tay ba này vốn đã được ba bên thoả thuận và bắt đầu thu xếp tổ chức từ năm ngoái. Nhưng những chuyển biến mới đây trên bán đảo Triều Tiên, cuộc thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 vào ngày 27.4 vừa qua tại Bàn Môn Điếm và cuộc cấp cao đầu tiên trong lịch sử giữa Mỹ và Triều Tiên, dự kiến vào cuối tháng này hay đầu tháng tới - tức là triển vọng về hoà bình và hoà giải giữa hai miền trên bán đảo cũng như giữa Mỹ và Triều Tiên - làm cho cuộc tái ngộ này ở Nhật Bản có thêm ý nghĩa, tầm quan trọng mới và đặc biệt.

Ông Lý Khắc Cường là thủ tướng Trung Quốc đầu tiên trong 8 năm qua tới Nhật Bản và cũng phải gần 7 năm mới lại có tổng thống Hàn Quốc tới Nhật Bản. Chỉ như thế thôi đã đủ để thấy là giữa ba nước này cũng như ở từng cặp quan hệ song phương trong đó hiện có rất nhiều chuyện cần bàn thảo và rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết.

Tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến Triều Tiên, cuộc gặp sắp tới giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và những biện pháp chính sách bảo hộ thương mại của ông Trump nhằm vào các đối tác kinh tế và thương mại của Mỹ, trong đó có 3 nước ở Đông Bắc Á này, thời sự hơn cả và cấp thiết hơn cả đối với họ. Hàn Quốc cần sự hậu thuẫn của Trung Quốc và Nhật Bản cho cả tiến trình hoà giải giữa Hàn Quốc với Triều Tiên và giữa Mỹ với Triều Tiên.

Trung Quốc và Nhật Bản muốn được ở trong cuộc chứ không bị gạt ra ngoài rìa cả hai tiến trình này. Mọi thoả thuận giữa Hàn Quốc và Triều Tiên cũng như giữa Mỹ và Triều Tiên đều động chạm trực tiếp đến lợi ích chiến lược cốt lõi và thiết thực của Trung Quốc và Nhật Bản. Triều Tiên bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Mỹ hay triển vọng tái thống nhất bán đảo Triều Tiên cũng tương tự như vậy đối với hai nước này.

img

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Điều mà bộ ba này, đặc biệt Trung Quốc và Nhật Bản, quan tâm nhất là Mỹ và Triều Tiên xử lý như thế nào vấn đề chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, vấn đề Mỹ cam kết gì để đảm bảo không đe doạ an ninh của Triều Tiên và vấn đề giải trừ kho vũ khí các loại hiện tại trên bán đảo Triều Tiên.

 Ngày 22.5 tới này, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ sang Mỹ tham vấn với ông Trump để chuẩn bị cho cuộc cấp cao giữa Mỹ và Triều Tiên, đồng thời cũng sẽ truyền tải đến ông Trump những lo ngại và mong muốn của Trung Quốc và Nhật Bản liên quan đến hoà bình, an ninh và ổn định cho cả khu vực Đông Bắc Á.

Ở giai đoạn đầu của tiến trình hoà dịu và hoà giải giữa Triều Tiên với Hàn Quốc và Mỹ, vai trò và tác động của Trung Quốc và Nhật Bản không đáng kể gì. Nhưng tiến trình này càng diễn biến đi xa hơn và cụ thể hơn thì vai trò của Trung Quốc và Nhật Bản, có thể của cả Nga nữa, càng thêm quan trọng.

Cơ chế cấp cao tay ba này tuy có từ năm 2008 nhưng giờ có được giá trị càng thêm to lớn và tầm quan trọng mới. Cho nên có thể trù liệu thấy được là tiếp sau cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim Jong-un sẽ là cuộc cấp cao giữa Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên, sau đó nữa sẽ có thêm sự tham gia trực tiếp của Trung Quốc, Nhật Bản và Nga. Nếu rồi đây được như thế thì tiến trình hoà bình và hoà giải ở khu vực này càng thêm vững chắc và càng có triển vọng thành công hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem