Nhật-Hàn-Mỹ: Phô sức mạnh che thế khó

Đại sứ Trần Đức Mậu Thứ tư, ngày 12/10/2022 10:32 AM (GMT+7)
Trong khi châu Âu tiếp tục sa lầy vào và bị cương toả bởi cuộc khủng hoảng chính trị an ninh trầm trọng chưa từng thấy kể từ sau khi kết thúc cuộc chiến tranh thế giới thứ 2 trong nửa đầu của thế kỷ trước đến nay thì khu vực Đông Bắc Á lại trở thành điểm nóng mới về chính trị an ninh thế giới.
Bình luận 0
Nhật-Hàn-Mỹ: Phô sức mạnh che thế khó - Ảnh 1.

Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên năm 2022. Ảnh Reuters

Tại khu vực này có chuyện Triều Tiên phóng tên lửa và tập trận chung trên đất liền cũng như trên biển giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản, khi thì cả ba bên tham gia, lúc chỉ song phương giữa Mỹ với Hàn Quốc hoặc giữa Mỹ với Nhật Bản. Sau 5 năm, Mỹ và Hàn Quốc không những chỉ lại tiến hành tập trận chung mà còn tập trận chung với quy mô lớn chưa từng thấy. Ngoài ra, cũng từ rất lâu nay rồi, ba nước này mới lại cùng nhau tập trận ở khu vực.

Trong thời gian từ đầu năm nay trở lại đây, Triều Tiên đã nhiều lần phóng tên lửa. Chỉ riêng trong không đầy hai lần vừa qua, Triều Tiên đã 6 lần tiến hành phóng tên lửa, lại còn lần đầu tiên kể từ 5 năm nay phóng tên lửa tầm trung và có một lần phóng tên lửa khiến Nhật Bản phải lần đầu tiên phát lệnh báo động sơ tán dân chúng. Trong khi ba nước kia phản đối Nga thì Triều Tiên lại ủng hộ Nga trong cuộc chiến hiện tại ở Ukraine giữa Nga và Ukraine. 

Mỹ trợ giúp Ucraine về tài chính và quân sự thì Triều Tiên ngỏ ý sẵn sàng đưa quân đội đến giúp Nga ở Ukraine. Trên thế giới còn dậy lên những đồn thổi về khả năng Triều Tiên cung ứng vũ khí cho Nga. Triều Tiên được Nga và Trung Quốc hậu thuẫn trong mối bất hoà giữa Triều Tiên và Mỹ, mới đây nhất trong chuyện Triều Tiên phóng tên lửa. 

Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản càng liên minh và liên thủ với nhau để đối phó Triều Tiên và kiềm chế Trung Quốc cũng như để giúp Ukraine thì Triều Tiên, Trung Quốc và Nga càng xích lại gần nhau thêm.

Ở Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản trong thời gian từ đầu năm ngoái đến nay có sự thay đổi lãnh đạo cấp cao nhất. Ở Mỹ, ông Joe Biden thuộc Đảng Dân chủ thay ông Donald Trump thuộc Đảng Cộng hoà. Ở Hàn Quốc, ông Moon Jae-in mãn nhiệm và ông Yoon Suk-yeol kế nhiệm. 

Ở Nhật Bản, ông Fumio Kishida lên cầm quyền sau khi người tiền nhiệm từ chức. Cả ba người mới đều chủ trương cứng rắn với Triều Tiên hơn 3 người cũ, đều theo đuổi chính sách vừa chìa củ cà rốt vừa vung gậy đối với Triều Tiên và đều muốn làm chìm vấn đề Triều Tiên chứ không để cho nó nổi bật trên chương trình nghị sự của thế giới. Họ làm như thế có thể không gây nguy hại nhưng rất bất lợi cho Triều Tiên vì  cơ bản vẫn duy trì mọi biện pháp chính sách trừng phạt Triều Tiên về chương trình hạt nhân của nước này.

Triều Tiên bị giữ ở trong tình thế khó khăn và khó xử. Đà cải thiện quan hệ song phương giữa Mỹ và Triều Tiên ở thời tổng thống Mỹ Donald Trump và giữa Hàn Quốc với Triều Tiên ở thời tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đến nay gần như không còn. 

Cho nên Triều Tiên buộc phải chủ động giành thế chủ động để xoay chuyển tình thế và cục diện. Cách duy nhất Triều Tiên có thể vận dụng được và cho rằng hiệu quả nhất là phóng tên lửa và thử hạt nhân. Phô trương tiềm lực như thế, răn đe và cảnh báo, thể hiện không thoả hiệp và sẵn sàng leo thang đối địch giúp Triều Tiên che giấu và khắc phục tình thế khó khăn, khó xử hiện tại.

Nhưng cả phe bên kia cũng trong tình thế khó khăn và khó xử mà Triều Tiên có thể triệt để lợi dụng. Mỹ bị cuốn hút và bận rộn với chuyện đối phó Nga ở Ukraine và cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc đặc biệt ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có chuyện Đài Loan đặc biệt phức tạp và nhạy cảm về nhiều phương diện. Nhật Bản và Hàn Quốc phải luỵ Mỹ trong đối phó Triều Tiên và xử lý quan hệ với Trung Quốc. Cả ba lại vẫn chưa có được đôi sách khả thi và hiệu quả để khuất phục Triều Tiên.

Cho nên bộ ba này chủ ý khuếch trương sự đồng thuận quan điểm và phối hợp hành động giữa họ với nhau ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đối với Trung Quốc và Triều Tiên, tăng cường liên minh quân sự và tiến hành hàng loạt các cuộc tập trân chung, trong đó có cả tập trận chung để tấn công đảo và đánh chặn tên lửa. 

Họ dùng việc thể hiện sự nhất trí và đoàn kết chính trị, tiềm lực và sức mạnh quân sự cũng để răn đe và cảnh báo Triều Tiên, cũng để che đậy và khắc phục tình thế khó khăn và khó xử hiện tại trong quan hệ với Triều Tiên.

Hai phe này sẽ vẫn tiếp tục ứng xử và hành động như thế trong thời gian tới. Triều Tiên sẽ lại thử hạt nhân nếu mức độ căng thẳng và đối địch giữa hai bên gia tăng đến mức ngấp nghé giới hạn khả năng kiểm soát của bên này hay bên kia.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem