Nhật ký đẫm lệ của kiều nữ vũ trường

Thứ năm, ngày 24/03/2011 14:33 PM (GMT+7)
Tôi đua đòi, ăn chơi từ khi còn là một cô gái mới lớn. Đến nay, tôi đã thành một kẻ trải đời. Cuộc sống của tôi phần lớn gắn liền với nơi người ta gọi là sàn nhảy, tôi là một gái vũ trường.
Bình luận 0
img

Thời gian trôi qua nhanh như chớp mắt, tôi đã 26 tuổi, những ánh đèn nhập nhoạng ở sàn nhảy là đồng lõa của tôi, son phấn là cứu tinh của tôi, những bộ quần áo hớ hênh ỡm ờ là niềm an ủi của tôi, tất cả chúng đã che giấu đi ở tôi cái vẻ già nua mệt mỏi sau những năm tháng ăn chơi trụy lạc.

Mắt tôi đã thâm quầng, da dẻ tôi bắt đầu sần sùi, nhăn nheo, số đo 3 vòng mà tôi đã tự hào nay lại trở thành một nỗi hổ thẹn, tôi bủng beo và nhẽo nhợt rất nhiều lần so với cái tuổi 26 của mình.

Sàn nhảy vẫn là chốn nương thân của tôi, ở các tuổi này, những cô bạn đồng nghiệp rệu rã của tôi đã tính đến chuyện “chuyển ngạch” hoặc “về hưu”.

Tương lại phía trước tôi là một khoảng tối mù mịt, tối như cái hố đen của quá khứ mà tôi đã trải qua. Tôi đã bỏ người cha nát rượu để ra đi, tôi không thể lại quay về tìm ông và sống như thể chưa có chuyện gì xảy ra. Tôi không muốn trở lại cái nơi đau thương, u ám ấy, mặc dù cũng không chắc rằng nơi tôi sắp đến sẽ tươi sáng và bình yên hơn.

Như đa số các cô gái nhảy hết thời khác, tôi phải tự mình “hạ giá”, tôi trở thành gái đứng đường. Đã không còn những đại gia lắm tiền nhiều của sẵn sàng trả sinh hoạt phí cho tôi, đã chẳng còn những chàng thiếu gia đẹp trai sẵn lòng vung tiền để mua lấy nhan sắc của người đẹp. Tôi phải tập làm quen với những ánh mắt kiểu cân đo, đong đếm xem tôi đáng giá bao nhiêu để khỏi bị… trả hớ.

Tôi chuyển từ những căn hộ chung cư sang trọng đầy đủ tiện nghi của các đại gia sang sống trong xóm trọ nghèo nàn, nhếch nhác rẻ tiền như tôi. Chúng tôi cảm thông với nhau và dựa vào nhau mà sống, những con người cùng cảnh ngộ, lầm lũi bên nhau.

Hàng xóm của tôi là Liên, một gái nhảy đã từng làm điêu đứng không biết bao nhiêu đại gia chịu chơi đất Hà Thành, nay đã bị đào thải khỏi nghề vì tuổi tác. Liên đang có bầu, nghe đâu đó là “tai nạn” của một lần đang đi khách không an toàn. Cô vật vã với cái thai đang lớn dần trong bụng. Cô mất cái kế mưu sinh cũng chỉ vì nó. Không nghề nghiệp, không tiền, không người thân thích, hai mẹ con Liên ôm nhau lả đi trong cái đói.

Suốt thời kì mang thai, Liên sống nhờ vào tình thương của những cô gái cùng cảnh trong xóm trọ. Họ bớt ra từ số tiền ít ỏi của mình một chút để Liên có thể sống qua ngày, nuôi cái thai ngày một lớn lên trong bụng. Liên sinh con vào một đêm mưa, xóm trọ chộn rộn lên đưa cô đi viện, người mang cái phích, người cái chăn… Chúng tôi lo cho Liên như lo cho chị em trong nhà. Không được chăm sóc đầy đủ nên đứa con của Liên sinh ra thiếu tháng, nó nhỏ xíu, bấy bớt và ốm yếu.

Nhìn sinh linh đỏ hỏn mới chào đời, chị em chúng tôi vui như nó là đứa con mình dứt ruột đẻ ra. Hai tuần sau, Liên ra viện, trở lại xóm trọ. Cô trở nên thật lặng lẽ, cả ngày Liên chỉ ngồi ôm con khóc, cô bảo không biết rồi đây mẹ con cô sẽ sống ra sao, sống bằng gì? Chị em tôi hết lời an ủi Liên, nhưng dường như những lời lẽ lạc quan ấy chẳng làm cho Liên khá hơn chút nào.

Một buổi sáng, tôi bị đánh thức bởi tiếng trẻ con khóc, tiếng khóc quen thuộc của Bớt – đứa con gái mới sinh của Liên. Tôi vội vàng chạy sang phòng Liên xem có chuyện gì. Căn phòng trống hoác, không còn lại chút dấu vết nào của Liên, chỉ còn đứa bé nằm khóc ngằn ngặt vì đói sữa. Tôi ôm đứa bé, gọi các chị em khác dậy, chúng tôi đổ đi tìm Liên khắp nơi, nhưng chẳng hề có thấy cô ấy. Liên dường như đã biến mất, cô ấy bỏ đi, để lại đứa trẻ mà không có lấy một lời nhắn nhủ.

Tôi trách Liên tại sao lại nhẫn tâm đến vật, bỏ mặc đứa con mình dứt ruột đẻ ra để ra đi. Nhưng trong thâm tâm, tôi có thể hiểu hành động của Liên, và trong hoàn cảnh của cô ấy, chưa chắc tôi đã có thể làm khác được.

Chúng tôi thay phiên nhau chăm sóc đứa trẻ. Mỗi lần ôm đứa bé trong lòng, chẳng hiểu sao, tôi bống cảm thấy ấm áp và dịu dàng. Tôi nâng niu đứa bé như nâng niu đứa con của chính mình. Một lần, tôi thử áp mẩu ngực mình vào đứa bé, dường như nó cảm nhận được hơi ấm, nó ọ ẹ mỉm cười, cọ cọ cái khuôn mặt nhỏ xíu vào tôi, miệng nó hé mở, chúm chím tìm bầu sữa mẹ. Lúc ấy tôi ước gì đứa bé là con tôi, tôi ước gì mình có một đứa con. Thiên chức làm mẹ trong tôi trỗi dậy mạnh mẽ. Nó đánh thức cả những khát khao mà tôi đã từ lâu quên lãng.

Vùi mình trong những cuộc chơi trác táng, tôi đã quên mất cả quá khứ và tương lai của mình. Tôi chẳng chờ đợi gì, chẳng mong ngóng và hi vọng điều gì. Tôi nhìn mọi thứ với một màu đen kịt, quanh tôi toàn những lừa lọc và trao đổi, cuộc sống khốc liệt và đầy bon chen. Tôi không còn tin tưởng vào hạnh phúc, không tin vào thứ mà người ta gọi là gia đình, tôi chỉ sống cho mình, sống tạm bợ qua ngày. Tôi đã không còn muốn gắn bó đời mình với bất cứ ai.

Có những chàng trai đến với tôi, họ đã mở rộng lòng ra để tôi bước vào, nhưng tôi tự thấy mình không xứng đáng, tôi chưa sẵn sàng đến với ai khi trong lòng tôi còn quá nhiều hoài nghi và thù hận. Tôi thù hận chính bản thân mình, bởi chính tôi chứ không ai khác đã tự buông thả mình, tự để mình trượt dài vào những cuộc chơi và cứ thế, xô đẩy mình thành một đứa con gái hư hỏng.

Tôi tự hủy hoại cuộc đời mình vì nghĩ rằng chẳng còn gì đáng tiếc, rồi người ta cũng phải chết mà thôi, và cuộc sống thì chẳng có gì mới mẻ. Vậy mà giờ đây, khi ôm đứa trẻ này trong tay, tôi bỗng thấy cuộc đời còn bao nhiêu thứ đáng để tiếc, đáng để níu kéo.

Bỗng dưng tôi khao khát được làm mẹ, được yêu thương như tôi đang yêu thương đứa bé trong lòng mình, đó là một tình yêu vô điều kiện, thứ tình cảm thánh thiện nhất mà tôi từng được cảm nhận. Tôi ước gì mình có đủ mạnh mẽ để giữ đứa trẻ lại, để nuôi nấng nó, để được thấy nó lớn lên mỗi ngày như tình yêu và niềm hi vọng của tôi. Nhưng tôi không thể.

Chúng tôi đã quyết định mang đứa trẻ tới trung tâm bảo trợ xã hội, ở đó, có lẽ nó sẽ có cuộc sống khá hơn ở với chúng tôi. Mặc dù rất yêu thương bé, nhưng chúng tôi không đủ điều kiện để chăm sóc và nuôi nấng nó, chúng tôi không thể làm những người mẹ. Nuôi một đứa trẻ thật khó khăn và tốn kém, việc đó nằm ngoài khả năng của chúng tôi, những con người kiếm ăn từng bữa, nuôi thân còn chẳng đủ.

Tôi ước gì mình có thể giữ đứa bé lại, tôi ước gì mình có thể kể một câu chuyện khác, giả dụ như là chúng tôi đã sống với nhau dưới một mái nhà nhỏ, nương tựa vào nhau qua năm tháng này, tháng khác, đứa bé lớn lên, tôi già đi, nhưng chúng tôi luôn hạnh phúc trong tình yêu thương. Ôi, ước gì đó là sự thật, ước gì cuộc sống đừng quá trần trụi và phũ phàng để con người ta có thể mơ những giấc mơ viễn vông. Chuyện đó giống như một câu chuyện cổ tích mà tôi đã lãng quên từ lâu trong cái tuổi thơ khốn khó của mình.

Cuộc đời đã dạy tôi rằng người ta sống bằng vật chất chứ không sống bằng không khí và tinh thần. Và đứa bé không thể sống chỉ bằng tình yêu mà tôi dành cho nó, dù rằng tình yêu đó có chảy bỏng tận tâm can tôi, dù rằng tôi khát khao biết mấy được làm mẹ, được chăm sóc cho sinh linh bé nhỏ ấy.

Cuộc sống vẫn chỉ là cuộc sống thôi, và tôi có thể làm lại cuộc đời hay không khi mà tôi đã hủy hoại nó đến thảm cảnh này? Tôi thật sự tiếc, thật sự hối hận...

Theo Người đưa tin
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem