Trong nhật ký của mình, bà Jo Dunlop chia sẻ niềm vui khi được nhìn thấy người sống sót rời khỏi trung tâm với giấy chứng nhận khỏi bệnh: “Tôi không còn nhớ bao nhiêu lần rơi lệ khi chứng kiến những bi kịch đau thương do virus Ebola gây ra và bao lần vui sướng mỗi khi có người thoát chết được đoàn tụ với gia đình”.
Giấy thông hành của sự sống
Cứ 3 giờ chiều hàng ngày, cánh cửa Trung tâm Điều trị Ebola trong Kenema, Sierra Leone mở rộng. Bên ngoài, những đám người đang đứng ngồi không yên, khi nghe tiếng mở cửa, chạy ùa đến. Bên trong, những bệnh nhân vừa trải qua đợt điều trị Ebola bước ra, trên tay họ cầm tờ giấy chứng nhận sức khỏe bình thường.
Với cả bệnh nhân và người nhà, giấy chứng nhận này được coi như “lá bùa hộ mệnh”, giúp họ trở lại với cuộc sống bình thường, được hòa nhập mà không bị kỳ thị bởi hàng xóm và trừng phạt bởi những luật lệ của các thầy phù thủy. Trước khi bệnh nhân rời khỏi phường, họ được phát một số tiền đủ để di chuyển về nhà (khoảng 10 USD), một bộ quần áo sạch sẽ, và giấy chứng nhận tuyên bố rằng họ khỏe mạnh và không còn có Ebola.
Cậu bé Vandy Jawad, 7 tuổi, là nhân chứng của niềm hy vọng và sự sống còn vượt qua được ranh giới của sự sống và cái chết. Cậu bé đã ở trung tâm điều trị Ebola ở Kenema hơn một tháng sau khi nhiễm virus trong làng Daru, cách thành phố Kenema khoảng 40 km.
Daru cũng là một trong những cộng đồng bị ảnh hưởng tồi tệ nhất trong Sierra Leone. Khi nhập viện, bé ở trong tình trạng suy kiệt sức khỏe và đội ngũ y bác sĩ không dám tin rằng em sẽ sống sót.
Vài tuần trước đây, phép màu kỳ lạ đã đến với Vandy, sức khỏe của em hồi phục và cuối cùng em đã đạt được một kết quả xét nghiệm âm tính với virus Ebola và được trở về nhà.
Isata Konneh, 35 tuổi, cũng là một bệnh nhân tôi gặp, may mắn được rời khỏi bệnh viện. Isata đã rơi nước mắt khi nhìn vào giấy chứng nhận của bệnh viện. Cô nói: "Tôi rất hạnh phúc trong ngày này, tôi tạ ơn Chúa vì Người đã giúp tôi sống sót".
Nhiều người trong số những người nhiễm virus Ebola là nhân viên y tế tiếp xúc hàng ngày với bệnh nhân bị bệnh nặng. Sáu y tá của Trung tâm Điều trị Kenema đã tử vong do virus này. Trong số các nhân viên bị nhiễm, nữ y tá Fatmata Sesay là người may mắn sống sót và được trở về nhà với cô con gái Tata 11 tuổi của mình.
Chứng minh Ebola không phải là tà ma
Số lượng người sống sót khỏi Ebola ở Sierra Leone đang tăng dần cho đến nay đã có 143 người thoát chết. Khi đặt chân đến thị trấn Kenema, bạn sẽ có một cảm giác rằng virus chết người Ebola có ý định “định cư” tại khu vực này lâu dài nên sự chuẩn bị của người dân cũng được tăng cường hơn.
Đến bất kỳ nhà hàng nào ở Kenema, đều thấy những chiếc xô to chứa nước sạch được đặt trước nhà hàng để mọi người rửa tay; băng rôn, áp phích thông tin về Ebola được dán trên các tòa nhà, hệ thống loa phóng thanh phát liên tục các câu chuyện về Ebola; người dân nói về đại dịch Ebola trên mọi ngóc ngách của đường phố, những cái bắt tay chào hỏi đã được thay thế bằng hành động huých khuỷu tay vào nhau.
Những người sống sót Ebola đã đóng một vai trò hữu ích trong cộng đồng nhạy cảm và xua tan nhiều câu chuyện được thêu dệt về căn bệnh này. Một bộ phận lớn người dân ở Sierra Leone vẫn chưa chấp nhận rằng Ebola là có thật. Ở nhiều bộ tộc, trong thế giới của các thầy phù thủy, virus Ebola chỉ là một tà ma, cần phải có phép thuật để loại bỏ.
Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong 4 nước có dịch Ebola thì Nigeria là nước có 12 ca mắc, 3 ca tử vong; Guinea có 510 ca mắc với 377 ca tử vong; tại Liberia có 670 ca mắc với 355 tử vong; tại Sierra Leone có 783 ca mắc với 334 ca tử vong.
Mỹ hỗ trợ Việt Nam phòng chống dịch bệnh Ebola
Tiếp sau việc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với dịch Ebola đang hoành hành tại Tây Phi, với sự hỗ trợ của Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) và WHO, Bộ Y tế Việt Nam đã kích hoạt Văn phòng đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh (EOC) để sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh này. CDC Hoa Kỳ đã cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để tăng cường năng lực cho Văn phòng EOC nhằm chuẩn bị tốt hơn cho những trường hợp y tế khẩn cấp và phòng tránh dịch bệnh lây lan tại Việt Nam cũng như trong khu vực và trên thế giới.
Cùng ngày 15.8, Bộ Y tế có văn bản gửi Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), Cục Y tế dự phòng, Sở Y tế TP.HCM, Hà Nội, Viện vệ sinh dịch tễ T.Ư, Viện Pasteur TP.HCM, yêu cầu thực hiện thêm các biện pháp nhằm ngăn chặn không để dịch bệnh do virus Ebola xâm nhập vào Việt Nam. Thúy Đăng - Diệu Linh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.