... Sau này chúng tôi quyết định chuyển qua Nhật sống, phần vì chúng tôi không còn trẻ nữa, cơ hội để hoà nhập sẽ ngày càng hẹp hơn đối với tôi, phần vì tính chuyện có con cái. Cũng như các nước phương Tây, con cái lớn trưởng thành có công ăn việc làm ổn định thường ở riêng dù đã kết hôn hay chưa. Nhưng tôi được ở với mẹ chồng một năm để quen dần với cuộc sống bên này. Chồng tôi về nước trước tôi một năm để “dọn ổ” và tôi cũng phải ở lại để hoàn thành nốt khoá học của mình.
Về đến nơi, tôi thấy mẹ chồng đã dọn sẵn một căn phòng riêng cho tôi ở tầng một nhìn ra vườn dưới vòm cây hoa hồng. Bà nấu bữa cơm đầu tiên cho hai chúng tôi, những món ăn Nhật cầu kỳ chẳng khác gì khách sạn.
Chiếc bàn thấp Kotatsu và chiếu Tatami đã được bà sửa lại để tôi ngồi thêu thùa, một trong các sở thích của tôi, bà còn kêu người đục sàn bên dưới gầm bàn để tôi thò chân xuống ngồi cho thoải mái, trang bị thêm lò sưởi dưới chân bên cạnh cái lò sưởi ngay dưới gầm bàn.
Trong phòng có một cái tủ quần áo đã xếp gọn gàng toàn đồ đạc của tôi và một chiếc tủ tường (Oshire) trống để tôi đựng đồ của mình.
Chồng tôi đi làm cả ngày, mẹ chồng làm part time, ngoài ra bà phải đến các lớp tập nhảy để chuẩn bị cho các cuộc thi mặc dù cúp bà giành được đã chất đầy nóc tủ. Thời gian còn lại bà cố lôi tôi ra ngoài đi đây đó. Bà đưa tôi đi tàu xe cả tiếng đồng hồ chỉ để mua một chiếc gương treo tường vì bà nghĩ con gái thì phải điệu và có gương tử tế.
Bà sợ tôi buồn nên cố gắng làm mọi thứ tôi thích, trồng nhiều hoa hơn trong vườn vì tôi thích chụp hình hoa, ngày tết nói bạn bè của bà gửi Nengajyo (thiệp chúc mừng từ người thân bạn bè) cho tôi vì sợ tôi tủi thân khi trong nhà ai cũng nhận được một tập dày cả trăm cái.
Cứ cuối tuần là bà nhắc chồng tôi phải đưa tôi đi chơi. Mỗi chiều đi làm về, bà mở cửa và gọi réo rắt tên tôi dưới tầng một, lúc thì bà lôi thứ gì đó ra khoe vừa mới mua được hay ríu rít kể chuyện khi tôi loay hoay tra từ điển để cố hiểu.
Chỉ vì tôi thi thoảng trầm trồ khi xem đấu vật Sumo trên TV, bà ngay lập tức mua đôi vé và dắt tôi đến tận nhà thi đấu. Mẹ chồng tôi bao giờ cũng giành phần khó khăn, đi shopping thì phải giành phần xách nặng, khi chưa cưới, tôi giành xách hộ thì bà nói khi nào làm con dâu bà tha hồ mà xách. Nhưng con dâu bà cũng chẳng bao giờ được xách nặng cả.
Bà biết sở thích đồ thủ công của tôi, nên thi thoảng mua cho tôi con chỉ, cái thước dây thêu Goblen hay quyển sách…Từ khi lấy chồng, thi thoảng tôi vẫn giận chồng nhưng chưa bao giờ giận mẹ chồng. Ngược lại bà luôn ôm tôi vào lòng an ủi mỗi khi tôi khóc vì giận chồng.
Tính tôi không phải là người nói cho được bởi lẽ hơn nhau câu nói lúc cả hai đều giận mất khôn thì được gì. Nên bao nhiêu ấm ức tôi trút cả vào nước mắt. Bà bao giờ cũng bênh vực và đứng về phía tôi.
Khi tôi mang bầu Yuuki, khỏi phải nói bà vui mừng thế nào. Hầu như đồ của hai mẹ con đều do bà sắm cả vì ba tháng đầu tôi bị “cấm cung”, chỉ ra ngoài đi khám định kỳ ở bệnh viện vì sợ lây cúm, sợ ảnh hưởng tới con. Về khoe cái ảnh siêu âm mờ tịt hồi mấy tháng, thấy bàn tay be bé giơ lên, bà nói những ngón tay của Yuuki dài giống mẹ và hôm sau bà mang về một tờ rơi quảng cáo lớp học piano cho trẻ em.
Hết thời gian “cấm cung”, bà tiếp tục đưa tôi đi chơi đây đó, rồi đi chùa cầu cho được mẹ tròn con vuông. Những tuần cuối cùng trước khi sinh Yuuki, bệnh viện chuyển ngày hẹn khám định kỳ qua ngày thường và tăng lên mỗi tuần một lần, chồng tôi không thể nghỉ làm như thế được nên bà đã nghỉ làm và đưa tôi đi.
Lúc này bố mẹ đẻ tôi đã sang Nhật để chờ mong cháu ngoại chào đời. Và vì tôi bụng to quá rồi không thể đưa bố mẹ để đi chơi được, bà lại gánh vác việc ấy, thậm chí rủ thêm bạn bè để đi chơi cùng bố mẹ tôi cho vui.
Những ngày ở bệnh viện, bà rất hay đến thăm tôi, nếu không vì bố mẹ đẻ và chồng tôi ngày nào cũng đến “quấy quả” phòng hậu sinh thì có lẽ bà đã đến hàng ngày. Được đón về nhà, bữa cơm mừng Yuuki đồng thời cũng là sinh nhật luôn cho ông ngoại Yuuki.
Mẹ chồng tôi không để bố tôi lỡ sinh nhật ngay cả khi tới Nhật, chiếc bánh sinh nhật chung cho ông và cháu. Đến tuần thứ ba sau khi sinh, tôi bị sốt tới 39 độ do lây cảm của chồng. Đến hôm sau thì hết, chỉ còn 37 độ. Trước khi đi làm, chồng tôi gọi điện thoại tới bệnh viện và được họ tư vấn là giữ ở nhà theo dõi. Nhưng mẹ chồng tôi nhất định dựng bố chồng tôi dậy sớm chở tôi đi bệnh viện.
Yuuki ở nhà với ông bà ngoại. Bệnh viện ở đây nếu không có hẹn trước với bác sĩ thì chờ khám có khi đến 3-4 tiếng đồng hồ. Mới xa con lần đầu, tôi ngồi ở bệnh viện như lửa đốt trên ghế và tự trách mình đã để con ở nhà mà không mang theo. Hết kiểm tra flu rồi thử máu… lại phải chờ lấy kết quả, mẹ chồng tôi kêu taxi cho tôi về nhà cho Yuuki bú rồi lại trở lại bệnh viện, tiện tay lấy thêm ít đồ ăn cho tôi.
Mẹ đẻ tôi bảo: “Tao chưa thấy ai như mẹ mày, bóc quả chuối đưa tận miệng con dâu”. Mẹ tôi vẫn gọi mẹ chồng tôi là “mẹ mày” thay vì “mẹ chồng mày” cứ như bà là mẹ đẻ của tôi chứ không phải mẹ chồng.
Hết một năm, chúng tôi dọn ra ở riêng. Khi ấy Yuuki được 1 tháng tuổi. Bố mẹ đẻ tôi chuẩn bị về nước. Mẹ chồng tôi tới ôm lấy bố mẹ tôi rồi khóc, bà nói bà sẽ tới chăm hai mẹ con thường xuyên để bố mẹ tôi yên tâm. Và đúng như thế, mỗi tuần bà tới hai lần sau khi tan làm. Lúc nào cũng tay xách nách mang đủ thứ.
Thường thì sau khi có cháu, các bà hay dồn hết sự quan tâm cho cháu mà bớt phần của các con, nhưng bà đối với tôi vẫn y nguyên như ngày đầu. Khi tôi đã quen với nơi ở mới và Yuuki đủ lớn để ra ngoài nhiều hơn, bà mới rút xuống tuần một lần.
Thi thoảng tôi vẫn than thở là Yuuki nhỏ bé, nhưng bà bảo “không, nó bình thường” và luôn khen nó cao lên mỗi khi tới thăm. Thay vì trách tôi vẫn để cho con ăn ở chế độ cơm mềm gần như cháo, bà nói với Yuuki “cháu sướng quá đấy, mẹ nấu cho mà ăn nóng, các bạn phải ăn cơm rồi, còn ăn cả đồ nguội cơ”.
Mẹ chồng tôi luôn động viên tôi những câu như “có con nhỏ bận rộn lắm” rồi “nuôi con trai vất vả hơn con gái vì các bé trai yếu hơn và hay ốm hơn, lại nghịch hơn”. Mẹ chồng tôi hỏi tôi có cần gì không, có muốn thứ gì đó không, tôi nói nửa đùa nửa thật là chỉ thấy thiếu thời gian mà thôi. Vậy là hầu hết những lần tới thăm bà luôn nấu sẵn món gì cho bữa tối của chúng tôi. Đấy là cách bà cho tôi thời gian!
Nếu câu “ngu si hưởng thái bình” mà đúng, thì có lẽ kiếp sau tôi vẫn muốn “ngu ngơ” thế này để lại được gặp may, lại được làm con dâu của “mẹ tôi”!”
Theo Đang yêu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.