Trách nhiệm ở đây không chỉ thuộc về các cơ quan, đơn vị quản lý mà đầu tiên phải bắt nguồn từ chính ý thức, lòng tự trọng của mỗi vị cán bộ, công bộc của dân. Phải thức tỉnh được ý thức trong mỗi người để không còn bị “ma men” ru ngủ.
Ông nghĩ thế nào về tình trạng một số cán bộ, công nhân viên chức ý thức kỷ luật lao động còn kém; vi phạm các quy định về sử dụng thời gian, đặc biệt uống rượu, bia trong giờ làm việc?
|
Không dễ để dẹp bỏ ngay tình trạng nhậu nhẹt bê tha ở một bộ phận cán bộ, viên chức (ảnh minh họa). |
- Ngày xưa, thời chúng tôi đi làm, 8 tiếng là 8 giờ vàng ngọc, cán bộ, công nhân viên chức phải chịu trách nhiệm công việc và đảm bảo thời gian của mình đối với cơ quan. Còn bây giờ việc ăn nhậu trở thành thói quen, có khi người ta trao đổi, ký hợp đồng với nhau, làm việc với nhau, từ công và tư đều trao đổi trên bàn ăn.
Điều đó đã trở thành tệ nạn xã hội, không chỉ xảy ra ở các thành phố lớn mà nó đã len lỏi cả về các huyện, các thị trấn, xã, thôn, bản… Bây giờ đi đâu cũng có thể bắt gặp hình ảnh ở bất cứ quán hàng, từ bia hơi vỉa hè đến nhà hàng sang trọng, những cái bàn ngồi gần chục người, trên tay cầm cốc bia, mồm hô dô dô. Họ không cần nghĩ gì đến những người xung quanh, đến những ánh mắt khó chịu, bị làm phiền bởi bàn bên cạnh. Tôi cho đó là những người thiếu nhân cách, không biết ngượng là gì.
Ngày xưa, người dân ăn uống khác bây giờ. Họ mời chào nhau lịch sự, ngồi nói chuyện vui vẻ, rượu là để nhấm nháp, chứ không phải để uống cho say. Bởi nếu ai đến ăn cỗ mà uống say, nôn mửa ra đó thì sẽ bị chê trách, bị mang tiếng cả đời.
Nhà văn hóa Giang Quân
Đứng ở góc độ là một chuyên gia văn hoá, tôi cho rằng, văn hoá bao phủ toàn bộ đời sống của người dân. Vậy những cán bộ, công nhân viên chức phải ăn uống sao cho lịch sự, trang trọng và tế nhị. Ngày xưa, các cụ ăn uống khác, mà bản thân người dân cũng ăn uống khác bây giờ. Họ mời chào nhau lịch sự, ngồi nói chuyện vui vẻ, rượu là để nhấm nháp, chứ không phải để uống cho say. Bởi nếu ai đến ăn cỗ mà uống say, nôn mửa ra đó sẽ bị chê trách, bị mang tiếng cả đời.
Theo ông, từ bao giờ lại có những trào lưu, tệ nạn này?
- Tôi là người đã sống qua ba chế độ, từ thời Pháp cũ, đến Pháp tạm chiếm, đến thời Nhật và thời đại của chúng ta. Tôi thấy tệ nạn này chỉ xuất hiện khi chúng ra mở cửa kinh tế thị trường, luồng văn hoá phương Tây ồ ạt đổ vào, bên cạnh những ngọn gió lành thì cũng có những “ngọn gió độc”, những “ngọn cỏ dại”.
Vậy thì đáng lý mình nên biết chọn cái hay của họ để học và gạt bỏ đi những cái dở, cái không phù hợp với phương Đông, với tính cách, văn hoá của người Việt. Vào thời điểm kinh tế mở cửa, một số người có quyền, có lương cao, bổng lộc chưa kể đến những việc làm đen tối khác và có nhiều tiền đã dẫn đến phát sinh việc ăn uống xả láng như thế.
Giờ việc ăn uống, nhậu nhẹt không phải là mời chào nhau để giao lưu theo đúng nghĩa, mà mời nhau là để mua chuộc nhau. Khi mà cơ chế xin - cho vẫn còn hiện hữu ở một vài nơi, ở một vài bộ phận, thì bắt buộc phải dẫn nhau ra bàn nhậu để ký kết, để thương lượng cho dễ dàng hơn. Và tôi cho đó cũng là một trong những nguyên nhân góp phần vào ăn nhậu của các cán bộ, công nhân viên chức bây giờ.
Để giải quyết vấn đề này, chúng ta phải làm gì?
- Tôi nghĩ để giải quyết triệt để tệ nạn này, chúng ta cần có một kỷ luật thật nghiêm túc, từ các vị lãnh đạo ở các cơ quan, từ T.Ư cho đến cấp tỉnh, cấp huyện, xã và cấp thôn phải làm gương cho cấp dưới. Nếu không gương mẫu thì không thể nói được cán bộ. Ông cũng đi nhậu vào giờ làm việc thì làm sao có thể cấm cán bộ của mình không được đi ăn nhậu vào giờ đó được. Quy định đều có hết rồi, nhưng mà vẫn không thi hành được.
Ngày xưa, Bác Hồ đi công tác ở địa phương nào đó đều mang theo cơm nắm, không nhờ, không phiền đến bất cứ ai. Và khi không phiền đến người ta, thì mình nói gì cũng dễ hơn. Vừa rồi, chúng tôi đi khảo sát ở 4 xã của Lương Sơn, Hoà Bình để làm cuốn Bách khoa thư, chúng tôi đã tự bỏ tiền túi chứ không nhờ ăn ở xã, huyện.
Thế nên khi chúng tôi đến họ rất vui vẻ, không ai thấy bị lệ thuộc, gây phiền hà gì cho nhau. Tôi nghĩ, cán bộ mình bây giờ cũng nên như thế, không nên đến đâu cũng điện thoại trước để chờ địa phương đón tiếp, ăn uống, nhậu nhẹt lu bù được.
Các cụ vẫn thường nói, nhà dột từ nóc. Nếu từ cấp thành phố, cấp tỉnh mà gương mẫu thì cấp huyện phải theo, cấp huyện gương mẫu thì cấp xã phải theo. Tuy nhiên cũng phải nói công bằng, đã là thói quen thì cũng cần có thời gian nhất định nào đó, chứ không thể ngày một, ngày hai là giải quyết được.
Xin cảm ơn ông!
Thanh Hà (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.