Rượu ở vùng cao - những sự thái quá

Thứ tư, ngày 15/05/2013 06:35 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong văn hoá ẩm thực của người Việt Nam thì rượu là thức uống không thể thiếu trong các dịp lễ hội, ngày vui, giỗ kỵ…
Bình luận 0

Và điều ấy càng đúng hơn với vùng cao Tây Bắc. 30 năm trước, từ Hà Tây tôi lên Tây Bắc công tác và đã nhanh chóng nhận ra cái sự gắn bó lạ kỳ: Rượu-người, người-rượu trên vùng đất này.

Người dân có thể đói ăn nhiều ngày, nhưng không thể thiếu rượu nhiều ngày. Bởi thế có rất nhiều nhà dân biết nấu rượu và lấy rượu để đổi hàng hoá, mua bán. Năm 1984, ở bản Pó Mạ, xã Noong Lay, huyện Thuận Châu, Sơn La, tôi đã chứng kiến cảnh ông Lò Văn Sâng, người dân tộc Thái mang một con gà rừng mới săn được đi đổi rượu, được rượu rồi thì về uống với rau và quả rừng vì “mấy hôm nay chỉ săn được có mỗi con gà ấy thôi”.

Sau này, khi đi làm báo tôi có dịp đến với nhiều nơi trong vùng Tây Bắc và cũng gặp những cuộc rượu, những “ma men” và những chuyện vừa đau lòng, vừa cười ra nước mắt. Ngoài hàng ngàn vụ tai nạn giao thông, tai nạn lao động, án dân sự, hình sự… mỗi năm mà nguyên nhân có phần không nhỏ do rượu gây ra thì chuyện rượu và uống rượu còn gây ra không ít bức xúc khác.

Do thói quen uống rượu đã ăn sâu vào nếp sống?nên trong một thời gian dài ở vùng cao, ngay cả việc tuyển dụng, xem xét, đánh giá cán bộ ở không ít cơ quan, công sở, đơn vị thì yếu tố “uống được rượu” cũng là một trong những điểm để xem xét. Ngoài ra, cũng bởi cái lý do ở vùng cao “rượu là đầu câu chuyện và cũng là cuối câu chuyện” nên không ít cán bộ công chức, nhất là cấp xã, bản của vùng cao thường xuyên say tuý luý khi đi làm việc với cơ sở.

Mới đây, đi công tác huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, tôi đã hú vía vì kiểu làm việc sặc mùi rượu của một cán bộ xã đó. Mặc dù tôi đã tìm cách bỏ về sớm và cầu cứu Chủ tịch huyện Quỳnh Nhai điện thoại trao đổi trực tiếp để “giải cứu” nhưng dù đi xa hơn chục km, đã đến địa phận xã khác nhưng vẫn thấy công an xã đó đuổi theo yêu cầu dừng xe xuất trình giấy tờ thân nhân và giấy tờ xe vì “nghi ngờ xe không chính chủ”.

Sau khi nghe tôi giải thích, ông trưởng công an xã đó mới ngại ngùng thanh minh: “Thật ra chúng tôi cũng phải làm theo lệnh của phó chủ tịch. Thôi anh thông cảm…”. Sau đó, khi tôi trao đổi lại việc này với Phó Chủ tịch huyện Quỳnh Nhai thì anh bảo: Tôi sẽ cho kiểm tra việc này ngay. Nhưng vùng cao nó thế, anh thông cảm! Thiếu cán bộ quá!...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem