Nhiếp ảnh gia Ngô Trần Hải An: 'Muốn ghi lại những khoảnh khắc lịch sử ở Sài Gòn'
Nhiếp ảnh gia Ngô Trần Hải An: 'Tôi muốn ghi lại những khoảnh khắc lịch sử ở Sài Gòn'
Minh Thi
Thứ năm, ngày 02/09/2021 09:30 AM (GMT+7)
Ghi lại hình ảnh cả Sài Gòn trong những ngày căng mình vì dịch Covid-19, nhiếp ảnh gia Ngô Trần Hải An (biệt danh Quỷ Cốc Tử) có dịp chứng kiến nhiều cảnh đời khốn khó, cảnh y bác sĩ hết lòng chăm sóc bệnh nhân trong các bệnh viện tuyến đầu.
Ống kính của anh không quên dừng lại trên gương mặt xúc động của những người cơ nhỡ, khuyết tật khi nhận gói cứu trợ, cùng các chuyến ghé thăm các chiến sĩ ở trạm chốt bên đường.
Những bức ảnh của anh trở thành tư liệu sống vì tính chân thật và giá trị hiếm hoi của những khoảnh khắc đầy tình người.
Vừa rồi, anh có chùm ảnh phóng sự gây xúc động khi đi một vòng quanh các bệnh viện dã chiến, các trung tâm cấp cứu bệnh nhân nặng tuyến cuối... Gần 2 tháng thực hiện chùm ảnh đó, dẫu biết khả năng lây nhiễm chực chờ, dường như anh vẫn không ngại đi vào điểm nóng?
-Thấy những hình ảnh ấy, tôi muốn ghi nhận và chia sẻ vì nhiều người ở nhà không thể hiểu hết những gì đang thực sự diễn ra bên trong các bệnh viện. Có thể, họ có những suy nghĩ sai lầm, chưa thấu đáo về dịch bệnh, nên vẫn bất chấp ra đường và bị lây nhiễm.
Trong khi đó, các bác sĩ tuyến đầu đã quá cơ cực, kiệt sức và quá tải. Các lực lượng chức năng cũng rất vất vả vì nhiều việc.
Tôi muốn làm cầu nối để góp chút gì đó, như chia sẻ thông điệp tích cực hơn, giúp đỡ được nhiều người hơn. Lúc đó thấy cần là làm chứ không thấy sợ hãi gì nữa.
Tôi không ở hẳn trong bệnh viện mà cứ đi đi, về về như thế. Đi rất nhiều bệnh viện, nay nơi này, mai nơi khác. Có lúc, chụp ban ngày, có khi chụp ban đêm, ròng rã hai tháng...
Vậy về đến nhà anh có phải cách ly với gia đình mình không?
-Tôi gửi vợ con sang bên ngoại, hai nhà khá gần nhau nên có gì bà xã mang đồ qua, hoặc tôi tự nấu ăn. Có khi về khuya mệt quá, chỉ cần ăn mì gói.
Những lúc sống cùng các bác sĩ ở bệnh viện, anh cảm nhận nhịp điệu ở đó ra sao?
-Tôi thấy rất thương họ, suốt ngày căng thẳng, tìm mọi cách cứu sống bệnh nhân. Khi bước vào phòng hồi sức ICU, lần đầu tiên đi cùng bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, kiêm Phó giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19, tôi bị thất thần.
Tiếng máy tít tít tạo ra âm thanh rất tiêu cực, rồi bóng bác sĩ áo trắng tất bật chạy đi, chạy lại cấp cứu bệnh nhân nặng. Rồi tiếng ho của người bệnh, nghe như đặc nghẹt lại từ trong phổi không thoát ra được.
Thú thực, lúc đó tôi cũng hoảng. Một hồi sau tôi mới trấn tỉnh để chụp hình. Mình ở ngoài thấy F0, F1 từ xa đã ngại, còn ở đây, các bác sĩ tiếp xúc rất gần với bệnh nhân, thậm chí còn ôm lấy họ. Một ngày trực ít nhất 8-10 tiếng, có khi 12 tiếng.
Lúc ra cởi đồ bảo hộ, mặt họ chằng chịt vết hằn của khẩu trang. Nhiều người mệt quá, mặc nguyên đồ bảo hộ gục xuống ngủ, trông rất tội. Họ ăn ở căng tin, nhưng cố ăn để có sức chứ chẳng còn tâm trạng nào mà ăn cả.
Hôm tôi nói chuyện với bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy nay được điều về làm Giám đốc BV Ung bướu Thủ Đức (cơ sở 2), anh nói nhiều người không hiểu nên chưa cảm thông với các y bác sĩ.
Giai đoạn nhiều người trong BV bị cách ly, không có nhân viên tạp vụ, bảo vệ..., thiếu nhân sự kinh khủng. Nhiều khi bác sĩ phải làm cả công việc dọn dẹp luôn vì không có người.
Theo nguyên tắc, 1 bệnh nhân có khoảng 7-8 người chăm sóc, phục vụ điều trị. Nay thì ngược lại, một y bác sĩ phục vụ cho cả chục bệnh nhân. Thành thử, áp lực cao.
Hơn nữa, họ bị stress về tâm lý khi xử lý ca nặng, bệnh nhân gào thét, than khóc; có bệnh nhân không qua khỏi khiến họ thấy bất lực khi nhìn từng người ra đi... Tình cảnh đó cứ thế tiếp diễn triền miên khiến họ căng thẳng đầu óc.
Có dịp tiếp xúc với "bác sĩ 91" Trần Thanh Linh, "người hùng" cứu sống các bệnh nhân nặng, trong đó có bệnh nhân người Anh, anh có cảm nhận ra sao?
-Anh ấy sinh ra để làm bác sĩ, toàn tâm toàn ý lo cho bệnh nhân. Khi tâm sự cùng tôi, anh chảy nước mắt. Có người anh cứu được, có người không. Hôm tôi và anh đi xuống từ lầu 4, thấy một bệnh nhân vừa ra đi, các nhân viên đang thu dọn, vừa nhìn thấy anh đã rơm rớm nước mắt.
Ở thời khắc đó tôi không còn sợ hãi và nhận ra cuộc sống quá mong manh! Có thể 1 tiếng đó họ còn sống đây, 1 tiếng sau họ đã được bọc lại, kết thúc một cuộc đời. Ranh giới giữa sự sống và cái chết cũng thế, mong manh vô cùng. Và mình hiểu rằng phải làm sao để sống cho thật tốt.
Ngoài bác sĩ Trần Thanh Linh, còn y bác sĩ nào để lại cho anh dấu ấn nhiều nhất?
-Tôi ấn tượng nhất là những người vô danh. Họ chỉ là những điều dưỡng, tình nguyện viên y tế hoặc là những bác sĩ... khi đó bịt kín mít không ai nhận ra ai nhưng tôi xúc động khi nhìn kính chắn của họ mờ mịt nước, gương mặt họ đẫm mồ hôi, mỏi mệt.
Trong phòng ICU, người ta hạn chế nói chuyện để tránh tình trạng virus xâm nhập vào hơi thở. Nên tôi càng thấy cần ghi lại nhiều hình ảnh để hiểu thêm sự hy sinh của họ.
Vì quang cảnh quá đau thương, khi tận mắt chứng kiến cái chết, tôi không còn thấy sợ hãi. Không nghĩ một người ra đi cô độc trống trải như vậy, lẽ ra họ được ở bên con cháu ấm áp những phút cuối đời.
Điều gì khiến anh cảm thấy ấm áp khi trải nghiệm một vòng qua các bệnh viện?
-Tình người. Các y bác sĩ chấp nhận nguy cơ nhiễm virus rất cao trong một căn phòng kín dày đặc. Ca bệnh vừa chuyển vô là họ lập tức xử lý hoặc nghe điện thoại hướng dẫn nhân viên cấp cứu cách nào duy trì hơi thở cho bệnh nhân. Họ làm quần quật trong im lặng, không than vãn, phàn nàn.
Tôi muốn phỏng vấn họ cũng từ chối, chỉ muốn làm tròn việc của mình để giúp được nhiều người trở về với cuộc sống. Tinh thần lương y của họ rất cao.
Nhiều người bên ngoài không hiểu, cứ chỉ trích y bác sĩ để con số tử vong cao, nhưng họ đã làm quá nhiều đến kiệt sức, lực lượng lại quá mỏng. Khi giãn cách, các lực lượng tiếp tế, tình nguyện viên khó đi hỗ trợ. Thành thử họ thiếu thốn nhiều thứ lắm.
May mà vừa rồi có sự tăng cường đội ngũ từ các tỉnh, thành nhằm giảm tải cho BV tuyến đầu. Bác sĩ Linh nói rằng đây là "cuộc chiến không có hồi kết".
Quá trình đi giúp người nghèo, tặng khẩu trang và đồ bảo hộ cho các chốt... của anh ra sao?
-Có những hoạt động tự tôi đi quyên góp, như góp khẩu trang cho các chốt. Tôi cũng tham gia một số nhóm như Áo ấm biên cương, Bánh mì 0 đồng... và cùng nhiều nhóm nữa.
Lực lượng chức năng đang thiếu người, người vô gia cư đang rất khổ. May là hiện nay đã có chính sách gom người vô gia cư ngoài đường vào nơi tập trung.
Chúng tôi tặng quà cho các khu cách ly, người nghèo, tặng nhu yếu phẩm cho người mù, người khuyết tật – nhóm người thường hay bị bỏ quên nhất. Nhìn họ rớt nước mắt khi nhận quà, tôi cũng rất xúc động.
Có lần, tôi chụp một người chạy xe lăn đeo băng tang trên đầu, anh nói vợ anh mới mất 2 ngày. Có 2 ông bà mù, đứa cháu dẫn ra lấy đồ... Nhiều câu chuyện rất thương tâm trong mùa dịch.
Nhờ clip của anh lan truyền trên cộng đồng mạng mà cụ già gõ cửa muagạo được nhiều người quan tâm, giúp đỡ...
-Cụ không thuộc diện khó khăn mà là vì không mua được hàng. Sau đó, tôi báo với phường, phường cũng hỗ trợ, tiếp tế cho cụ. Phần tôi cũng tặng cho cụ một túi quà.
Đi vào tâm dịch, ngoài chuyện làm phóng sự ảnh, hẳn anh còn muốn giúp đời...
-Tôi tin mỗi một con người đều có một sứ mệnh để ngồi đúng vị trí của mình. Sứ mệnh của tôi xuất phát từ trong tim, là gặp những con người đó, chụp và ghi lại những khoảnh khắc lịch sử, và giúp được ai thì giúp. Ở nhà tôi không yên tâm.
Hôm trở về, tôi gặp một phụ nữ đi bộ và hỏi thăm, khi nghe bà nói làm bên quận 8, bị thôi việc do dịch bệnh, tôi đã chở bà về, quên luôn chuyện ai đó cũng đều có thể là F0…
Xin cảm ơn anh.
Nhiếp ảnh gia, travel bloger Ngô Trần Hải An nổi tiếng vì từng đi phượt hầu hết các vùng đất ở VN, khám phá hơn 40 quốc gia, 100 cột mốc biên giới… Anh từng ghi dấu ấn với các chùm phóng sự ảnh về các cực biên của Tổ quốc, Trường Sa và khám phá những miền đất hoang sơ sơ ở New Zealand, Nam Phi, Italy, Anh, Bhutan, Pakistan hay Zambia. Hải An cũng là người đầu tiên khám phá hàng loạt cung đường phượt mới như mốc biên giới 79 và 42 – hai mốc cao nhất, nhì Đông Dương; điểm cực Đông, núi Tà Chì Nhù, Hòn Hải...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.