Nhiều cá nhân sai phạm nhưng chưa đến mức xử lý hình sự trong vụ khởi tố ông Trần Vĩnh Tuyến

Quang Phương Chủ nhật, ngày 07/03/2021 14:08 PM (GMT+7)
Trong vụ ông Trần Vĩnh Tuyến và 15 bị can bị đề nghị khởi tố do liên quan đến sai phạm tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI), gây thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng, có nhiều cá nhân khác sai phạm nhưng chưa đến mức xử lý hình sự.
Bình luận 0

Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an xác định, số tiền mà các bị can gây thiệt hại cho Nhà nước khi thực hiện việc chuyển nhượng dự án nhà ở tại phường Phước Long B, quận 9 (do SAGRI làm chủ đầu tư, sang lại toàn bộ cho Tổng Công ty CP Phong Phú vào năm 2016) là 348.779.619.741 đồng (tại thời điểm chuyển nhượng dự án) và 672.140.972.741 đồng (tại thời điểm khởi tố vụ án).

Hai nguyên cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM

Người đầu tiên là ông Dư Huy Quang, nguyên Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai (Sở TNMT TP.HCM). Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết, với vai trò trên, ông Quang biết rõ quy định pháp luật về đăng ký biến động quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận hồ sơ chuyển nhượng dự án nói trên, ông vẫn ký xác nhận biến động trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, số BB 971815 ngày 9/4/2011 từ SAGRI chuyển nhượng cho Tổng Công ty CP Phong Phú. Sau đó, ông còn tạo điều kiện để Lê Tấn Hùng và các đồng phạm hoàn thành việc chuyển nhượng dự án, gây thiệt hại cho nhà nước.

Nhiều cá nhân sai phạm nhưng chưa đến mức xử lý hình sự trong vụ ông Trần Vĩnh Tuyến bị khởi tố - Ảnh 1.

Một góc dự án khu nhà ở phường Phước Long B - nơi khiến ông Trần Vĩnh Tuyến và đồng phạm... dính chàm. Ảnh: Quang Phương.

Tại cơ quan điều tra, ông Quang thừa nhận sai phạm của bản thân nhưng không được hưởng lợi ích vật chất gì, không có sự chỉ đạo, ép buộc, bàn bạc ăn chia, tư lợi, hưởng lợi cá nhân trong việc làm sai. Ông Quang không kiểm tra hồ sơ mà tin tưởng vào tham mưu của cấp dưới nên đã ký xác nhận đăng ký biến động quyền sử dụng đất.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định, hành vi của ông Quang có dấu hiệu phạm tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" nhưng chưa đến mức phải xử lý trách nhiệm hình sự.

Còn bà Phạm Nguyễn Thanh Tú (chuyên viên Văn phòng Đăng ký và cấp giấy chứng nhận, Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM) sau khi tiếp nhận hồ sơ về chuyển nhượng dự án trên đã tham mưu cho ông Dư Huy Quang, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM ký xác nhận biến động trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, tạo điều kiện để Lê Tấn Hùng và các đồng phạm hoàn thành việc chuyển nhượng dự án.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho rằng, hành vi của bà Thanh Tú có dấu hiệu của tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" nhưng chưa đến mức phải xử lý hình sự.

3 nguyên cán bộ, nhân viên SAGRI

Tiếp đó là ông Hồ Văn Ngon, nguyên Phó Tổng Giám đốc, Thành viên HĐTV SAGRI. Ông Ngon đã 2 lần ký "đồng ý" vào "phiếu lấy biểu quyết" chủ trương chuyển nhượng dự án giúp Lê Tấn Hùng chỉ đạo hoàn thiện thủ tục đề nghị UBND TP.HCM chấp thuận chuyển nhượng dự án và đồng ý hoàn thiện các thủ tục đề nghị UBND TP.HCM chấp thuận chuyển nhượng dự án.

Tại Cơ quan CSĐT, ông Ngon thừa nhận sai phạm nhưng không được hưởng lợi ích vật chất gì trong việc làm sai này và Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng chưa thu thập được tài liệu chứng minh động cơ vụ lợi của ông Ngon. Hành vi của ông Ngon có dấu hiệu "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" nhưng chưa đến mức xử lý trách nhiệm hình sự.

Nhiều cá nhân sai phạm nhưng chưa đến mức xử lý hình sự trong vụ ông Trần Vĩnh Tuyến bị khởi tố - Ảnh 2.

Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn - nơi nhiều cán bộ, nhân viên đang "dính chàm" từ vụ chuyển nhượng dự án khu nhà ở phường Phước Long B.

Còn ông Quang Tường Thụy, nguyên Phó Giám đốc Phòng Kế hoạch –Tài chính, hiện là Phó Trưởng phòng Kế hoạch – đầu tư SAGRI), khi biết việc chuyển nhượng dự án không xác định giá trị chuyển nhượng theo quy định pháp luật, đã chủ động có văn bản gửi ông Lê Tấn Hùng đề nghị "trước khi chuyển nhượng dự án phải xác định giá trị chuyển nhượng theo giá thị trường, thuê thẩm định giá theo pháp luật". 

Thế nhưng ông Hùng không đồng ý và thông qua Nguyễn Thành Mỹ chỉ đạo Thụy phải cùng ký biên bản thỏa thuận về việc chuyển nhượng dự án nói trên.  Ông Thụy thừa nhận hành vi sai phạm của bản thân nhưng cho rằng việc ký là theo sự chỉ đạo của ông Lê Tấn Hùng, không được hưởng lợi vật chất trong việc làm sai này.

CQCSĐT xác định, hành vi của ông Thụy có dấu hiệu "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" nhưng ông Thụy là người có vai trò thừa hành, phụ thuộc, chấp hành mệnh lệnh hành chính của lãnh đạo nên chưa đến mức xem xét trách nhiệm hình sự.

Bà Lê Thị Diệp Cẩm (Phó Trưởng phòng Nhân sự - Hành chính SAGRI) là người biết Lê Tấn Hùng cùng các đồng phạm bàn bạc, thống nhất về việc lập, ký khống 10 hợp đồng du lịch để tham ô hơn 13,3 tỷ đồng. Bà Cẩm thừa nhận hành vi sai phạm nhưng không được hưởng lợi gì, không có động cơ vụ lợi cá nhân. Hành vi của bà Cẩm có dấu hiệu phạm tội "Che giấu tội phạm" nhưng chưa đến mức xử lý hình sự.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem