Như đã thông tin, hôm qua (11/7), Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam hoặc cấm đi khỏi nơi cư trú do "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015, đối với 5 người là ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó chủ tịch UBND TP.HCM; Trần Trọng Tuấn, sinh năm 1969 - Phó Chánh Văn phòng Thành ủy TP.HCM (nguyên Giám đốc Sở Xây dựng); Phan Trường Sơn - Phó Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc; Trần Quốc Đạt - Phó Trưởng phòng Phòng Phát triển nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng và Lê Tấn Hòa - chuyên viên Phòng Phát triển nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng.
Tất cả đều liên quan sai phạm tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (SAGRI).
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, với tội danh theo quyết định khởi tố bị can của cơ quan điều tra, ông Trần Vĩnh Tuyến và các bị can khác có thể phải đối mặt với khung hình cao nhất là 20 năm tù.
Vị luật sư phân tích, để có căn cứ buộc tội các bị can đã bị khởi tố nêu trên, cơ quan điều tra phải thu thập các tài liệu, chứng cứ để chứng minh các bị can này là những người có chức vụ quyền hạn, được giao quản lý tài sản của nhà nước nhưng vì động cơ cá nhân, vì vụ lợi hoặc vì lý do khác mà đã không tuân thủ chế độ quản lý, sử dụng tài sản của nhà nước gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng trở lên.
Nếu tài sản bị thất thoát lãng phí từ 1.000.000.000 đồng trở lên, các bị can, trong đó có ông Trần Vĩnh Tuyến sẽ phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất của tội danh này là từ 10 năm đến 20 năm tù.
Với những người chủ mưu, cầm đầu, thực hành tích cực, hưởng lợi lớn, gây lãng phí lớn sẽ phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù. Những người với vai trò thứ yếu giúp sức, xúi giục, không được hưởng lợi thì sẽ chịu mức hình phạt thấp hơn.
Việc chứng minh tội phạm thuộc về nghĩa vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng. Sau khi khởi tố vụ án, cơ quan điều tra và Viện kiểm sát phải thu thập các tài liệu, chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội, chứng minh hậu quả của hành vi gây ra để có cơ sở cho Tòa án xem xét giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, luật sư Cường còn thông tin, theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, bị can bị khởi tố về các tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, khung hình phạt từ 15 năm tù trở lên sẽ áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giam, trừ trường hợp người phạm tội là người già, phụ nữ nuôi con nhỏ, người mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bị can áp dụng biện pháp đặt tiền để đảm bảo theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.
Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí: Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm: Vì vụ lợi; Có tổ chức; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; Gây thất thoát, lãng phí từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
Phạm tội gây thất thoát, lãng phí 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.