Nhiều cầu vượt bộ hành tại Hà Nội bị sử dụng sai mục đích

Nhật Lệ Thứ năm, ngày 18/05/2023 08:49 AM (GMT+7)
Được xây dựng nhằm giúp người đi bộ an toàn hơn khi sang đường và hạn chế ách tắc giao thông, tuy nhiên hiện nay tại một số tuyến đường nội đô, cầu vượt bộ hành vẫn đang bị chiếm dụng cho mục đích khác.
Bình luận 0

Thành phố Hà Nội đã đầu tư xây dựng khoảng 70 cầu vượt bộ hành tại các nút giao thông, các khu vực có mật độ dân cư đông đúc hay gần các trường học, bệnh viện. 

Dù những công trình công cộng này đều mang mục đích giúp giảm ùn tắc, kết nối giao thông đô thị nhưng sau nhiều năm triển khai, vẫn có nhiều người dân không sử dụng, sang đường tùy tiện ngay ở nơi có cầu vượt.

Nhiều cầu vượt bộ hành tại Hà Nội bị sử dụng sai mục đích - Ảnh 1.

Cầu vượt bộ hành trước trường Đại học Công Đoàn dù trang bị mái che nhưng vẫn bị ngó lơ, vắng bóng người sử dụng. Ảnh: Nhật Lệ

Tại đoạn đường gần Học viện Ngân Hàng, tuy được xây dựng cầu vượt nhưng nhiều sinh viên vẫn lựa chọn qua đường bằng cách len lỏi giữa dòng xe cộ. 

"Thẳng cổng trường là điểm xe buýt nên mọi người xuống điểm dừng sẽ lựa chọn qua đường luôn thay vì đi vòng lại một đoạn để lên cầu rồi lại vòng ngược lại", bạn Phạm Vũ Phương Uyên, 21 tuổi, sinh viên Học viện Ngân hàng chia sẻ.

Nhiều cầu vượt bộ hành tại Hà Nội bị sử dụng sai mục đích - Ảnh 2.

Người dân lựa chọn len lỏi giữa dòng xe cộ để qua đường thay vì sử dụng cầu vượt. Ảnh: Nhật Lệ

Theo quan sát của phóng viên, một số khu vực khác như ngã ba Phạm Ngọc Thạch, đường Nguyễn Trãi, Tây Sơn, Giải Phóng hay Mai Dịch, là nơi có cầu vượt nhưng vẫn nhiều người chấp nhận băng qua đường.

Tại khu vực Nguyễn Trãi hay Xuân Thủy, một số người đi bộ còn lựa chọn vượt dòng xe, trèo qua những giải phân cách để sang đường.

Điều 9 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, ngày 30/12/2019 quy định: Phạt tiền từ 60.000 đồng tới 100.000 đồng đối với trường hợp người đi bộ không đi đúng phần đường quy định; vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không đảm bảo an toàn.

Theo khoản 1, khoản 5 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, quy định về mức phạt hành chính đối với các hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường như sau: Đối với hành vi buôn bán lấn chiếm vỉa hè có thể phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức.

Là lái xe công nghệ, anh Nguyễn Văn Kiên, 31 tuổi, thường xuyên phải di chuyển qua những cung đường dân cư đông đúc. Đã từng không ít lần khi đang di chuyển, người đi bộ ùa sang đường khiến anh cùng nhiều lái xe khác trở tay không kịp. 

"Có cầu, hầm đàng hoàng nhưng chẳng mấy ai đi đâu, họ tiện đâu thì sang đấy. Nhiều lần tôi đang đi phải giật mình để né vì có người sang đường đột ngột, điều này vô cùng nguy hiểm. Chẳng may mình đụng trúng người ta lại mang tội oan", anh Kiên nói.

Một số cầu vượt bộ hành nay còn bị chiếm dụng, sử dụng cho mục đích khác.

Trên trục đường Giải Phóng - Lê Thanh Nghị, trước cổng bệnh viện Bạch Mai, dù có biển cấm bán hàng trên cầu nhưng nhiều gánh hàng rong vẫn lựa chọn nơi đây làm điểm để kinh doanh, buôn bán. Dọc lối đi trên cầu đi bộ là khoảng 6-7 gánh hàng ngồi la liệt, choán hết lối của người đi bộ.

Nhiều cầu vượt bộ hành tại Hà Nội bị sử dụng sai mục đích - Ảnh 5.

Tấm biển “khu vực cầu cấm bán hàng” dường như bị phản tác dụng. Ảnh: Nhật Lệ

Nhiều cầu vượt bộ hành tại Hà Nội bị sử dụng sai mục đích - Ảnh 5.

Các gánh hàng rong ngồi la liệt trên cầu đi bộ trước cổng bệnh viện Bạch Mai, mời chào khách mua hàng. Ảnh: Nhật Lệ

Các gánh hàng rong ngồi như vậy từ sáng sớm tới tận chiều tối. Tại thời điểm phóng viên ghi nhận, không thấy lực lượng chức năng nhắc nhở, chấn chỉnh việc bán hàng sai địa điểm.

Chính bản thân chị T.T, một người bán hàng rong tại đây cũng chia sẻ rằng cơ quan chức năng ít khi đi kiểm tra, hoặc nếu thấy bóng dáng lực lượng chức năng họ sẽ dọn hàng đi. "Mình bán đây cũng lâu rồi, thỉnh thoảng mới có người ra nhắc nhở, thấy thì mình chạy thôi, hết lại lên bán như bình thường", chị T chia sẻ.

Ngoài bán hàng, cầu đi bộ còn bị chiếm dụng làm điểm tập kết xe rác, trông xe hay là nơi vui chơi của những bạn trẻ mỗi buổi đêm. Tại ngã tư Mai Dịch, cứ mỗi tối, cầu vượt bộ hành tại đây lại đầy ắp người qua lại, tuy nhiên không phải sang đường mà là tụ tập ăn uống, vui chơi trên cầu. 

Sau mỗi đêm như vậy, cây cầu lại thêm phần nhếch nhác bởi rác thải, chai lọ nhựa bị bỏ lại. Dù cho tấm biển ghi rất rõ dòng chữ "cấm tụ tập, ăn uống trên cầu" nhưng nhiều bạn trẻ vẫn phớt lờ, bỏ ngoài tai.

Nhiều cầu vượt bộ hành tại Hà Nội bị sử dụng sai mục đích - Ảnh 7.

Cầu vượt bộ hành ở ngã tư Mai Dịch trở thành điểm tập trung vui chơi, ăn uống nổi tiếng của giới trẻ. Ảnh: Nhật Lệ



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem