Nhiều đại gia Việt mất hàng trăm tỷ đồng sau một đêm

Thứ tư, ngày 26/08/2015 13:37 PM (GMT+7)
Việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ với mức kỷ lục (từ ngày 11/8/2015) khiến thị trường tài chính toàn cầu điên đảo. Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam cũng bỗng chốc bốc hơi gần 8 tỷ USD cổ phiếu trong 2 tuần. Nhiều đại gia sáng ngủ dậy đã mất hàng trăm tỷ đồng.
Bình luận 0

Hậu quả từ “Thứ 2 đen tối”

Một ngày sau “Black Monday” (Ngày Thứ 2 đen tối) 24/8 đầy hoảng loạn, hôm qua 25/8, TTCK Việt ít nhiều lấy lại được sự bình tĩnh. Mặc cho hai thị trường lớn Trung Quốc giảm thêm 4,33% và Mỹ giảm 3,94% (chỉ số S&P 500), tại TTCK trong nước, một số cổ phiếu đã được nhà đầu tư quay lại bắt đáy khiến chỉ số VN-Index tăng trở lại. Kết thúc phiên giao dịch 25/8, chỉ số VN-Index đứng ở mức 529,98 điểm, tăng 3,05 điểm (0,59%). Toàn sàn có 118 mã tăng, 117 mã giảm và 75 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 177,69 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 301 tỷ đồng.

img

Nhà đầu tư trên sàn ACBS lặng lẽ nhìn tiền bốc hơi khỏi cổ phiếu. Ảnh: Như Ý.

Dẫu vậy, đến thời điểm này, cổ phiếu của các doanh nghiệp tên tuổi như Hòa Phát, Hoàng Anh Gia Lai, Vingroup, Kinh Bắc... vẫn đang trong xu hướng lao dốc. Nhiều đại gia ngậm ngùi nhìn tài sản bốc hơi. Các đại gia đình đám trên sàn chứng khoán vào ngày 24/8, nắm tổng cộng 496.215.565 cổ phiếu của Tập đoàn Vingroup (mã CK: VIC), chỉ trong 1 phiên giao dịch, đã “bay hơi” gần 150 tỷ đồng. Nắm giữ trên 184 triệu cổ phiếu Hòa Phát (mã CK: HPG), đại gia Trần Đình Long phải tạm “chia tay” 386 tỷ đồng. “Thứ hai đen tối” cũng xui xẻo với bầu Đức-với tư cách cổ đông lớn nhất của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (mã CK: HAG) sau phiên 24/8, mất  gần 348 tỷ đồng. Còn với vị trí thứ 12 trong top những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt và nắm giữ trên 60 triệu cổ phiếu KBC, ông Đặng Thành Tâm mất tới hơn 40 tỷ đồng khi cổ phiếu KBC mất 5,5% điểm.

Việc hàng loạt các mã cổ phiếu lớn: VCB, VNM, BID, SSI, BVH, KDC, PVD, GAS… giảm sàn bất chấp những kết quả kinh doanh cũng như tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp cho thấy: Niềm tin của nhà đầu tư vào chứng khoán đang mai một. Chị Lan Hương, một nhà đầu tư trên sàn chứng khoán dầu khí (PSI) phải thốt lên: “VNIndex đã chính thức phá đáy 8 tháng, mọi thành quả tích luỹ từ đầu năm đến nay đã bị cuốn trôi”.

Điều gì đang chờ đợi?

Trả lời một kênh thông tin chứng khoán của Việt Nam, ông Yun Hang Jin, Giám đốc khối thị trường mới nổi tại Korea Investment & Securities (KIS Hàn Quốc), cho rằng “TTCK Việt Nam mặc dù đã trải qua 15 năm phát triển nhưng vẫn còn rất non trẻ. Một khi có một hay vài thông tin bất lợi trên thế giới, cổ phiếu sẽ giảm sâu bất chấp các diễn biến kinh tế trong nước vẫn ổn định”. Còn trong Bản tin phát đi cuối chiều 25/8, phân tích của các Cty chứng khoán SSI, MBS, HSC đều chung nhận xét: Một trong những yếu tố khiến tâm lý ổn định trở lại ngày 25/8 nhờ thông điệp kịp thời khẳng định Việt Nam sẽ không điều chỉnh thêm tỷ giá nữa của Ngân hàng Nhà nước (tối 24/8). Theo giới phân tích, chính vì điều này mà những biến động tỷ giá của Trung Quốc sáng 25/8 không tạo ra nhiều sức ép với TTCK Việt.

TTCK thế giới đã tăng trong suốt 6 năm qua. Sự tăng này nằm trong bối cảnh các nhà đầu tư rời bỏ thị trường bất động sản (sau khi thị trường này đổ vỡ) và né tránh đầu tư vào trái phiếu do lợi nhuận thấp. Thay vào đó họ chọn kênh đầu tư vào cổ phiếu. Tại Việt Nam, nằm trong dòng chảy đó, chứng khoán không tránh khỏi cơn “cảm sốt” li bì.

Chiều 25/8, một quan chức Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẳng định: Trong những ngày qua, vẫn bám chặt thị trường và luôn có những phân tích rõ ràng cùng biện pháp kèm theo. Theo vị này, Ủy ban nhận thấy rất rõ sự hoảng hốt vừa qua đến từ tác động tâm lý bởi Trung Quốc phá giá Nhân dân tệ. “Báo cáo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết trên cả hai sàn cơ bản rất tốt. Phiên 25/8, thanh khoản thị trường tốt”- vị này cho biết và nhấn mạnh: Thông tin khối ngoại rút vốn, chỉ là tin đồn thất thiệt, gây tác động tâm lý đến thị trường và nhà đầu tư.

Theo hãng tin Bloomberg, TTCK Việt đang trong giai đoạn điều chỉnh và là một trong những thị trường có mức giảm ít nhất nếu so sánh với các nền kinh tế mới nổi khác. Đã có 15 trong số 30 TTCK của các nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới giảm 20% hoặc hơn kể từ mức đỉnh từ đầu năm đến nay. Trong đó, chứng khoán Nga và Trung Quốc dẫn đầu mức giảm với hơn 30%, những thị trường còn lại đều có điều chỉnh dù mạnh hay yếu.

Khánh Huyền (Tiền Phong)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem