Nhiều doanh nghiệp Bình Dương khó tuyển dụng lao động
Khó tìm người làm, doanh nghiệp ở Bình Dương cật lực tuyển dụng, kê bàn ghế ra trước cổng thu nhận hồ sơ
Nguyên Vỹ
Thứ năm, ngày 07/03/2024 07:27 AM (GMT+7)
Nhu cầu tuyển dụng lao động nhiều, nhưng người đi tìm việc ít. Nhiều doanh nghiệp ở Bình Dương phải cật lực tuyển dụng lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa sau Tết.
Chị Lương Bích Đào, quê Vĩnh Long, cho biết mình có kinh nghiệm làm công nhân may giày. Nghỉ khá lâu, nay chị mới lên Bình Dương tìm việc trở lại.
Chị từ chối nộp hồ sơ vào một công ty trong KCN Sóng Thần (TP Dĩ An, Bình Dương) do thái độ của nhân viên tuyển dụng thiếu nhã nhặn khi chị thắc mắc về chế độ làm việc và lương bổng.
Chị Đào tìm tới công Công ty TNHH Esprinta chuyên may áo thể thao, áo jacket xuất khẩu ở gần đó để thử cơ hội mới.
Nhiều công ty tuyển dụng và có thông tin rõ ràng về chế độ hỗ trợ đào tạo cho người mới tìm việc. "Công ty nào có tiền lương, chế độ phúc lợi tốt thì mình tìm đến thôi", chị Đào nói.
Hiện Công ty Esprinta đang tuyển 500 công nhân may và nhiều vị trí khác với tổng thu nhập từ 8,5-20 triệu đồng/tháng. Esprinta cũng đưa ra mức thưởng cho người giới thiệu được công nhân khác đến làm việc là 1 triệu đồng/người.
Chị Lưu Tịnh Uyển, cán bộ phụ trách tuyển dụng nhân sự Công ty Esprinta cho biết, vào khoảng thời gian này năm ngoái, mỗi ngày công ty thu nhận 90-100 hồ sơ xin việc. Hiện tại, đội ngũ tuyển dụng của Esprinta chỉ nhận chừng chục bộ hồ sơ mỗi ngày.
Bối cảnh khan hiếm nguồn lao động đã nảy sinh vấn đề nhiều doanh nghiệp tranh giành lao động với nhau. Chị Uyển kể, có doanh nghiệp cho người đến phát tờ rơi tuyển dụng lao động ngay chỗ công ty Esprinta đang tuyển dụng.
"Tôi là người tuyển dụng lao động cũng bị họ mời về làm công nhân luôn. Nhiều trường hợp có thái độ khiếm nhã, Công ty phải nhờ Bản quản lý KCN xuống can thiệp", chị Uyển kể.
Tương tự Công ty Esprinta, Công ty TNHH may mặc Premier Global Việt Nam ở KCN Đồng An (TP Thuận An, Bình Dương) cũng kê bàn ghế ra trước cổng để trực tiếp thu nhận hồ sơ của người tìm việc.
Công ty Premier Global cần tuyển 1.000 công nhân may có tay nghề, và hơn 700 vị trí khác. Công ty sẵn sàng thu tuyển công nhân mới, vẫn trả lương trong thời gian học việc.
Một cán bộ phụ trách nhân sự cho biết, sau Tết tình hình tuyển dụng lao động khó khăn. Năm trước, nhiều công nhân nghỉ việc, đã tìm việc dưới quê. Năm nay, nhiều người không trở lên, nhất là những người 35-40 tuổi. Chỉ những công nhân trẻ, có khả năng nhảy việc mới quay trở lại.
Tăng cường kết nối để tuyển dụng lao động
Tuyển dụng trực tiếp gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp tìm đến các trung tâm dịch vụ việc làm, các công ty cung ứng nhân lực.
Theo yêu cầu của doanh nghiệp, các đơn vị cung ứng nhân lực này cũng đang triển khai nhiều phương án để thu hút lao động trong và ngoài tỉnh.
Bà Mai Thu, phụ trách tuyển dụng tại Công ty TNHH Cung ứng nhân lực Win Win (TP.Thuận An) cho biết, năm nay, lượng lao động đến xin việc hạn chế.
Phần lớn người lao động lo ngại khi lên Bình Dương thì không biết công việc ổn định chưa. Họ vẫn ở dưới quê hỏi thăm trước tình hình doanh nghiệp mới quay trở lại.
Công ty Win Win hiện đang bố trí hàng chục nhân viên tuyển dụng ở các KCN. Tất cả các lao động có nhu cầu tìm việc đều được công ty thu nhận và phân bổ theo nhu cầu doanh nghiệp.
Trung tâm dịch vụ việc làm Bình Dương cho biết, từ đầu năm, Trung tâm tiếp nhận thông tin tuyển dụng của hơn 600 doanh nghiệp với nhu cầu gần 6.000 lao động.
Trong đó, nhu cầu về lao động có tay nghề trong các lĩnh vực may, gỗ, in, bao bì, giày da, túi xách chiếm khoảng 50%; nhu cầu lao động phổ thông 35% và lao động được đào tạo trình độ nghề chuyên môn 15%.
Theo ông Phạm Văn Tuyên - Phó Giám đốc Sở Lao động thương binh xã hội tỉnh Bình Dương, các nhóm ngành nghề bị mất đơn hàng nhiều như chế biến gỗ, da dày và may mặc hiện đã có sự phục hồi khá tốt.
Doanh nghiệp trong các ngành này đang có nhu cầu bổ sung thêm lao động, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người đang có nhu cầu tìm việc.
Song ông Tuyên cho biết, để giữ chân và thu hút lao động, các doanh nghiệp cần có chế độ lương, phúc lợi thỏa đáng. Doanh nghiệp cần tạo môi trường về an toàn vệ sinh lao động, cũng như các điều kiện khác hỗ trợ cho người lao động nâng cao tay nghề.
"Ngoài thời gian làm việc theo hợp đồng, người lao động cũng phải có kế hoạch để được đào tạo bổ sung, nâng cao kỹ năng nghề cho chính bản thân", ông Tuyên khuyến cáo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.