Nhiều doanh nghiệp FDI chấp nhận thua lỗ trong ngắn hạn
Nhiều doanh nghiệp FDI chấp nhận thua lỗ trong ngắn hạn để chiếm lĩnh thị trường Việt Nam
Quang Dân
Thứ ba, ngày 08/12/2020 09:55 AM (GMT+7)
Báo cáo có nhiều đánh giá chi tiết, cụ thể về sự hình thành và phát triển của các loại hình kinh tế chia sẻ (KTCS) ở nước ta trong giai đoạn vừa qua, đồng thời đưa ra các đề xuất, kiến nghị để thúc đẩy phát triển loại hình kinh tế này trong thời gian tới.
Sáng 8/12, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung Ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã tổ chức hội thảo "Báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ chính tới nền kinh tế" để lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ.
Nhiều tiềm năng phát triển
Theo báo cáo, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển KTCS trong thời kỳ tới, có khả năng tạo ra nhiều cơ hội phát triển và lợi ích cho các chủ thể kinh tế, các doanh nghiệp và toàn nền kinh tế. Do vậy, tuy một số loại hình KTCS mới bước đầu phát triển ở Việt Nam nhưng đã cho thấy ưu thế vượt trội và khẳng định được vị thế trong nền kinh tế, thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đơn cử như trong lĩnh vực vận tải, với sự phát triển của loại hình dịch vụ vận tải trực tuyến (Grab, Uber…) đã huy động được một lượng khá lớn lao động, ô tô, xe máy của cá nhân, đơn vị kinh doanh tham gia vào cung cấp dịch vụ vận tải.
Theo Báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, chỉ tính riêng 2 năm 2016-2018, thực hiện Đề án thí điểm "Triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng" Grab car, cả nước đã có 866 đơn vị vận tải (doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải) với 36.809 phương tiện và thu hút hàng chục ngàn lao động tham gia thí điểm.
Tương tự, Trong lĩnh vực lưu trú du lịch, ước tính đến tháng 1/2019 đã huy động được khoảng 18.230 cơ sở lưu trú tham gia mô hình Airbnb ở Việt Nam và còn nhiều cơ sở kinh doanh chia sẻ phòng ở, phòng làm việc đăng ký ở các ứng dụng khác...
Các nhà đầu tư nước ngoài cũng rất quan tâm đến thị trường cho vay tiêu dùng của Việt Nam. Trong số khoảng 100 công ty P2P lending đã đi vào hoạt động chính thức và đang trong giai đoạn thử nghiệm ở Việt Nam, phần lớn là các công ty của nhà đầu tư nước ngoài (Tima, Trust Circle, Lendomo, Wecash, Interloan…). Trong đó, có một số công ty P2P lending có nguồn gốc từ Trung Quốc, Nga, Singapore, Indonesia…
Với quy mô dân số 96,2 triệu người (năm 2019), trong đó 68,8% dân số đang sử dụng điện thoại di động (tương đương 64 triệu người), số lượng điện thoại di động, máy tính đang sử dụng cũng rất lớn (trên 130 triệu thuê bao điện thoại di động, trên 47 triệu thuê bao băng rộng di động là máy điện thoại, 13 triệu thuê bao internet băng rộng cố định…), tỷ lệ người dân tiếp cận internet ở mức cao trong khu vực, tỷ lệ lao động trẻ tuổi cao và thu nhập của người dân không ngừng tăng lên, Việt Nam đang là thị trường tiềm năng thu hút đầu tư phát triển kinh tế nói chung và kinh doanh theo mô hình KTCS nói riêng.
Nhiều lỗ hổng trong quản lý
Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm có nhiều tiềm năng phát triển KTCS trong thời kỳ tới, có khả năng tạo ra nhiều cơ hội phát triển và lợi ích cho các chủ thể kinh tế, các doanh nghiệp và toàn nền kinh tế, nhưng cũng nảy sinh nhiều thách thức mới, nhất là trong quản lý nhà nước đối với KTCS.
Trong đó, đáng chú ý là tình trạng đầu tư trong một số mô hình kinh tế KTCS có nguy cơ bị các tập đoàn đa quốc gia thâu tóm và "lũng đoạn".
Báo cáo cho biết, hiện đang có xu hướng các tập đoàn lớn của nước ngoài với ưu thế về vốn và công nghệ đẩy mạnh mua lại cổ phần chi phối tại các công ty thuộc loại hình KTCS ở Việt Nam. Thậm chí các tập đoàn nước ngoài chấp nhận thua lỗ trong ngắn hạn để chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.
Các nhà đầu tư nước ngoài giữ vai trò dẫn dắt và chi phối các chủ thể tham gia các mô hình kinh doanh chia sẻ ở trong nước và kết nối với mạng lưới các chi nhánh khác ở nước ngoài.
Như đã nêu ở trên, Grabcar, Uber, Fastgo…đã đầu tư đầu tư mở thị trường và phát triển mạng lưới chi phối thị trường dịch vụ vận tải trực tuyến Việt Nam; tương tự, lĩnh vực dịch vụ chia sẻ phòng ở cũng chủ yếu do Airbnb, Expedia,…chi phối. Trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng, thị trường dịch vụ P2P lending đang chủ yếu do các nhà đầu tư có nguồn gốc từ Trung Quốc, Nga, Indonesia, Singapore…chi phối.
Trong khi đó, hệ thống pháp luật lại không theo kịp diễn biến này trên thị trường trong nước, đang để ngỏ nhiều khoảng trống pháp luật. Thậm chí, một số lĩnh vực đã có quy định pháp luật nhưng vẫn còn nhiều lỗ hổng để các doanh nghiệp nước ngoài khai thác, gây bất lợi cho thị trường trong nước.
Ví dụ: Theo luật quản lý ngoại thương năm 2017 và Nghị định số 09/2018/NĐ-CP của chính phủ về hướng dẫn quản lý ngoại thương đối với hoạt động thương mại điện tử có vốn đầu tư nước ngoài, đã quy định nhà đầu tư nước ngoài đã có giấy phép đầu tư kinh doanh thì cần có thêm giấy tờ kinh doanh đối với hoạt động cung cấp thương mại điện tử dưới dạng website (một công cụ trong quản lý ngoại thương). Tuy thế, rào cản thương mại này vẫn còn có lỗ hổng vì chỉ quy định cho website mà không quy định cho ứng dụng điện thoại di động.
Báo cáo nhận định, đây là rủi ro chung đối với tất cả các chủ thể tham gia thị trường KTCS ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, tuy mức độ rủi ro đối với mỗi nhóm chủ thể và từng loại hình KTCS là khác nhau.
Sự hình thành và phát triển nhanh của KTCS tại Việt Nam trong bối cảnh, điều kiện thể chế quản lý thị trường về cơ bản chưa được tạo lập và chưa theo kịp, một số lĩnh vực còn sơ khai. Tình hình đó đồng nghĩa với rủi ro chính sách và pháp lý đối với các chủ thể tham gia thị trường KTCS ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là rất lớn, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.
Do vậy, nếu không khẩn trương ban hành và triển khai chiến lược hỗ trợ doanh nghiệp trong nước thì có thể dẫn đến hiện tượng bị nước ngoài chi phối hoàn toàn thị phần KTCS trong nước. Ngoài ra, các đối tác khác của mô hình KTCS khi không cập nhật được thông tin, công nghệ sẽ trở thành đối tượng yếu thế, mất việc làm … vì không theo kịp hoặc bị hình thức kinh doanh mới thống lĩnh, chiếm thị phần.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.