Kinh tế chia sẻ thời Covid-19: Mối quan hệ cộng sinh giữa chủ nhà và doanh nghiệp

Quang Dân Thứ ba, ngày 07/04/2020 16:06 PM (GMT+7)
Với tình hình dịch Covid-19 hiện nay, nếu chủ nhà làm khó quá, đẩy doanh nghiệp đến đường cùng, họ sẽ phá sản và buộc phải trả nhà hay mặt bằng lại thị không còn tiền thuê nữa, vì thời điểm này rất khó tìm được người thuê mới.
Bình luận 0

Mọi hoạt động kinh tế, trừ sản xuất và buôn bán mặt hàng thiết yếu, đã chính thức tạm ngừng bởi lệnh cách ly toàn xã hội (hiệu lực từ 1/4). Từ việc lượng khách giảm mạnh, nguồn cung nguyên - nhiên liệu không ổn định, doanh thu hằng tháng cũng bị kéo tụt nghiêm trọng.

Cả nước, Chính phủ đã có nhiều động thái đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong lúc khó khăn do Covid-19. Tuy nhiên kinh tế tư nhân vẫn rất khó khăn. Điều kiện vốn ít, quy mô kinh doanh nhỏ thì tiền thuê nhà là một gánh nặng, rất nặng.

Kinh tế chia sẻ thời Covid-19

Trao đổi với Dân Việt, anh Nguyễn Sơn, đại diện Công Ty TNHH Nhà Hàng Nhất Nướng cho biết, tình hình kinh doanh của công ty đã bắt đầu chịu ảnh hưởng từ Nghị định 100. Việc cấm người sử dụng rượu bia lái xe đã góp phần hạn chế bia rượu và có tác động đến lượng khách trực tiếp của các nhà hàng thuộc công ty. Ảnh hưởng này là không nhỏ. 

Tiếp đó, đến thời điểm dịch Covid-19 lên cao điểm, có lệnh cấm các hoạt động kinh doanh không cần thiết, cùng với những thông báo của Bộ Y tế, các cơ quan chức năng để hạn chế thì mới thực sự là ảnh hưởng lớn.

Kinh tế chia sẻ thời Covid-19: Mối quan hệ cộng sinh giữa chủ nhà và người thuê nhà - Ảnh 1.

Chuỗi nhà hàng của Công Ty TNHH Nhà Hàng Nhất Nướng là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề từ tác động của dịch Covi-19. Ảnh: Quang Dân

Đặc biệt là sau lệnh cấm đóng cửa nhà hàng, quán cafe để hạn chế tối ta sự lây lan của dịch tại Hà Nội, chuỗi 4 cửa hàng của công ty đều chấp hành, tuy nhiên công ty vẫn phải chi trả chi phí cố định để duy trì quán đến lúc hoạt động lại, trong đó nặng nhất là mặt bằng.

Trước tình hình đó, công ty có công văn tới chủ cho thuê, nêu ý kiến hỗ trợ tiền thuê nhà và được các chủ nhà đồng ý giảm giá. "Tại hợp đồng đã ký kết với chủ nhà đều có các điều khoản giảm trừ trong những trường hợp bất khả kháng. Lúc đưa ra ý kiến được hỗ trợ tiền nhà, chủ nhà đều đồng ý. Các hợp đồng đều được công ty trả có thời hạn 12 tháng, hiện tại, phần miễn giảm này sẽ được chủ nhà trừ theo hợp đồng tiếp theo, để hạn chế tối đa các thủ tục phát sinh như thuế, trong thời điểm này", anh Sơn cho hay.

Tương tự, anh Lê Văn Mạnh, chủ quán cafe 216 (Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, giá thuê nhà một tháng anh đang thuê là 30 triệu đồng, bao gồm phía trên có phòng cho thuê và tầng trệt dùng làm quán cafe.

Cộng thêm các chi phí thuê nhân viên, tiền điện, tiền nước thì chi phí bỏ ra 1 tháng khoảng 30 triệu đồng.

Tới lúc bị ảnh hưởng vì Covid-19, lượng khách ở quán giảm tới 90%, và kể từ lúc có chỉ thị giãn cách xã hội thì đóng cửa hoàn toàn. Người thuê phòng ở những tầng trên chủ yếu là sinh viên, cũng trả phòng từ tháng 2, từ đó đến nay chưa có ai đến thuê mới để bù khoản thâm hụt này.

"Nợ cũ trả chưa hết, hợp đồng thuê nhà đến tháng 5 này là đáo hạn. Chủ nhà chỉ đồng ý giảm một tháng tiền nhà, trong khi toàn bộ vốn liếng tôi tích góp được bao năm qua đều đổ vào đây hết. Giờ mà không tiếp tục ký mới hợp đồng thì gánh nợ, còn nếu ký hợp đồng mới, với 6 tháng tiền nhà chưa biết sẽ xoay sở ở đâu ra", anh Mạnh buồn bã nói.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu của phóng viên, nhiều chủ nhà cho thuê cũng đang rất khó khăn với tình hình tài chính của mình, đặc biệt là những người thuê nhà rồi cho thuê lại.

Rất nhiều chủ nhà đã sẵn sàng giảm từ 15-20%, thậm chí một số chủ nhà  giảm tới 3 tháng liên tiếp 50%. Tuy nhiên, với những gia đình sống với nguồn thu chủ yếu là khoản cho thuê nhà đó mà lại bị giảm mạnh thì họ khó gật đầu dễ dàng. Quan trọng là sự hài hòa, tìm được tiếng nói chung của 2 bên, chứ không thể ép buộc chủ nhà phải chấp thuận được, vì còn có hợp đồng giao kết ban đầu.

Anh Trần Cảnh ( quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, chủ nhà cũng là những người bị động trong trường hợp này. Nếu doanh nghiệp không thuê, trả lại mặt bằng, doanh nghiệp chỉ mất cọc, nhưng chủ nhà còn mất nhiều hơn, tức là trong thời gian dịch không có ai thuê luôn. Trong giai đoạn này "của ít lòng nhiều", hỗ trợ nhau trong khó khăn còn hơn cả hai bên cùng thua.

Anh Hải Sang (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho một thương hiệu cửa hàng tiện lợi thuê nhà, với giá hơn 50 triệu đồng/tháng chia sẻ, trước tác động tiêu cực do dịch Covid-19 đưa lại, phía thuê đã chủ động gửi văn bản đề nghị được giảm 35% chi phí thuê mặt bằng, với lý do kinh doanh khó khăn.

"Hợp đồng thuê nhà tôi ký với bên thuê 6 tháng, trong hợp đồng vốn không có điều khoản chủ nhà phải giảm giá cho bên thuê nhà trong những trường hợp thế này. Tuy nhiên, trước những khó khăn chung của cả nước, gia đình tôi thì mọi người vẫn đi làm, thu nhập qua nhiều kênh nên khi nhận đề nghị hỗ trợ giảm 35% giá tiền nhà, gia đình tôi chấp nhận khá thoải mái, ai cũng khó khăn, hỗ trợ được chút nào, hay chút ấy", anh sang cho hay.

Mối quan hệ cộng sinh

Trao đổi với Dân Việt về câu chuyện vai trò của nhà nước trong vấn đề này, nhà nước có can thiệp vào hợp đồng thuê nhà giữa chủ nhà và bên thuê nhà hay không? Nhất là khi Chính phủ ra lệnh cách ly toàn xã hội từ chỉ thị 16, luật sư La Văn Thái, Giám đốc Công ty luật TNHH Tầm nhìn và Thịnh vượng cho biết, chỉ thị số 16 của chính phủ không thuộc là trường hợp bất khả kháng, do đó người thuê nhà vẫn phải thực hiện hợp đồng do hai bên ký kết thực hiện với nhau.

Theo luật sư Thái, Chỉ thị 16 được cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc người có thẩm quyền ban hành, cụ thể ở đây là Thủ tướng Chính phủ nên nhà nước không thể có mệnh lệnh hành chính nào để can thiệp vào tiền thuê nhà giữa chủ sở hữu và người thuê nhà, vì đó là giao dịch dân sự.

Chúng ta đang tiến lên cơ chế thị trường, mà cơ chế thị trường là tự do tự nguyện thỏa thuận của các bên. Do vậy, ông Thái nhận định, để hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về chi phí mặt bằng, nhà nước chỉ có thể ra lời kêu gọi, khuyến nghị, đề nghị chủ sở hữu tương trợ cho người thuê nhà chứ không thể dùng mệnh lệnh hành chính bắt buộc.

Kinh tế chia sẻ thời Covid-19: Mối quan hệ cộng sinh giữa chủ nhà và người thuê nhà - Ảnh 2.

Nhiều mặt bằng đẹp được chủ nhà treo biển cho thuê giữa mùa dịch Covid-19

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cũng cho rằng mặc dù nhà nước ra lệnh cách ly toàn xã hội, đóng cửa các dịch vụ kinh doạnh không hợp pháp, tuy nhiên để can thiệp vào thỏa thuận thuê nhà là điều rất khó.

Theo ông Thành, trước tác động của dịch Covid -19, Chính phủ đã có hai chiều hỗ trợ. Một chiều cho doanh nghiệp, một chiều cho lao động đang gặp khó khăn. Ngoài ra còn có thỏa thuận của thị trường, nếu mà nhà nước can thiệp quá sâu thì nguồn lực không có. Đồng thời, tìm hiểu thống kê ra từng đối tượng thuê nhà cụ thể, để có đối ứng cũng là câu hỏi khó có thể trả lời trong một sớm một chiều.

Tương tự, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nhận định đây là tự nguyện thỏa thuận giữa hai bên với nhau, thuộc về trách nhiệm dân sự.

Mặc khác, hợp đồng thuê nhà là trả trước, ở sau, tùy thuộc vào hợp đồng, có người ký 3 tháng, 6 tháng, 1 năm và đi kèm các điều khoản cụ thể. Ngay cả trường hợp bất khả kháng những hợp đồng không quy định rõ thì bên thuê nhà vẫn phải có trách nhiệm thanh toán đầy đủ tiền thuê nhà cho bên chủ sở hữu.

"Nghĩa là, chủ nhà không chấp nhận miễn, giảm tiền thuê nhà cho bên thuê thì bên thuê cũng phải chấp nhận vì tiền nhà đã đưa trước rồi, anh không muốn thuê nữa thì hết hợt đồng anh phải đi khỏi nhà tôi. Trên cơ sở đó hai bên chỉ có giải pháp là tự đàm phán với nhau, chia sẻ rủi ro với nhau mà thôi". ông Long nói.

Có thể gọi mối quan hệ của doanh nghiệp với nhà cung cấp, chủ nhà và các đối tác khác trong thời điểm này là mối quan hệ cộng sinh. Tuy nhiên, nhiều chủ nhà, chủ doanh nghiệp và nhà cung cấp chưa hiểu rõ mối quan hệ đó, dẫn đến việc hợp tác chưa được tốt trong thời kỳ này.

Nếu chủ nhà làm khó quá, đẩy doanh nghiệp đến đường cùng, họ sẽ phá sản và buộc phải trả nhà hay mặt bằng lại, ông chủ nhà cũng không còn tiền thuê nữa, vì thời điểm này rất khó tìm được người thuê mới. Thay vào đó, họ nên hỗ trợ nhau, cùng nhau vượt qua được giai đoạn khó khăn thì sau này chắc chắn sẽ ổn.

Ngoài ra, để gỡ khó cho doanh nghiệp, ông Long cho rằng, trước tình hình này, hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân cần nắm bắt kịp thời thông tin từ các gói giải cứu của Chính phủ, là kinh doanh, gói tài chính, tiền tệ và gói an sinh. Tùy từng đối tượng mà những gói này có những cách thức giải ngân khách nhau.

"Ví dụ như gói tiền tệ, chủ yếu là dãn, hoãn, không phân loại nhóm nợ và giảm lãi suất; thuế được lùi lại chưa phải nộp... tận dụng khoảng thời gian đóng cửa này, chủ doanh nghiệp tư nhân hay hộ kinh doanh nên ngồi tính toán lại mình thuộc nhóm đối tượng được hỗ trợ nào, từ đó tìm cách tiếp cận những nguồn hỗ trợ chính xác nhất, nhanh nhất để giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp mình đang gặp phải", PGS.TS Ngô Trí Long nhấn mạnh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem