Nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu đang dựa vào ngân hàng để che mắt nhà đầu tư (!?)

Quốc Hải Thứ hai, ngày 16/08/2021 17:36 PM (GMT+7)
Nhiều doanh nghiệp (DN) dù có quy mô nhỏ và vừa, với tình hình tài chính không mấy sáng sủa, không có xếp hạng tín nhiệm, thậm chí là không minh bạch thông tin cũng huy động vốn thành công qua kênh phát hành trái phiếu…
Bình luận 0

Số liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, 7 tháng đầu năm 2021, tổng giá trị phát hành trái phiếu đạt 235.094 tỷ đồng. Trong đó, nhóm ngân hàng và bất động sản phát hành thành công tới 170.800 tỷ đồng, chiếm 72,7% tổng giá trị phát hành.

Phát hành trái phiếu: Các doanh nghiệp đang dựa vào hình ảnh của ngân hàng để "che mắt" nhà đầu tư (!?) - Ảnh 1.

Tọa đàm trực tuyến về Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp: "Cân bằng lợi ích giữa nhà phát hành và nhà đầu tư" diễn ra hôm nay 16/8 (Ảnh chụp màn hình)

Rủi ro lớn với trái phiếu doanh nghiệp…

Cụ thể, theo VBMA, trong 7 tháng đầu năm 2021 có tổng cộng 376 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị đạt 235.094 tỷ đồng. Trong đó, có 363 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị phát hành là 225.509 tỷ đồng; 13 đợt phát hành ra công chúng giá trị 9.584 tỷ đồng và 3 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế tổng giá trị 1 tỷ USD.

Nhóm các ngân hàng thương mại dẫn đầu thị trường với tổng giá trị phát hành đạt 95.000 tỷ đồng.

Nhóm bất động sản xếp vị trí thứ hai, với tổng khối lượng phát hành 75.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong tổng số trái phiếu bất động sản phát hành này, có khoảng 15% trái phiếu không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu.

Phát hành trái phiếu: Các doanh nghiệp đang dựa vào hình ảnh của ngân hàng để "che mắt" nhà đầu tư (!?) - Ảnh 2.

Kênh phát hành trái phiếu giúp các DN hút nguồn vốn đầu tư trong thời gian qua khi các kênh tín dụng bị "siết" lại (Ảnh: tinnhanhchungkhoan.vn)

Tại buổi tọa đàm trực tuyến Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp: "Cân bằng lợi ích giữa nhà phát hành và nhà đầu tư" diễn ra hôm nay 16/8, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cho hay, đầu tư trái phiếu đang rất rủi ro bởi các doanh nghiệp dường như đang dựa vào hình ảnh của ngân hàng để "che mắt" nhà đầu tư.

Lý giải về nhận định này, ông Hiếu cho hay, hiện đa số người dân, nhà đầu tư nhỏ lẻ đang tiếp cận trái phiếu doanh nghiệp vì họ thấy bóng dáng của ngân hàng "đứng đằng sau" trái phiếu. Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ số ít trái phiếu được ngân hàng bảo lãnh thanh toán, tức nhà đầu tư mua trái phiếu của nhà phát hành, trong trường hợp rủi ro, nhà phát hành không trả được nợ, thì ngân hàng sẽ trả thay.

Còn lại, phần lớn số trái phiếu chỉ được bảo lãnh phát hành. Nghĩa là, nếu phát hành không hết, ngân hàng sẽ cam kết mua toàn bộ số trái phiếu còn lại. Đồng nghĩa rủi ro với nhà đầu tư rất lớn nếu doanh nghiệp phát hành vỡ nợ.

"Hiện nay, lượng trái phiếu đang lưu thông trên thị trường chủ yếu không có tài sản bảo đảm hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu. Trong khi, cổ phiếu thì biến động theo thị trường. Trường hợp là tài sản bảo đảm khác thì nhà đầu tư cũng không có quyền lực để thu giữ tài sản bảo đảm như ngân hàng. Đặc biệt, trường hợp xấu nhất là khi doanh nghiệp bị vỡ nợ, tài sản bảo đảm cũng sẽ phải trả theo thứ tự ưu tiên: Trả thuế cho Chính phủ; trả lương cho người lao động; trả nợ ngân hàng… và cuối cùng mới đến người mua trái phiếu", ông Hiếu nói.

Phát hành trái phiếu: Các doanh nghiệp đang dựa vào hình ảnh của ngân hàng để "che mắt" nhà đầu tư (!?) - Ảnh 3.

Top 10 DN BĐS phát hành trái phiếu trong 6 tháng đầu năm (Nguồn: SSI Research)

Còn theo TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, thì cho rằng, cơ cấu nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp hiện có rất nhiều vấn đề. Tỷ trọng "gom" trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng giảm từ 35% năm 2018 xuống 17,4% năm 2019 và lên 25% trong nửa đầu năm 2021 (không có số liệu năm 2020). Trong khi đó, tỷ trọng mua của các công ty chứng khoán luôn duy trì ở mức cao 39,4% năm 2018, 44,1% năm 2019 và 44,4% nửa đầu năm 2021.

"Số liệu này cho thấy các ngân hàng không "ôm" nhiều trái phiếu DN như chúng ta tưởng mà các công ty chứng khoán và nhà đầu tư cá nhân mới là những nhà đầu tư chính trên thị trường", ông Lực nhấn mạnh.

Phát hành trái phiếu: Các doanh nghiệp đang dựa vào hình ảnh của ngân hàng để "che mắt" nhà đầu tư (!?) - Ảnh 4.

Tỷ lệ trái phiếu phân theo mức độ có tài sản đảm bảo trong 6 tháng đầu năm 2021 (Nguồn: SSI Research)

Cũng theo chuyên gia này, rủi ro với trái phiếu doanh nghiệp đang tăng lên. Loại trừ các trái phiếu ngân hàng và định chế tài chính khác hầu hết là không có tài sản đảm bảo, các trái phiếu doanh nghiệp còn lại được phát hành trong 6 tháng đầu năm 2021 cũng có tới 28% trái phiếu doanh nghiệp là không có tài sản đảm bảo.

Không kiểm soát tốt, nguy cơ vỡ "cục nợ" trái phiếu trong 3-5 năm tới

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT Fiin Ratings (FiinGroup) cho hay, theo quan sát của Fiin Ratings trong hơn 10 năm qua, các doanh nghiệp, tổ chức phát hành thì… "vàng thau lẫn lộn", còn nhà đầu tư chủ yếu nhìn lãi suất cao để đầu tư mà trong đó đều đa phần là công ty dự án, ít doanh nghiệp có thương hiệu, hồ sơ tốt… vì thế rủi ro rất cao.

Thêm vào đó, hiện tại cũng đang thiếu thị trường sơ cấp. Trong khi đó, trên thị trường thứ cấp, giao dịch chủ yếu OTC, giao dịch sang tay, tại công ty chứng khoán.

"Thị trường trái phiếu, theo thông lệ quốc tế, thanh khoản không thể lớn như thị trường chứng khoán được. Một bộ phận nhà đầu tư cần về thanh khoản, cần tài chính có thể bán ngay, lợi tức có thể thay đổi", ông Thuân nói. Vì vậy, theo chuyên gia này, nếu không kiểm soát tốt, 3-5 năm tới rủi ro có thể xảy ra cho thị trường tài chính Việt Nam chính là cục nợ trái phiếu này.

Còn theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, để đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường trái phiếu nói riêng và thị trường vốn nói chung, đòi hỏi sự phát triển đồng bộ của tất cả các thành phần tham gia vào sự vận hành của thị trường.

Tuy nhiên, dù ở góc độ nào, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư, đều phải đặt ra bài toán cân bằng giữa rủi ro và lợi ích.

"Điều quan trọng nhất hiện nay là khung pháp lý phải đảm bảo các thông tin trong quá trình vận hành của các bên đều minh bạch, chính xác. Doanh nghiệp nào công bố thông tin sai, thiếu minh bạch, thì hệ thống pháp lý phải có khả năng giám sát, kiểm tra. Đồng thời, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, những hành vi cố tình bóp méo thông tin trên thị trường để lừa đảo, dẫn dắt các nhà đầu tư đi sai hướng…", ông Quỳnh nói.

Trái phiếu vẫn "hút" khách nhờ lãi suất

Hiện, mặt bằng lãi suất huy động tiền gửi bằng VND ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 2,85-4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng; 3-4%/năm với kỳ hạn 3 tháng; 4-6,25% với tiền gửi có kỳ hạn 6 tháng; 4-6,4% đối với tiền gửi có kỳ hạn 9 tháng; 4,7-6,8% với tiền gửi có kỳ hạn 12 tháng; 5-7% đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 13-36 tháng.

Nhìn chung, lãi suất huy động đã giảm 1,5-2,5 điểm phần trăm trong hơn 1 năm qua, thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.

Trong khi đó, lãi suất phát hành bình quân của trái phiếu doanh nghiệp (trừ trái phiếu ngân hàng) trong quý 2/2021 là 9,95%/năm, giảm 0,33 điểm phần trăm so với quý đầu năm. Có thể thấy, dù lãi suất phát hành trái phiếu có giảm nhưng mức giảm rất nhỏ so với đà giảm sâu của lãi suất huy động.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem