Ước tính mỗi ngày Công ty TNHH Pangrim Neotex, Bến Gót, TP.Việt Trì xả hơn 2.000m3 nước thải đầu độc sông Hồng. Cùng với công ty này trong danh sách những cơ sở cần xử lý triệt để ô nhiễm theo quyết định của Thủ tướng còn có Công ty TNHH Miwon Việt Nam, Công ty Khoáng sản Khải Hoàn...
|
Sông Thị Vải bị Vedan “bức tử”. Ảnh: Quỳnh Minh |
Nhà máy tuyển quặng sắt của Công ty cổ phần Khoáng sản Hoàng Anh Gia Lai vận hành từ cuối năm 2007, làm nước thải lan ra sông Ba, tạo thành dòng màu đỏ, đục ngầu kéo dài từ huyện Kbang đến huyện Kông Chro - Gia Lai.
Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi xả nước thải trực tiếp ra sông Trà Khúc, từ xã Tịnh An đến xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh, khiến cá phơi bụng nằm dày đặc...
Nước thải của Công ty Sabeco Sông Lam đổ ra ngoài mương thoát nước chung của khu công nghiệp, khiến người dân xã Hưng Đông, TP.Vinh, Nghệ An phải bỏ ruộng, không đánh bắt được cá.
Nhiều nhà máy, xí nghiệp lấp hệ thống dẫn nước, gây cản trở dòng chảy, khiến hầu hết ruộng đồng của các xã ven Quốc lộ 5 và 39 ở huyện Văn Lâm, Mỹ Hào, Yên Mỹ (Hưng Yên) ngập úng chỉ sau một trận mưa lớn. Nước thải làm ô nhiễm nguồn nước tưới, khiến hàng trăm ha đất canh tác màu mỡ phải bỏ hoang.
|
Việc quản lý môi trường ở sông La Ngà bị phân tán theo địa phương. |
Hệ thống sông Đồng Nai đi qua 12 tỉnh, thành. Lưu vực sông đang "chứa" 103 khu công nghiệp, khu chế xuất và hàng loạt các khu, cụm công nghiệp với diện tích khoảng 34.000ha. Nguồn nước mặt của hệ thống sông Đồng Nai bị ô nhiễm nghiêm trọng, trong khi nhiều nhà máy xử lý nước sinh hoạt đã lấy nước từ sông này phục vụ cho hàng triệu người dân ở các đô thị lớn như Biên Hòa (Đồng Nai), Thủ Dầu Một (Bình Dương) và TP.HCM...
Chống ô nhiễm, không thể quản lý lưu vực sông theo địa giới hành chính
Phó khoa Luật môi trường - Đại học Luật TP.HCM Phạm Văn Võ cho rằng: Tư duy quản lý lưu vực sông theo địa giới hành chính là một bất cập khiến khu vực hạ nguồn phải hứng chịu nhiều hậu quả do ô nhiễm từ thượng nguồn gây ra. Trong khi đó, Luật Tài nguyên nước đã nêu, lưu vực sông là một thể thống nhất". Theo ông Võ: Để việc quản lý môi trường các con sông được hiệu quả, ngoài việc các địa phương nghiêm túc kiểm tra, giám sát các nguồn gây ô nhiễm, phải thay đổi phương thức quản lý cắt khúc theo địa giới hành chính như hiện hành. Phải thành lập những tổ chức đủ thẩm quyền theo dõi, kiểm soát và xử phạt những đơn vị gây ô nhiễm ở lưu vực. Có như vậy mới mong khắc phục được những tồn tại trong quản lý hiện nay.
Quỳnh Minh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.