Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 của Tập đoàn Novaland
Tập đoàn Novaland vừa tổ chức thành công đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018. Tại đại hội, những thắc mắc về kết quả kinh doanh, con số nợ vay “khủng”, kế hoạch niêm yết sàn chứng khoán Singapore... đã được giải đáp cặn kẽ cho cổ đông.
Bàn giao thiếu 4 dự án vì ... Thanh tra Chính phủ
Theo báo cáo của HĐQT Tập đoàn Novaland, kết quả kinh doanh năm 2017 vẫn ghi nhận mức tăng trưởng tích cực. Doanh thu thuần (DTT) và lợi nhuận sau thuế (LNST) tăng lần lượt là 58% và 24% so với năm 2016, đạt lần lượt 11.632 tỷ đồng và 2.062 tỷ đồng. Ngoài ra, tỷ lệ Lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao và Lợi nhuận trước lãi vay và thuế tăng trưởng lần lượt 180% và 199% so với năm 2016, do tác động từ khoản lãi vay và khấu hao với mức tăng lần lượt là 40% và 114% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Cơ cấu doanh thu của Novaland năm 2017 đã có sự chuyển biến mạnh mẽ khi 94% doanh thu đến từ mảng kinh doanh bất động sản. Do hoạt động kinh doanh của Tập đoàn chủ yếu diễn ra trong nước, sự tác động của tỷ giá hối đoái đến từ các khoản vay nước ngoài không đáng kể, chỉ chiếm 0,04% doanh thu thuần”, ông Bùi Xuân Huy, Tổng Giám đốc Novaland.
Mặc dù vậy, kết thúc năm 2017, DTT và LNST của Tập đoàn vẫn chỉ đạt gần 70% kế hoạch. Nguyên nhân là do bối cảnh kinh tế nhiều khó khăn, thách thức và thực hiện tái cấu trúc Tập đoàn. Đặc biệt, trong năm 2017, với việc Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa đã khiến cho việc nộp tiền sử dụng đất cho các dự án của Novaland bị chậm tiến độ hơn so với dự kiến. Vì thế, lẽ ra theo kế hoạch thì năm 2017 Novaland sẽ bàn giao 11 dự án nhưng thực tế mới chỉ bàn giao được 7 dự án.
“Tháng 11.2017, Tập đoàn đã kiến nghị UBND TP.HCM xem xét giải quyết cho được sớm nộp tiền sử dụng đất, tiền sử dụng đất phát sinh bổ sung, kể cả các trường hợp xin được tạm nộp tiền sử dụng đất và cam kết nộp tiền sử dụng đất bổ sung (nếu có) của 14 dự án. Điều này đã cho thấy những nỗ lực của Tập đoàn trong việc thực hiện đúng cam kết bàn giao nhà đúng hạn cho khách hàng”, ông Huy, thông tin thêm.
Còn ông Phan Lê Hòa, Giám đốc khối Tài chính Kế toán thì cho biết thêm, ở 11 dự án thì hầu hết tỷ lệ bán hàng đều đạt trên 90% thậm chí có dự án đã bán 99%. Các dự án BĐS khi bàn giao thì tập đoàn mới được hạch toán doanh thu và lợi nhuận. Hiện tổng doanh số bán hàng đang nằm ở khoản khách hàng trả tiền trước và sẽ trở thành doanh thu vào 2018-2019.
“Căn cứ vào tiến độ đang triển khai và các dự án trước đây của Novaland đều vượt 3-6 tháng tiến độ nên Tập đoàn tự tin với các dự án bàn giao đúng hạn, đem lại doanh thu cho công ty năm 2018 ước tính vào khoảng 900 triệu USD và sang năm 2019 vào khoảng trên 1 tỷ USD”, ông Hòa nói.
Tại đại hội, Novaland cũng công bố điều chỉnh kế hoạch năm 2018 với doanh thu dự kiến đạt 21.780 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.200 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 87% và 55% so với cùng kỳ năm 2017.
“Sức khỏe” tài chính của Novaland thực sự thế nào?
Nhìn vào BCTC của Novaland, có thể thấy, trong năm 2017 dù biên lợi nhuận ròng giảm do tác động của chi phí lãi vay, song hiệu suất sử dụng tài sản có cải thiện tăng từ 23% lên đến 27%. Ngoài ra, hệ số ROE năm 2017 của Tập đoàn đạt 18%, cao hơn so với ROE trung bình ngành là 12%. Tổng tài sản (TTS) của Tập đoàn đến hết năm 2017 đạt 49.467 tỷ VND, gần 2,2 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2016 chủ yếu đến từ Tiền và các khoản tương đương tiền (Tiền mặt), hàng tồn kho (tại thời điểm cuối năm 2017 là 27.129 tỷ VND, tăng 72% so với cùng kỳ), BĐS đầu tư và Các khoản đầu tư tài chính dài hạn. Tài sản ngắn hạn chiếm 83% trong cơ cấu TTS, trong đó tiền mặt tăng gấp đôi từ 3.337 tỷ đồng lên 6.650 tỷ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả chiếm 73% trong tổng nguồn vốn, tương đương năm 2016. Nợ ngắn hạn ghi nhận mức 22.659 tỷ đồng, chiếm 63% nợ phải trả, trong đó Người mua trả tiền trước ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn là 34%, tăng 49% so với đầu năm, thông qua việc công bố thành công hàng loạt dự án. Đây là các khoản tiền trả trước hay đặt cọc của khách hàng theo các hợp đồng chuyển nhượng BĐS từ các dự án của Tập đoàn. Các khoản tiền này sẽ được ghi nhận là doanh thu khi Tập đoàn hoàn thành và bàn giao sản phẩm hoàn thiện cho khách hàng.
Với 13 dự án đang phát triển, các hoạt động M&A để mở rộng quỹ đất, Tập đoàn cần một nguồn vốn đủ lớn để hỗ trợ hoàn thiện dự án và giao nhà đúng cam kết. Tổng vay và nợ thuê tài chính năm 2017 là 17.950 tỷ đồng, chiếm 50% nợ phải trả, giảm nhẹ so với năm 2016. Hệ số nợ/VCSH và Hệ số nợ/TTS lần lượt là 1,35 và 0,36 lần.
Để đa dạng hóa cấu trúc tài chính, Novaland đã chủ động xây dựng mối quan hệ tốt với các tổ chức tín dụng, định chế tài chính danh tiếng trong và nước ngoài để thu xếp nguồn vốn phù hợp, thông qua các khoản vay hoặc phát hành Trái phiếu nhằm phân bổ nguồn vốn phát triển dự án và các hoạt động M&A.
Cụ thể, vốn chủ sở hữu đến 31.12.2017 tăng 32% so với cuối năm 2016, từ 10.047 tỷ đồng lên 13.256 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ tăng từ 5.962 tỷ đồng lên 6.497tỷ đồng, tương đương 9% thông qua 2 đợt tăng vốn: (1) Phát hành thành công 33,46 triệu cổ phần riêng lẻ để hoán đổi cho khoản vay 60 triệu USD tại Ngân hàng Credit Suisse AG, Chi nhánh Singapore và (2) Phát hành 20 triệu cổ phần ESOP dành cho cán bộ nhân viên.
Tiềm năng tăng trưởng của cổ phiếu NVL được đánh giá trên yếu tố nội lực và ngoại lực
Về nội lực, hiện tại công ty đã sở hữu một danh mục với hơn 40 dự án (bao gồm cả quỹ đất), trong đó có 15 dự án đã hoàn thành và 13 dự án đang trong giai đoạn phát triển. Tỷ lệ khách hàng lựa chọn sản phẩm của Novaland đến cuối thời điểm 31.12.2017 đạt 94% chứng tỏ được năng lực của đội ngũ bán hàng công ty cũng như sự tin tưởng của khách hàng đối với các sản phẩm mang thương hiệu Novaland.
Thế mạnh về khả năng huy động vốn của Novaland. Cấu trúc tài chính an toàn đã giúp Tập đoàn có thể linh hoạt tiếp cận các nguồn vốn trong nước và quốc tế, đa dạng hóa nguồn vốn cho các hoạt động kinh doanh bằng các khoản vay, phát hành trái phiếu và cổ phiếu, đảm bảo nguồn tài chính ổn định nhằm phát triển dự án.
Thế mạnh về Quỹ đất lớn 6,2 triệu m2 ở tại các khu vực trọng điểm của Thành phố trong tình hình quỹ đất đẹp tại khu vực TP.HCM đang ngày một trở nên khan hiếm là cơ sở đảm bảo công ty hoạt động ổn định trong 7-10 năm tới.
Về ngoại lực, thị trường BĐS bước vào giai đoạn tăng trưởng ổn định từ năm 2017. TP.HCM có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, cơ cấu dân số vàng, thu nhập bình quân đầu người ngày càng cải thiện. Chính sách ưu tiên phát triển hạ tầng ở TP.HCM của Chính phủ. Nhu cầu mua nhà để ở và đầu tư trong phân khúc nhà ở trung cao cấp luôn cao do có tính thanh khoản tốt.
Dựa vào những nguồn lực trên chúng tôi tin tưởng rằng, giá trị cổ phiếu NVL sẽ tăng trưởng bền vững theo thời gian.
Ông Bùi Xuân Huy, Tổng Giám đốc Novaland
Novaland sẽ giải quyết thế nào với con số nợ hiện tại?
Việc sử dụng đòn bẩy tài chính một cách linh hoạt và đa dạng đã và đang giúp Tập đoàn Novaland phát huy tiềm lực vốn có cũng như tận dụng tối đa các nguồn lực tài chính bên ngoài với chi phí hợp lý, để có thể đồng thời triển khai hàng loạt các dự án trong dài hạn.
Các chỉ tiêu về cơ cấu vốn bao gồm Tổng nợ trên Tổng tài sản và Tổng nợ trên VCSH đang duy trì ở mức hợp lý. Cụ thể việc Công ty có thể phát hành Trái phiếu quốc tế và niêm yết tại thị trường Singapore là minh chứng cho việc các chỉ số này được các tổ chức quốc tế chứng nhận là nằm trong giới hạn cho phép. Điều này góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển vượt trội của Công ty, thể hiện qua sự tăng trưởng tích cực của Tập đoàn trong thời gian qua.
Tại Novaland, công tác quản trị rủi ro được triển khai rất chặt chẽ, nhất là trong lĩnh vực tài chính, các chỉ số tài chính bền vững luôn được tuân thủ nghiêm ngặt. Cụ thể hơn, để có thể huy động được nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng nước ngoài với chi phí thấp hơn, Công ty phải luôn cam kết tuân thủ chặt chẽ các chỉ số về năng lực trả nợ như DSCR (Hệ số trả nợ vay), Tổng nợ hợp nhất/Tổng tài sản hợp nhất, Tổng nợ ròng hợp nhất/Tổng tài sản hợp nhất. Thực tế, trong các chứng chỉ tuân thủ định kỳ hàng quý được kiểm toán cung cấp cho các nhà đầu tư nước ngoài, các chỉ số này của Công ty luôn được duy trì ở mức thấp hơn so với giới hạn cho phép.
Những nỗ lực này đã góp phần củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng như duy trì hình ảnh về một công ty minh bạch trên thị trường vốn quốc tế.
Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Novaland
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.