Novaland đang xin ý kiến cổ đông để niêm yết chứng khoán ra nước ngoài (Ảnh: IT)
Niêm yết sàn ngoại, “giấc mơ” của nhiều doanh nghiệp Việt
Câu chuyện doanh nghiệp Việt tính đến việc niêm yết trên sàn chứng khoán ngoại không phải là điều xa lạ. Còn nhớ, nhiều doanh nghiệp Việt tên tuổi trên thị trường như VNM, SSI, FLC, Kinh Đô… đã từng rầm rộ tính đến chuyện niêm yết trên sàn chứng khoán ngoại nhưng các “giấc mơ” đó đều chưa thành hiện thực. Điển hình như trường hợp của VNM (Vinamilk), tháng 10.2008, doanh nghiệp này đã nhận được Thư chấp thuận niêm yết từ Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore (SGX-ST) về việc phát hành và niêm yết 8.763.784 cổ phiếu phổ thông mới của VNM trong danh sách trên sàn giao dịch chính thức của SGX-ST. Tuy nhiên, sau đó việc niêm yết này đã không thành hiện thực.
Mới đây nhất, hồi đầu tháng 7.2017, Công ty Cổ phần VNG (Vinagame) đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) với Sở Giao dịch Chứng khoán NASDAQ (Mỹ) để tiến hành IPO và niêm yết cổ phiếu tại sàn NASDAQ. Tuy nhiên, đến nay kế hoạch niêm yết trên sàn NASDAQ của VNG đến nay vẫn chưa có bất cứ thông tin mới gì.
Việc NVL tính đến chuyện niêm yết chứng khoán trên sàn ngoại trong thời điểm này, theo đánh giá của một số chuyên gia chứng khoán, có thể chứng khoán này là các trái phiếu trong lô 250 triệu USD vừa được NVL xin ý kiến cổ đông để phát hành. Bởi thực tế, câu chuyện về việc niêm yết cố phiếu ở nước ngoài sẽ khó khả thi hơn so với niêm yết trái phiếu. Còn nếu thực sự lần này NVL niêm yết trái phiếu ở nước ngoài trong lô 250 triệu USD thì đây không phải là chuyện lạ vì trong quá khứ, khá nhiều doanh nghiệp và ngân hàng của Việt Nam đã từng niêm yết trái phiếu tại Singapore như: Vingroup, Hoàng Anh Gia Lai, Vietinbank...
Trong khi đó, những thông tin về đợt niêm yết ra nước ngoài này dường như không hỗ trợ tích cực gì cho đã tăng của cổ phiếu NVL. Trong 4 phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu NVL liên tục “đỏ sàn”, từ mức giá 81.800 đồng/CP về 79.000 đồng/CP. Tuy nhiên, mức giá này cũng tăng khá mạnh, cao hơn nhiều so với vùng giá 61.000 - 62.000 đồng/CP hồi cuối năm 2017.
Cơ hội gì khi mang cổ phiếu đi... “xuất ngoại”?
Xét một cách tổng thể, về lợi ích, việc niêm yết tài sản nước ngoài sẽ giúp doanh nghiệp huy động thêm nguồn vốn từ nước ngoài, đáp ứng nhu cầu huy động vốn của doanh nghiệp; quảng bá hình ảnh doanh nghiệp và mở rộng thị trường tiêu thụ; nâng cao giá trị của cổ phiếu niêm yết;... Về vấn đề này, Tiến sỹ - Luật sư Bùi Quang Tín, cho rằng, cơ chế pháp lý thời điểm hiện tại của pháp luật Việt Nam đã mở rất rộng, rất thuận lợi cho các DN với Nghị định 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung cho Nghị định 58/2012/NĐ-CP; sau đó, Bộ Tài Chính cũng có Thông tư 162 hướng dẫn cho Nghị định 60/2015/NĐ-CP, trong đó đã quy định chi tiết, rõ ràng cho các DN muốn niêm yết trên sàn nước ngoài.
Cụ thể, theo ông Tín, về cơ hội, việc niêm yết trên sàn nước ngoài sẽ tạo điều kiện cho DN Việt huy động nguồn vốn nước ngoài mạnh mẽ, các cổ đông trong nước cũng có cái lợi là khi cổ phiếu niêm yết trên sàn nước ngoài thì giá cổ phiếu sẽ tăng lên vì thanh khoản của nước ngoài lớn hơn thị trường Việt Nam rất nhiều; đặc biệt sự quan tâm của các quỹ đầu tư rất lớn, nếu DN làm ăn hiệu quả thì cổ phiếu sẽ tăng rất cao và cổ đông trong nước sẽ có lợi.
“Tuy nhiên, sàn giao dịch nước ngoài cũng có quy định chặt chẽ về điều kiện niêm yết, thông báo thông tin, giao dịch nội bộ cũng phải thông báo rõ ràng trên sàn. Kế đến là chi phí giao dịch rất lớn, chi phí lưu ký, chi phí niêm yết cũng lớn so với sàn Việt Nam. Và cuối cùng, công nghệ để kết nối thông tin giữa sàn nước ngoài với DN trong nước đòi hỏi phải chặt chẽ hơn so với trong nước nên DN sẽ phải đầu tư mạnh hơn”, ông Tín lưu ý về những khó khăn khi DN Việt muốn niêm yết trên sàn ngoại.
Trước đó, Hội đồng Quản trị Novaland cũng đã thông qua Nghị quyết phát hành thêm tối đa 100 triệu cổ phần ưu đãi cổ tức chuyển đổi năm 2018 thay vì 23 triệu cổ phiếu như đã trình Đại hội Đồng Cổ đông trước đó. Tổng số vốn điều lệ sau phát hành tăng thêm 1.000 tỷ đồng lên 7.296,5 tỷ đồng. Dự kiến, thời gian thực hiện phát hành trong năm 2018, tổng số tiền thu được từ đợt chào bán khoảng 5.000 tỷ đồng. Việc phát hành cổ phần được trích từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Về phương thức phát hành trái phiếu chuyển đổi, Novaland thông qua lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản tăng giá trị phát hành trái phiếu từ 100 triệu USD (tương đương 2.275 tỷ đồng) lên 250 triệu USD (5.675 tỷ đồng). Đồng thời, Novaland lùi thời gian thực hiện sang năm 2018 thay vì nửa cuối năm 2017 như Nghị quyết tại Đại hội Đồng cổ đông.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.