Không đủ học viên đến lớp
Đầu năm mới Tân Mão, nhiều trung tâm dạy nghề đã kết thúc các chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) trong năm 2010 và chuẩn bị lên kế hoạch đào tạo nghề cho năm 2011.
|
Lớp học trồng thuốc lá ở Chi Lăng, Lạng Sơn. |
Ông Lê Quang Hồng - Trưởng phòng Dạy nghề (Sở LĐ-TB&XH Lạng Sơn) cho biết: “Cho đến thời điểm này, tỉnh Lạng Sơn đã cơ bản xong 90% chương trình đào tạo nghề cho LĐNT trong năm 2010. Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục dạy một số nghề như trồng na dai, trồng cây thuốc lá ở Chi Lăng…, đồng thời xây dựng chương trình đào tạo nghề cho năm 2011”.
Tuy nhiên, lớp học “vắt từ năm cũ sang năm mới” cũng có nhiều cái dở dang. Theo ông Hồng, thời điểm giáp Tết thì đa phần nông dân tập trung vào chăm sóc các nông sản để chuẩn bị tung ra vào dịp Tết. Sau Tết thì lại tới những ngày chơi bời, hội hè, đình đám. “Có nơi hội làng, hội chùa kéo dài tới hết tháng Giêng. Điều này khiến việc tổ chức dạy nghề cho LĐNT rất khó khăn”- ông Hồng chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Huệ - học viên lớp kỹ thuật trồng na dai (Chi Lăng, Lạng Sơn) tâm sự: “Chúng tôi biết việc bỏ học không lên lớp là không tốt, làm ảnh hưởng đến việc học của các học viên khác. Nhưng chú nghĩ xem, người nông dân cả năm chăm sóc cây ăn quả, chăm sóc con gà, con lợn… chỉ chờ đến Tết bán ra kiếm lời. Trời thì rét như thế này, sơ sẩy một cái là mất Tết như chơi. Sau Tết thì cả nước chơi hội, chúng tôi cũng thế”.
Tương tự, nhiều lớp học trồng cây thuốc lá ở Lào Cai, Gia Lai… cũng được tổ chức vào áp Tết, việc duy trì sĩ số đang là bài toán nan giải cho đơn vị tổ chức.
Điều chỉnh lịch học, tránh thời vụ nhà nông
Tình trạng trước và sau Tết, học viên ngại đến lớp không phải năm nay mới có mà đã xảy ra từ nhiều năm trước. Để đảm bảo thu nhập cho bà con, đồng thời không ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo nghề, nhiều trung tâm dạy nghề đã thay đổi thời gian học, chương trình học…
Khai giảng sớm, dạy nghề tránh trùng với thời điểm nông dân vào vụ, hoặc đang trong quá trình sản xuất cao độ là cách mà nhiều trung tâm dạy nghề thực hiện để đảm bảo chất lượng dạy nghề và quyền lợi của bà con nông dân.
Ông Lê Quang Hồng
Ông Đăng Cao Thực - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) cho biết: “Bình Xuyên là nơi tập trung khá nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ, vào dịp Tết, người dân ở đây rất bận rộn với việc sản xuất hàng hóa phục vụ Tết. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay chúng tôi đã thống nhất kết thúc khai giảng các lớp đào tạo nghề cho LĐNT từ tháng 10”.
Tuy nhiên, đặc thù của nhiều nghề nông nghiệp là phải dạy theo thời vụ. Ví dụ như dạy trồng rau vụ đông, trồng thuốc lá phải “theo” cả một quy trình, không phải trung tâm dạy nghề nào cũng có thể tiến hành khai giảng sớm, nên phải thay đổi chương trình học để đảm bảo không ảnh hưởng đến sản xuất của bà con và không ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo nghề.
Ông Lê Quang Hồng - cho biết: “Tháng 11, Sở LĐ-TB&XH Lạng Sơn phối hợp với Tổng Công ty Thuốc lá Vinataba tổ chức dạy nghề trồng cây thuốc lá cho LĐNT huyện Chi Lăng.
Đối với dạy nghề nông nghiệp, yếu tố thời gian và mùa vụ rất quan trọng. Nếu không tổ chức lúc này thì lại phải chờ từ 6 tháng đến 1 năm nữa. Nếu kéo dài như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tâm lý học của bà con”.
Để không ảnh hưởng đến công việc của những học viên tham gia lớp học, trước và sau Tết, Sở LĐ-TB&XH Lạng Sơn tiến hành tổ chức nhiều buổi thực hành ngay tại đồng ruộng. Những buổi lý thuyết sẽ được bố trí học bù sau trong một thời gian thích hợp hoặc sau Tết.
Công Trình
Vui lòng nhập nội dung bình luận.