Nhiều khó khăn trong quá trình triển khai dự án cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc và Bảo Lộc-Liên Khương
Nhiều khó khăn trong quá trình triển khai dự án cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc và Bảo Lộc-Liên Khương
Văn Long
Thứ năm, ngày 09/02/2023 17:02 PM (GMT+7)
Mặc dù đã được Thủ tướng Chính phủ và HĐND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng đến nay quá trình triển khai 2 dự án cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc và Bảo Lộc-Liên Khương vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Ngày 9/2 UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết đã có báo cáo đến Văn phòng Chính Phủ và Bộ Giao thông vận tải về tình hình triển khai xây dựng đường cao tốc đoạn Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương. Cả hai dự án đều được tỉnh Lâm Đồng xác định là dự án trọng điểm giai đoạn 2020-2025.
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, với tuyến cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho địa phương là cơ quan có thẩm quyền thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Hiện, tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo đơn vị chuẩn bị dự án đầu tư PPP là Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh và các sở, ngành, địa phương chủ động rà soát, lên kế hoạch và lộ trình đối với từng nhiệm vụ cụ thể. Từ đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và cố gắng, quyết tâm khởi công dự án trong tháng 9/2023.
Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cung lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng cùng liên danh nhà đầu tư khảo sát thực tế dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc tại thôn 13, xã Đam B’ri, TP.Bảo Lộc. Ảnh: Văn Long
Hiện, nhà đầu tư đề xuất dự án đã triển khai khảo sát địa hình, địa chất và lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, dự kiến sẽ hoàn thành hồ sơ trong tháng 3/2023.
Tương tự, với tuyến cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đang theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc triển khai. Theo kế hoạch, địa phương sẽ hoàn thành hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong quý II/2023 và công bố dự án ngay sau khi được phê duyệt.
Tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc với tổng chiều dài khoảng 66 km, trong đó: Trên địa phận tỉnh Đồng Nai khoảng 11 km (đi qua huyện Tân Phú); tỉnh Lâm Đồng khoảng 55 km (đi qua huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm và TP.Bảo Lộc). Điểm đầu dự án tại Km60+100 (trùng với điểm cuối của dự án đường bộ cao tốc Dầu Giây - Tân Phú tại cầu vượt trực thông nút giao Quốc lộ 20) thuộc địa phận xã Phú Trung (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai). Điểm cuối dự án tại Km126+360, giao với đường Nguyễn Văn Cừ, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.
Hiện các địa phương có tuyến cao tốc đi qua chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, nhiệm cụ cần thiết để đền bù, giải phóng mặt bằng. Sau khi có quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi thì sẽ thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng của dự án.
Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Lâm Đồng, việc triển khai 2 dự án trên đến nay vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Cụ thể, theo quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cáo tốc đoạn Tân Phú – Bảo Lộc quy định "dự án không áp dụng cơ chế chia sẻ phần doanh thu giảm so với phương án tài chính của dự án. Phần doanh thu tăng sẽ được tính toán ở bước tiếp theo quy định tại khoản 1 Điều 82 Luật PPP và được cụ thể tại Hợp đồng dự án". Việc quy định "không áp dụng cơ chế chia sẻ phần doanh thu giảm sẽ khó thu hút các nhà đầu tư quan tâm, đấu thầu nhà đầu tư thực hiện dự án. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư sẽ rất khó khăn trong việc huy động vốn và vay vốn từ các ngân hàng và tổ chức tín dụng để triển khai dự án.
Ngoài ra, 1 khó khăn nữa tỉnh Lâm Đồng gặp phải là quy định trong Nghị định 83 của Chính phủ thì chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng là một nội dung trong chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. Tuy nhiên, đối với các dự án giao thông thì trong triển khai các bước tiếp theo như phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công sẽ có một số điều chỉnh cục bộ để phù hợp với địa hình, địa chất và hiện trạng thực tế nên quy định chuyển mục đích sử dụng rừng là một nội dung trong chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đối với 2 dự án đường giao thông là chưa phù hợp.
Cụ thể, tại 2 dự án trên, 1 số điểm cần điều chỉnh cục bộ để giảm độ dốc dọc và đảm bảo được các yếu tố kỹ thuật theo tiêu chuẩn đường cao tốc. Việc điều chỉnh này có thể làm thay đổi vị trí nhưng diện tích rừng giảm 35,65ha so với phê duyệt. Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Bộ NNPTNT thì phải thực hiện lại trình tự, thủ tục quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, việc quy định như vậy sẽ mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.
Chính vì vậy, UBND tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung nội dung cơ chế chia sẻ doanh thu giảm đối với dự án cao tốc Tân Phú-Bảo lộc để thuận lợi cho việc thu hút nguồn vốn. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ dự án kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho phép thực hiện chỉ định thầu theo quy trình rút gọn đối với 1 số gói thầu tư vấn thuộc dự án như thẩm tra hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi, lập hồ sơ đánh giá tác động môi trường...
Ngoài ra, tỉnh Lâm Đồng cũng đề xuất, đối với những dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chấp thuận chủ chương chuyển mục đích sử dụng rừng, tuy nhiên trong quá trình triển khai có điều chỉnh cục bộ vị trí, hướng tuyến nhưng không làm tăng diện tích rừng đã được chấp thuận thì giao địa phương chịu trách nhiệm điều chỉnh cho phù hợp với phạm vi thực hiện dự án.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.