Nhiều loại dược liệu trị "bách bệnh" sắp trình làng Thủ đô

Anh Thơ Thứ hai, ngày 04/03/2019 18:08 PM (GMT+7)
Lần đầu tiên một hội chợ dược liệu và sản phẩm y dược cổ truyền sẽ được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Tại đây, người tiêu dùng có thể tìm thấy nhiều sản phẩm dược liệu quý của Việt Nam có tác dụng hỗ trợ điều trị nhiều loại bệnh như trà hoa vàng, trinh nữ hoàng cung, actiso...
Bình luận 0

Với quy mô dự kiến từ 120-150 gian hàng, đến thời điểm này, Ban tổ chức Hội chợ đã nhận được sự tham gia của nhiều tổ chức, đơn vị đến từ các địa phương, cơ sở trồng dược liệu, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh dược liệu và các sản phẩm y dược cổ truyền các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Theo đó, sẽ có nhiều loài dược liệu quý hiếm và đặc hữu cùng những sản phẩm được chiết xuất từ loại dược liệu đó được giới thiệu tại hội chợ như: Trinh nữ hoàng cung, Actiso, bìm bìm biếc, rau đắng đất, đinh lăng, diệp hạ châu đắng, cỏ nhọ nồi, tần dày lá, dây thìa canh, chè dây, kim tiền thảo, trà hoa vàng,... 

img

Trà hoa vàng là một loại dược liệu quý của Việt Nam. Ảnh: I.T

Ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NNPTNT), các gian hàng được phân chia thành các khu vực như: Khu gian hàng của các địa phương, HTX, cơ sở trồng cây dược liệu; khu các bệnh viện y học cổ truyền trên cả nước; khu gian hàng Hội Đông y, Hiệp hội dược liệu, Hiệp hội kinh doanh dược; Hội Nam y; khu gian hàng của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến dược liệu và các sản phẩm y dược cổ truyền; khu thăm khám bệnh, tư vấn kiến thức về các loại dược liệu, thuốc cổ truyền miễn phí; khu ẩm thực dược liệu.

 Ông Phạm Vũ Khánh-Cục trưởng Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế), với hệ sinh thái phong phú, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn về việc nuôi dưỡng và phát triển các cây thuốc quý.

Theo thống kê của Viện Dược liệu, đến nay Việt Nam đã ghi nhận trên 5.000 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc. Trong số những loài đã công bố, có nhiều loài được xếp vào loại quý hiếm trên thế giới như: sâm Ngọc Linh, tam thất hoang, bách hợp, thông đỏ… trong đó, sâm Ngọc Linh (hay sâm Việt Nam) là một trong những loại sâm có hàm lượng saponin nhiều nhất, cao hơn cả những loại sâm quý được nghiên cứu sử dụng lâu đời trên thế giới như sâm Triều Tiên, sâm Trung Quốc. 

img

Vườn sâm Ngọc Linh của Công ty Lâm nghiệp Đắk Tô. Ảnh: I.T

Những kết quả nghiên cứu dược lý thực nghiệm sâm Ngọc Linh đã chứng minh tác dụng chống stress vật lý, stress tâm lý và trầm cảm, kích thích hệ miễn dịch, chống ôxi hóa, lão hóa, phòng chống ung thư, bảo vệ tế bào gan.

Một số công trình nghiên cứu cho thấy chè hoa vàng giảm triệu chứng xơ vữa động mạch do máu nhiễm mỡ, điều hòa huyết áp, hạ đường huyết; chữa kiết lỵ, đại tiện ra máu; chống sự hình thành huyết khối gây tắc nghẽn mạch máu; phòng ngừa ung thư và ức chế sự phát triển của các khối u khác; giải độc gan và thận, ngăn ngừa xơ vữa động mạnh máu; ức chế và tiêu diệt vi khuẩn;

Ngành y tế đã tổng hợp được danh mục các loài cây thuốc từ cộng đồng các dân tộc và thu thập, sưu tầm được gần 1.300 bài thuốc dân gian trên cả nước. Những tri thức bản địa này là cơ sở quan trọng nhằm hỗ trợ cho việc sàng lọc, nghiên cứu phát triển sản phẩm phục vụ công tác phòng và chữa bệnh của nhân dân. 

Sau gần 30 năm thực hiện, công tác bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn cây thuốc đã đạt những kết quả nhất định. Đến nay, ngành y tế đã duy trì mạng lưới bảo tồn nguồn gen tại 7 vùng sinh thái gồm: vùng Đồng bằng Sông Hồng (Hà Nội), vùng trung du phía Bắc (Tam Đảo), vùng núi cao phía Bắc (Lào Cai), vùng Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa), vùng Tây Nguyên (Đà Lạt), vùng Duyên hải Nam Trung Bộ (Phú Yên) và vùng Đông Nam bộ (TP Hồ Chí Minh).

Ngành đã lưu giữ và bảo tồn 1.531 nguồn gen thuộc 884 loài cây thuốc tại 7 vườn cây thuốc thuộc các đơn vị; 100% các nguồn gen bảo tồn được đánh giá ban đầu; 30% nguồn gen được đánh giá chi tiết về các chỉ tiêu sinh trưởng và phát triển… Đặc biệt, hiện đã có 11 cây dược liệu được trồng theo nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc” (GACP-WHO), bao gồm: Trinh nữ hoàng cung, actiso, bìm bìm biếc, rau đắng đất, đinh lăng, diệp hạ châu đắng, cỏ nhọ nồi, tần dày lá, dây thìa canh, chè dây và kim tiền thảo. 

img

Người dân thu hoạch trà hoa vàng. Ảnh: I.T

Báo cáo của Cục Quản lý Dược-Bộ Y tế, mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng 50.000 - 60.000 tấn các loại dược liệu khác nhau, sử dụng vào việc chế biến vị thuốc y học cổ truyền, nguyên liệu ngành công nghiệp dược hoặc xuất khẩu. Theo đó, thị trường tiêu thụ dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu của Việt Nam là rất lớn.

Hệ thống khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền hiện có hơn 60 bệnh viện y học cổ truyền công lập; hơn 90% bệnh viện đa khoa tỉnh có bộ phận y học cổ truyền; khoảng 80% trạm y tế xã có hoạt động khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền và gần 7.000 cơ sở hành nghề y học cổ truyền tư nhân sử dụng dược liệu trong khám chữa bệnh. 

Mặc dù có tiềm năng thế mạnh lớn, nhưng hiện nay Việt Nam mới chỉ tự cung cấp được 25% nguyên liệu để phục vụ việc sản xuất thuốc trong nước, còn lại 75% vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Việt Nam cũng chưa đưa được các bài thuốc quý trong cộng đồng ra sử dụng rộng rãi; thậm chí nhiều bài thuốc quý đã bị mai một, thất truyền hoặc bị đánh cắp, giả mạo. Đồng thời, sản phẩm từ dược liệu quý của nước ta chưa trở thành hàng hóa có giá trị cao và chưa được sử dụng rộng rãi. 

Vì vậy, Hội chợ dược liệu và sản phẩm y dược cổ truyền sẽ là địa chỉ cung cấp, trao đổi dược liệu có chất lượng cao và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Trong khuôn khổ của Hội chợ, sẽ diễn ra Hội nghị giao thương, kết nối cung – cầu, ký kết biên bản ghi nhớ, hợp đồng hợp tác giữa các địa phương, nhà sản xuất với các doanh nghiệp kinh doanh, phân phối dược liệu và các sản phẩm y dược cổ truyền.

Hội chợ diễn ra từ ngày 20-25/3, tại Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (489 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem