Nhiều “lỗi hệ thống” dẫn đến tai nạn lao động

Thứ ba, ngày 04/12/2012 08:11 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đó là nhận định của nhiều đại biểu tại Hội nghị mạng thông tin quốc gia về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) diễn ra tại Hà Nội hôm 28.11.
Bình luận 0

Về vấn đề này, phóng viên NTNN đã trao đổi với ông Phùng Huy Giật - Trưởng ban Thông tin, tuyên truyền huấn luyện, Hội ATVSLĐ Việt Nam.

Hội nghị chỉ ra tai nạn lao động (TNLĐ) và bệnh nghề nghiệp đang có chiều hướng gia tăng, theo ông, đâu là nguyên nhân chính?

- Có nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra, nhưng trước hết cần phải thấy được nguyên nhân chính, cốt lõi là sự yếu kém trong khâu quản lý của cơ quan quản lý nhà nước. Hậu quả là để lại một loạt lỗi kiểu "hệ thống". Ví dụ như vấn đề quản lý ATLĐ ở các dự án xây dựng phải thực hiện từ khâu thẩm định, cấp phép các dự án, sau đó là thanh tra thường xuyên.

Nghị định 06 cũng có nêu nhưng lại không chỉ rõ được các điều kiện như: Ai thẩm định? Thẩm định thế nào? Ngân sách từ đâu?... Chính vì vậy, nhiều dự án xây mới, hoặc cải tạo đã bỏ qua quy trình thẩm định ATVSLĐ khiến TNLĐ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

img
Một nông dân bị thương tật nặng vì điện giật khi đang vận hành máy tuốt lúa chạy điện.

Nguyên nhân thứ hai chính là do đội ngũ thanh tra ATVSLĐ của chúng ta còn quá mỏng. Đội ngũ thanh tra mỏng, thiếu chuyên môn, thiếu cộng tác viên thanh tra nên không thể thực hiện việc thanh, kiểm tra về ATVSLĐ rộng khắp. Mặt khác, các máy móc, công cụ phục vụ cho thanh tra như xe đi lại, máy đo nồng độ ô nhiễm; xét nghiệm chất độc hại… cũng thiếu và lạc hậu.

Có ý kiến cho rằng, việc xử phạt vi phạm ATVSLĐ còn quá nhẹ cũng là nguyên nhân chủ yếu?

- Như trên tôi đã nói là do quản lý yếu kém, luật đã có nhưng chưa cụ thể, lực lượng thực thi thiếu, khung xử phạt từ 500.000- 20.000.000 đồng đối với các hành vi gây TNLĐ, bệnh nghề nghiệp vẫn còn thấp. Theo tôi, cần phải mạnh tay hơn nữa trong xử phạt, trong trường hợp nghiêm trọng có thể cho ngừng thi công, công trình nếu không tuân thủ các biện pháp đảm bảo ATVSLĐ.

Một trong những nhóm đối tượng hay xảy ra TNLĐ và bệnh nghề nghiệp chính là lao động tự do. Cần làm gì để hỗ trợ nhóm lao động này giảm thiểu TNLĐ?

- Hiện nay, lao động tự do đang nằm ngoài các quy định pháp luật về ATVSLĐ. Chúng ta có Luật Lao động, trong đó có quy định về ATVSLĐ. Tuy nhiên, đa phần các đối tượng áp dụng là những người có quan hệ lao động, không bao gồm lao động tự do. Luật Lao động sửa đổi cũng đã đề cập tới quan hệ lao động với nhóm đối tượng này, tuy nhiên những điều khoản quy định về ATVSLĐ chưa thật cụ thể.

Theo ông Phùng Huy Giật, thời gian tới, các văn bản dưới luật nên quy định trách nhiệm cụ thể của người thuê lao động tự do trong việc đảm bảo ATLĐ.

Theo ông, cần giải pháp căn cơ nào để giảm thiểu tình trạng TNLĐ, bệnh nghề nghiệp?

- Ngoài việc tăng cường hệ mạng thông tin về ATVSLĐ quốc gia và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về ATVSLĐ, chúng ta cần bổ sung thêm các thanh tra ATLĐ chuyên sâu ở mọi lĩnh vực, trên nhiều ngành nghề. Bên cạnh đó, cũng cần phải tăng cường thêm hệ thống cơ sở vật chất, công cụ hỗ trợ quản lý về ATVSLĐ nhằm thay thế những thiết bị quá lạc hậu, nghèo nàn. Ví dụ như đầu tư mở rộng các viện nghiên cứu quốc gia; đồng thời trang bị thêm máy mọc hiện đại để đảm bảo quá trình thẩm định, thanh, kiểm tra ATVSLĐ một cách chính xác, toàn diện nhất.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem