Lỗ hổng về báo cáo tai nạn lao động trong làng nghề

Thứ sáu, ngày 30/11/2012 11:06 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Theo thống kê của Bộ NNPTNT, cả nước hiện có hơn 2.790 làng nghề. Tuy nhiên, việc thống kê tai nạn lao động trong làng nghề hầu như không có nên khó kiểm soát...
Bình luận 0

Hà Nội là địa bàn có số lượng làng có nghề lớn nhất với 1.270 làng, trong đó số làng nghề được UBND thành phố công nhận là 272. Nếu tính về kinh tế, doanh thu hàng năm của các làng nghề lên tới gần 1.300 tỷ đồng, đảm bảo việc làm cho gần 21.000 lao động.

img
Nỗi buồn đau của mẹ và các con của một nữ nạn nhân tử vong trong vụ cháy xưởng giày ở Tân Dân (An Lão, Hải Phòng) tháng 7.2011).

Tuy nhiên, Hà Nội hiện chưa có số liệu thống kê về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong các làng nghề. Ông Phan Văn Mậu -Phó Chánh thanh tra Sở LĐTBXH Hà Nội cho biết: Hà Nội xếp thứ 2 cả nước về các vụ tai nạn lao động và số người chết nhưng số liệu này cũng chủ yếu thống kê trong ngành xây dựng, chưa thống kê được trong các ngành khác, và càng chưa thể “với” tới được làng nghề.

“Hiện trên địa bàn Hà Nội có khoảng 110.000 doanh nghiệp, trong khi số lượng báo cáo về tai nạn trong năm 2011 chỉ có… 19 đơn vị. Các doanh nghiệp lớn còn như vậy, nói gì tới doanh nghiệp làng nghề”- ông Mậu nói.

Thực tế, tại các bệnh viện Xanh Pôn, Việt Đức, (Hà Nội), hàng tuần, hàng tháng vẫn cấp cứu nhiều tai nạn lao động mà nạn nhân là lao động trong các làng nghề. Mới đây nhất, anh V.M.T, làm nghề gỗ ở Bình Phú (Thạch Thất) bị máy ép gỗ ép nát tay. Tuy nhiên, anh T cho biết, chỉ có chủ sử dụng lao động và người nhà đưa anh đi cấp cứu. Trường hợp tai nạn của anh “không phải báo với ai và báo cũng chẳng để làm gì”- anh T nói.

Tại Bắc Ninh, các làng nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động như Châu Khê (Từ Sơn), Phong Khê (TP. Bắc Ninh) nhưng cũng chưa từng có thống kê. Ông Đỗ Văn Hiền - Chủ tịch phường Châu Khê cho biết, hàng năm trong phường đều xảy ra tai nạn lao động thương tâm. Tai nạn dễ gặp phải đối với người lao động là bị sắt đâm chảy máu, thậm chí nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng gây thương vong lớn do nổ bình hơi, lò đúc, bị máy cán giập nát hoặc mất bàn tay... Nhưng con số cụ thể về số người, số vụ tai nạn thì ông Hiền cho biết là “không có”.

Theo Cục An toàn lao động, việc thống kê tai nạn lao động sẽ giúp người lao động được hỗ trợ từ nhiều nguồn: Chi trả BHXH (liên quan tới số ngày nghỉ ốm), các bồi thường liên quan tới sức khỏe. Ngoài ra, việc có số liệu về từng loại hình tai nạn sẽ giúp cơ quan chức năng và cả các doanh nghiệp có biện pháp khắc phục các nguy cơ gây tai nạn, bảo vệ lao động…

Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp, cơ sở trong làng nghề tuân thủ các quy định này rất ít, không nói là cố tình lờ đi. Vì vậy, số liệu về tai nạn lao động vẫn ở trong tình trạng “sương mù”. Trong khi đó, cơ quan quản lý, giám sát là ngành LĐTBXH thì thiếu nhân lực trầm trọng. Cụ thể nhất là Hà Nội, chỉ có 17 thanh tra lao động và số có chuyên môn chuyên sâu về an toàn lao động chỉ có khoảng… 3 người. Với số lượng nhỏ nhoi này, không thể kiểm soát được tới tận doanh nghiệp, cơ sở nhỏ trong làng nghề.

Về mặt chính sách, Chính phủ đã có nhiều hướng dẫn về an toàn lao động. Tuy nhiên, với tình trạng “thiếu và yếu” đủ thứ, rất cần sự tự giác của doanh nghiệp làng nghề thống kê, kiểm soát tai nạn lao động và cả sự kiểm soát hữu hiệu của cơ quan nhà nước để đảm bảo chính sách về an toàn lao động được thực thi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem