Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Chỉ tính trong khu vực giữa Quốc lộ 1 và cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thuộc tỉnh Tiền Giang, trong thời gian qua bà con đã chuyển đổi hàng nghìn ha đất trồng lúa và cây trồng khác sang trồng sầu riêng.
Trong số đó, huyện Tân Phước nằm trong vùng Đồng Tháp Mười (Tiền Giang) vốn thổ nhưỡng đất nhiễm phèn, khó canh tác nhưng nông dân cũng đã trồng gần 30 ha sầu riêng, tập trung ở các xã ven kênh Nguyễn Văn Tiếp.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Tân Phước Trần Hoàng Phong cho biết, địa phương khuyến cáo nông dân không trồng sầu riêng trên đất nhiễm phèn huyện Tân Phước. Bởi lẽ đây là cây trồng lâu năm, mẫn cảm với độ nhiễm phèn, nhiễm mặn trong đất.
Trước đây, trong mùa khô hạn và xâm nhập mặn khốc liệt năm 2020 tại Tiền Giang, toàn tỉnh có hơn 3.600 ha sầu riêng bị thiệt hại. Ảnh hưởng hạn mặn năm 2020 vẫn còn tác động tiêu cực đến vùng trồng sầu riêng các huyện Cai Lậy, thị xã Cai Lậy là một minh chứng.
Theo đánh giá của lãnh đạo huyện Tân Phước, sầu riêng trồng tại đây chỉ phát triển trong giai đoạn đầu. Lâu dài, khi rễ đụng tầng đất nhiễm phèn, cây sẽ bị suy kiệt và chết, thiệt hại cho nông dân khó lường.
Còn theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, cây sầu riêng là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, yêu cầu về điều kiện thổ nhưỡng: đất đai, khí hậu... cũng rất cao. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư: thiết kế vườn, công chăm sóc, thuốc, phân bón... đòi hỏi cần có nguồn vốn lớn.
Một cây cầu riêng trồng ở Tiền Giang đang chờ thu hoạch trái (ảnh minh họa).
Giai đoạn kiến thiết của cây sầu riêng dài hơn 5 năm so với một số loại cây trồng khác. Trong điều kiện giá bán, thị trường tiêu thụ ổn định sau khoảng 3 năm cho trái người dân mới hoàn vốn.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang chia sẻ, việc nông dân đã và đang chuyển đổi mạnh từ đất lúa và các cây trồng khác sang cây sầu riêng tiềm ẩn nhiều rủi ro; trong đó có khả năng thích nghi của cây sầu riêng đối với thổ nhưỡng từng vùng.
Ngoài ra, diện tích sầu riêng không chỉ tăng nhanh trong tỉnh, các tỉnh thành lân cận như: Vĩnh Long, Long An, Bến Tre, Đồng Tháp... hay các khu vực khác như: miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên nguy cơ ảnh hưởng lớn đến sự cân bằng cung - cầu thường xảy ra trong sản xuất nông nghiệp tác động tiêu cực đến nông dân.
Do vậy, bà con cần cân nhắc sự phát triển của cây sầu riêng hiện nay. Đồng thời, ngành chức năng cần có sự đánh giá sâu hơn, chi tiết hơn về sự thích nghi của loại cây trồng này trên những vùng đất mới.
Quan điểm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tình Tiền Giang là không khuyến khích phát triển thêm diện tích trồng sầu riêng ở những vùng đất nhiễm phèn, nhiễm mặn hoặc ngoài các vùng quy hoạch mà cần tập trung nâng cao chất lượng trái sầu riêng thương phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn phía Trung Quốc đưa ra để được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu chính ngạch.
Nắm bắt thời cơ khi trái sầu riêng được chấp nhận xuất chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khó tính khác trên thế giới, toàn vùng đã được cấp 66 mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc với tổng diện tích trên 2.400 ha.
Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ lập và nộp hồ sơ, chờ thẩm định để được cấp mã số vùng trồng cho diện tích còn lại, phấn đấu đến cuối năm 2023, có ít nhất 50% diện tích sầu riêng được cấp mã số vùng trồng xuất chính ngạch sang Trung Quốc.
Tiền Giang đã mở rộng diện tích vùng trồng chuyên canh sầu riêng xuất khẩu lên trên 17.600 ha, tập trung ở các huyện, thị vùng kiểm soát lũ phía Tây: Cai Lậy, Cái Bè, thị xã Cai Lậy, Châu Thành…Với năng suất đạt bình quân từ 20 - 25 tấn/ha và giá bán gần đây rất cao, bình quân 100.000 đồng/kg, mỗi ha sầu riêng sau khi trừ chi phí, nông dân còn lãi ròng 1,2 - 1,4 tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.