Nhiều nghề không sử dụng hết

Thứ ba, ngày 26/10/2010 02:53 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày 25-10, Ban chỉ đạo T.Ư thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg cho biết, các đơn vị giúp việc đang tổng hợp nội dung phê duyệt mức hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn.
Bình luận 0

Hiện tại, Bộ LĐ-TB&XH đã có thông tư (số 112) hướng dẫn tài chính cho các lớp dạy nghề ngắn hạn. Trên cơ sở này, các tỉnh xây dựng định mức riêng, trong đó có hỗ trợ chi phí học nghề.

Tổng hợp ban đầu cho thấy, rất nhiều nghề không sử dụng hết mức chi tối đa được quy định theo chính sách (3 triệu đồng/học viên/khoá).

Ví dụ như tỉnh Nam Định chọn 21 nghề dạy ngắn hạn cho nông dân, mức chi cho 11 nghề phi nông nghiệp (hàn, cắt gọt kim loại, kỹ thuật điêu khắc gỗ...) là 2 triệu đồng/người/khoá học; 10 nghề còn lại (nuôi trồng thuỷ hải sản, trồng hoa cây cảnh, dịch vụ nhà hàng- khách sạn...) là 1,8 triệu đồng/khoá học.

Hải Phòng là địa phương tự cân đối ngân sách chi cho chương trình này cũng khống chế mức chi một số nghề là 2,5 triệu đồng và đang đề xuất Bộ LĐ-TB&XH cấp bổ sung kinh phí đào tạo nghề năm 2010 do kế hoạch thực hiện cuối năm ngân sách thành phố chưa bổ sung kịp.

Lãnh đạo nhiều Sở LĐ-TB&XH cho biết, mức hỗ trợ này được xây dựng trên cơ sở mức học phí chung cho nghề và khả năng cân đối ngân sách, vì vậy, khi tính toán đều phải "liệu cơm gắp mắm".

Cũng theo Ban chỉ đạo Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn tới năm 2020, còn rất nhiều tỉnh chưa xây dựng được định mức chi dạy nghề theo Quyết định 1956 nên các lớp dạy nghề vẫn chi theo mức cũ (Quyết định 81) như Hải Dương, Ninh Bình, Thái Bình, hầu hết các tỉnh miền Trung...

Theo Bộ LĐ-TB&XH, việc phê duyệt này các tỉnh sẽ phải hoàn thành sớm để UBND tỉnh bố trí kinh phí cho năm 2011, đảm bảo quyền lợi cho bà con theo học.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem