Nhiều nhà đầu tư muốn xây nhà máy xử lí rác thải ở nông thôn, nhưng "khó đủ thứ"

Thiên Hương Thứ năm, ngày 06/10/2022 11:17 AM (GMT+7)
"Nếu xử lí rác thải mà chỉ những người làm môi trường đi làm một mình thì không thể làm được, phải có sự đồng hành từ Trung ương đến địa phương, từ người giàu đến người nghèo. Chúng ta cứ hò hét phải xử lí chất thải nhưng không làm gì cụ thể thì bao giờ mới thành công".
Bình luận 0

Xử lí rác thải phải có sự đồng hành quyết liệt 

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Đình Trọng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ T-Tech Việt Nam tại Hội nghị triển khai Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn và Chương trình Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025, do Bộ NNPTNT tổ chức sáng nay. 

Hội nghị do Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam và Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Võ Tuấn Nhân chủ trì. 

Nhiều nhà đầu tư muốn xây nhà máy xử lí rác thải ở nông thôn, nhưng "khó đủ thứ" - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam phát biểu khai mạc Hội nghị sáng 6/10.

Phát biểu góp ý tại hội nghị, ông Nguyễn Đình Trọng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ T-Tech Việt Nam cho biết rất sốt ruột khi thấy việc xử lí môi trường trong xây dựng nông thôn mới còn nhiều vướng mắc, khó khăn. 

"Với kinh nghiệm là doanh nghiệp có 20 năm trong lĩnh vực công nghệ xử lí môi trường, tôi rất trăn trở với ngành môi trường. Phải thừa nhận xử lí rác thải, ô nhiễm môi trường là vấn đề khó. Nếu xử lí rác thải mà chỉ những người trong ngành môi trường đi làm một mình thì không thể làm được, phải có sự đồng hành từ trung ương đến địa phương, từ người giàu đến người nghèo" - ông Trọng cho biết. 

Theo ông Trọng, để xử lí được vấn đề rác thải, ô nhiễm môi trường ở nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới thông minh, chúng ta cần làm tốt 3 vấn đề. Một là quy hoạch môi trường, nếu các địa phương không có quy hoạch, không hiểu rác là gì thì không thể có quy hoạch chuẩn, có tầm nhìn xa. Theo tôi, hiện nay mỗi tỉnh nên có ít nhất 1 khu liên hợp xử lí chất thải tổng hợp. 

"Chúng ta cứ hò hét phải xử lí chất thải nọ kia nhưng không làm gì cụ thể thì bao giờ mới thành công? Muốn nhanh thì cũng phải 2-3 năm, còn hiện nay làm loay hoay vì không có quy hoạch" - ông Trọng thẳng thắn nói. 

Thứ hai, theo ông Trọng là phải có công nghệ, định vị rác là tài nguyên. Đây là vấn đề công nghệ, cần thúc đẩy công nghệ để áp dụng từ thu gom, vận chuyển đến xử lí, có như vậy mới giải quyết vấn đề tuần hoàn trong xử lí rác thải. 

Nhiều nhà đầu tư muốn xây nhà máy xử lí rác thải ở nông thôn, nhưng "khó đủ thứ" - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Đình Trọng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ T-Tech Việt Nam cho biết rất sốt ruột khi thấy việc xử lí môi trường, rác thải trong xây dựng nông thôn mới còn nhiều vướng mắc, khó khăn. Ảnh: Thiên Hương

Thực tế là nếu lượng rác ở địa phương dưới 50 tấn/ngày thì rất khó thu hút nhà đầu tư. Nhưng chúng ta không thể loay hoay chờ nhà đầu tư mãi được, vì vậy với địa phương dưới 100.000 dân, lượng rác dưới 50 tấn/ngày thì nên đầu tư bằng ngân sách. Về cách làm, chúng ta hoàn toàn có thể đấu thầu công tác vận hành, đốt bằng lò nhỏ. Trong quá trình đó tự người dân sẽ phải thực hiện phân loại rác, thôi thúc thực hiện kinh tế tuần hoàn.

Thứ ba, ông Trọng nhấn mạnh việc quản lí sau đầu tư. "Phải có sự đồng hành từ Trung ương tới địa phương, tránh tình trạng trên chỉ đạo xuống, dưới lại chạy lên, không sẵn sàng tham gia vào công việc xử lí rác thải, rơi vào tình huống "sống chết mặc bay". Nếu không xử lí rác đến nơi đến chốn thì nó ảnh hưởng đến sức khoẻ của chính chúng ta chứ không phải là con cháu sau này" - ông Trọng chỉ rõ. 

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng thừa nhận, mặc dù tỉnh đã triển khai 2 mô hình nước uống trong trường học; phân loại rác thải tại nguồn ở huyện Núi Thành, với một số kết quả nhất định, tạo hiệu ứng cộng đồng, góp phần thực hiện tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới, nhưng để nhân rộng thì rất khó khăn. 

"Khó khăn nhất ở miền núi Quảng Nam là nước sạch, mật độ dân số thưa thớt, việc cấp nước sạch không đơn giản, tốn kém nhiều chi phí. Việc đầu tư nước sạch tại đây chưa đủ sức hấp dẫn doanh nghiệp, do đó rất cần sự quan tâm, tăng tỷ lệ cấp vốn của nhà nước, do đơn vị sự nghiệp nhà nước quản lí, vận hành" - ông Tuấn nói. 

Bên cạnh đó, Quảng Nam cũng gặp khó khăn trong vấn đề xử lí chất thải chăn nuôi, nhất là ở các cơ sở chăn nuôi lớn bởi khó xử lí triệt để. Khó khăn trong việc xử lí bao bì thuốc BVTV đúng quy định. Bao bì thuốc BVTV là chất thải nguy hại, yêu cầu khắt khe hơn, chi phí rất lớn…

Nhiều nhà đầu tư muốn xây nhà máy xử lí rác thải ở nông thôn, nhưng "khó đủ thứ" - Ảnh 4.

Các đại biểu dự hội nghị triển khai Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn và Chương trình Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh: Thiên Hương

Tại hội nghị, ông Lê Đức Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cho biết, đến nay Thanh Hoá đã có 12 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng còn huyện nghèo Mường Lát chưa có xã nào đạt chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt là ở xã Mường Chanh - mặc dù đã được Tổng Bí thư chọn làm điểm nhưng đến nay cũng chưa đạt chuẩn nông thôn mới, do đặc thù địa phương miền núi nghèo, việc triển khai các tiêu chí gặp rất nhiều khó khăn.

Đối với việc tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn, tỉnh Thanh Hoá cũng gặp nhiều khó khăn. Theo số liệu thống kê, 9 tháng năm 2022, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hàng ngày trên địa bàn khoảng 2.774 tấn, tăng hơn 20% so với cùng kì 2021. Lượng phát thải chất thải rắn chủ yếu từ khu vực nông thôn, chiếm gần ¾ lượng rác thải. Tỉ lệ thu gom, xử lí rác thải hiện nay ước đạt 88,5%. Tỉ lệ rác thải được xử lí bằng công nghệ đốt đạt 29,4%; chôn lấp đạt 67,9%; tái chế chỉ đạt 2,6%.

Toàn tỉnh hiện có 16 bãi chôn lấp rác thải tại 15 huyện và 26 khu xử lí rác thải bằng công nghệ đốt. UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư khu xử lí chất thải rắn mới cho các huyện, TP, gồm Đông Sơn, Bỉm Sơn, Sầm Sơn, Triệu Sơn, Như Xuân. Từ năm 2020 đến nay đưa vào vận hành 2 dự án nhà máy xử lí rác thải công suất từ 100-120 tấn/ngày đêm nên chưa đáp ứng được nhu cầu.

"Đặc biệt, hiện cũng có nhiều nhà đầu tư muốn vào Thanh Hoá làm công nghệ xử lí rác thải nông thôn, nhưng việc tiếp cận đầu tư còn khó khăn với những quy định của luật. Hiện còn 1 số bãi rác, 1 số điểm, kho chứa thuốc BVTV nguy hại, nguy cơ ô nhiễm môi trường rấ lớn nhưng xử lí khó khăn".

Do đó, ông Giang kiến nghị cần tăng cường truyền thông để người dân hiểu được tầm quan trọng của việc xử lí chất thải rắn; phía Nhà nước cần hoàn thiện cơ sở pháp lí, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tham gia xử lí chất thải rắn. Đề nghị Bộ Tài nguyên Môi trường tham mưu Thủ tướng có cơ chế chính sách vừa đảm bảo môi trường, vừa phục vụ tốt sản xuất kinh tế...



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem